Di tích núi Bài Thơ bị xuống cấp nghiêm trọng

Thứ Tư, 27/03/2013, 11:29
Không phải ngẫu nhiên mà di tích - danh thắng núi Bài Thơ được coi là niềm tự hào, là biểu tượng của TP Hạ Long và tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, do bị lãng quên của con người, di tích cấp quốc gia này đang bị xuống cấp nghiêm trọng.

Sừng sững bên bờ Vịnh Hạ Long, núi Bài Thơ như một tượng đài sống ghi lại những dấu ấn lịch sử quan trọng của nhiều thời đại. Hàng trăm năm trước, khi còn mang tên là núi Rọi Đèn (tên chữ là Truyền Đăng Sơn) vào mùa xuân năm 1468, Hoàng đế - thi sĩ Lê Thánh Tông, trong chuyến đi kinh lý ở phía Đông đã dừng chân tại đây.

Xúc động trước vẻ đẹp thần tiên của mây trời non nước Hạ Long, nhà vua đã làm một bài thơ và cho khắc vào phía Nam của vách núi đá và từ đó núi có tên Bài Thơ. Năm 1729, chúa Trịnh Cương đã làm một bài thơ họa lại bài thơ của vua Lê Thánh Tông và cho khắc vào gần đấy...

Năm 1968, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, núi Bài Thơ còn là vọng gác phòng không canh giữ biển trời vùng mỏ, là hang cứu thương, phục vụ chiến đấu và là nơi đặt trung tâm điện tín của Bưu điện tỉnh Quảng Ninh… Với vẻ đẹp thiên tạo hùng vỹ, núi Bài Thơ giờ tiếp tục là điểm đến của nhiều văn nghệ sĩ, đặc biệt là các nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước.

Đẹp và hoành tráng đến vậy, song núi Bài Thơ này dường như bị vùi trong quên lãng và xuống cấp trầm trọng. Vào giữa tháng 3/2013, trở lại di tích - danh thắng này, nhóm PV chúng tôi hết sức ngỡ ngàng trước cảnh tượng nơi đây.

Bia đá bị vẽ nham nhở.

Lối vào di tích núi Bài Thơ giờ nằm lọt thỏm trong một con ngõ nhỏ. Con đường lên núi tối âm u, rộng chưa đầy 1 mét, nằm đối diện với phố Cây Tháp, TP Hạ Long. Cách đó khoảng 10 mét có một tấm biển đề: ''Công trình phục hồi, tôn tạo khu di tích Trung tâm điện chính bưu điện Quảng Ninh'' đặt trên cổng của một nhà dân. Gọi mãi mới có một người phụ nữ (chủ nhà) ra mở cổng cho nhóm PV đi qua để lên núi.

Đường lên bị cản trở bởi nhiều cành cây bật gốc. Nhiều công trình được phục dụng từ 2003 giờ đã hoang tàn. Lối đi bị nhà dân cùng các vật liệu xây dựng, phế liệu chắn ngang khiến du khách dịch chuyển rất khó khăn. Đó là chưa kể những đàn dê chen chúc giữa các bậc đá lên xuống và vô tư “phóng uế”. Riêng nhà di tích thì ngập đầy giấy rác. Tường bị gạch xóa, vẽ bậy, bôi bẩn. Vẻ đẹp hùng tráng, lãng mạn của núi Bài Thơ đang bị những cái đầu và những bàn tay thiếu ý thức làm cho ngày một xấu đi. 

Với chiều cao hơn 200m nằm bên bờ Vịnh Hạ Long, núi Bài Thơ cùng bài thơ bất hủ ở chân núi phía Nam, sự tích Truyền Đăng Sơn, đền thờ Trần Quốc Nghiễn, vị trí treo cờ Đảng, nơi đặt còi báo động, các hang sơ tán thời chiến... là những giá trị lịch sử còn tươi rói có thể khai thác phục vụ phát triển du lịch. Chợ Hạ Long I, chùa Long Tiên, các khu phố thương mại, ẩm thực ở khu vực là những điều kiện hỗ trợ có hiệu quả cho việc thu hút du khách đến với các hoạt động tham quan núi Bài Thơ.

Tại Hội thảo quốc tế về Bảo tồn, phát huy các giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - ngày 24/7/2012, ông Moon Kyoo Kim, chuyên gia du lịch Hàn Quốc đã từng phải thốt lên, núi Bài Thơ là một trong những giá trị điển hình về du lịch tại trung tâm đô thị Hạ Long nhưng chưa được khai thác, phát huy...

Rõ ràng, di tích Bài Thơ đã và đang bị xuống cấp trầm trọng, rất cần được cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh khẩn trương có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ nhằm quy hoạch, cũng như tôn tạo cảnh quan cho xứng tầm với những giá trị lịch sử, truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc để đây mãi là địa chỉ độc đáo, hấp dẫn

Đăng Hùng
.
.
.