Di tích lịch sử Tân Sở đang trở thành phế tích

Chủ Nhật, 22/01/2006, 09:11

Vùng Cùa là miền đất đỏ bazan thuộc huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Cùa không chỉ nổi tiếng với đặc sản hồ tiêu mà còn là vùng đất lịch sử có căn cứ Tân Sở của thời vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương đánh giặc Pháp, là chiến khu vững chắc của Quảng Trị trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Thế nhưng hiện nay cả một vùng đất hầu như đã bị san phẳng bởi bom đạn Mỹ và sự hủy hoại của nắng gió khắc nghiệt ở Quảng Trị.

Tân Sở, lịch sử đã từng ghi...

Vào năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, triều đình nhà Nguyễn đã từng bước nhượng bộ và đầu hàng giặc. Trước nguy cơ mất nước, Thượng thư bộ binh Tôn Thất Thuyết và quan phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường cùng phái chủ chiến của triều đình đã tiến hành xây dựng khẩn trương khu căn cứ Tân Sở tại vùng Cùa núi non hiểm trở (thuộc làng Mai Đàn, xã Cam Chính hiện nay).

Căn cứ được bắt đầu xây dựng từ năm 1883 và được hoàn thành vào năm 1886. Thành được xây theo cấu trúc chữ nhật dài 548m, rộng 418m, với tổng diện tích là 22,9ha. Thành ngoại có 4 cửa tiền, hậu, tả, hữu, đắp bằng đất, phía ngoài có hàng rào cọc nhọn và hệ thống hào bao quanh. Xung quanh thành, mỗi phía trồng bốn hàng tre chen dày, đan kín. Bờ tre ngoài cùng cách bờ tre thứ hai 21m, bờ tre thứ hai cách bờ tre thứ ba 13m, bờ tre thứ ba cách bờ tre thứ tư 5m. Giữa các bờ tre là tường thành đắp bằng đất nện chặt. Ở bốn góc thành có bốn giếng nước sâu 20m.

Bên trong thành ngoại có nhà cửa, trại lính, kho hậu cần, bãi tập trận của voi, ngựa. Tiếp đó là thành nội được xây vững chắc và ở giữa là nơi làm việc của vua quan. Sau sự kiện binh biến đêm 23/5/1885 tại kinh thành Huế, phái chủ chiến tiến hành đánh úp giặc Pháp nhưng thất bại. Vua Hàm Nghi cùng các quan đại thần của phái chủ chiến và đoàn tùy tùng phụ xa giá ra Tân Sở. Tại đây, ngày 13/7/1885, thay mặt vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết đã ban hịch Cần Vương kêu gọi nhân dân phụng sự vua đánh giặc Pháp. Từ đó, Tân Sở trở thành trung tâm lãnh đạo kháng chiến của phong trào Cần Vương. 

Và những điều trông thấy... hôm nay

Trong màn mưa, tôi ngắm nhìn bao quát vùng đất được gọi là khu di tích Tân Sở. Nếu không có sự chỉ dẫn của thầy giáo Hoàng Thế Hùng, Hiệu trưởng Trường PTTH Lê Thế Hiếu thì chắc chắn tôi khó biết được nơi tôi đang đứng một thời là kinh đô kháng chiến của vua Hàm Nghi và phong trào yêu nước Cần Vương.

Chỉ tay vào mấy cụm tre lờ mờ ở xa xa, thầy giáo Hoàng Thế Hùng nói: "Có lẽ, đó là vật duy nhất còn sót lại của căn cứ Tân Sở này". Chẳng hiểu vì sao một di tích lịch sử độc đáo và nổi tiếng như Tân Sở mà người ta sớm quên lãng như thế. Một tấm bia di tích bề thế cũng chưa được dựng lên ở đây nói gì đến chuyện phục chế lại những hiện vật cần thiết của khu căn cứ để du khách về thăm hoặc giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ sau. Giờ đây, ở khu vực này đang hình thành làng tái định cư Cồn Trung và một ngôi trường THCS đã mọc lên. Chẳng rõ có lấn chiếm vào địa giới di tích lịch sử không? Khu đất này đã trở thành đất trồng hoa màu và cây lâm nghiệp của địa phương. Thành Tân Sở - kinh đô dự bị của triều đình nhà Nguyễn chỉ còn lại trong ký ức mờ xa.

Lịch sử không chỉ là quá khứ mà trong sự phát triển, đi lên của dân tộc, lịch sử là bài học quý báu, là năng lượng tiếp sức cho hiện tại và tương lai. Vì vậy, có hợp lẽ không khi một di tích lịch sử tầm vóc, tiêu biểu cho ý chí độc lập tự chủ của dân tộc ta như Tân Sở lại đang bị "bỏ rơi"?

Mai Sao
.
.
.