Di tích làng phu cao su Công Tra Lộc Thiện

Thứ Tư, 02/05/2007, 16:15
Theo tài liệu nghiên cứu của Bảo tàng tỉnh Bình Phước, làng Công Tra Lộc Thiện đựơc xây dựng từ năm 1940 với khoảng 50 căn nhà, mỗi căn có diện tích từ 20 - 40m2. Tuỳ theo số người trong gia đình phu cao su được phân nhà lớn, nhà nhỏ.

Đi giữa ngút ngàn cao su, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những đổi thay từng giờ, từng phút của cuộc đời người công nhân cao su. Thấp thoáng trong màu xanh đại ngàn của cao su là những làng công nhân mới mọc lên, màu ngói đỏ tươi, chúng tôi chợt nghĩ về nỗi khổ đau của người phu cao su dưới thời thuộc Pháp: "Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng?" (Tố Hữu).

Gắn liền với cuộc đời tủi nhục của người phu cao su là những làng Công Tra do chủ Pháp dựng lên. Làng Công Tra chật chội, bức bối, tối tăm như chính cuộc đời của gia đình người phu cao su thời ấy.

Trên đất Bình Phước, hiện chỉ còn dấu tích của một làng Công Tra duy nhất - làng Công Tra Lộc Thiện (làng 10, xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh). Để tìm hiểu cội nguồn, một ngày cuối tháng 4, chúng tôi đã về Lộc Thiện.

Ngược dòng thời gian

Theo một số tài liệu lịch sử để lại, để làm giàu cho mẫu quốc (nước Pháp), năm 1912, người Pháp đã mang giống cây cao su từ Brazil sang trồng trên vùng đất đỏ bazan Lộc Ninh (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước ngày nay).

Do nhu cầu phát triển nhanh của các đồn điền cao su, địa phương không đủ lao động, chủ đồn điền người Pháp ra tận các tỉnh miền Bắc, miền Trung tuyển mộ. Hàng chục ngàn phu cao su bị bức ép, phải bỏ nhà, bỏ quê vào Lộc Ninh làm thuê cho các chủ người Tây.

Để có nhà ở cho phu cao su, chủ đồn điền đã xây cất nhà sàn (như nhà dân tộc thiểu số bản địa) cho phu cao su. Do nhà sàn không phù hợp với lối sinh hoạt của người Kinh, vào những năm 1936 - 1939, chủ đồn điền xây dựng nhà trệt, bán kiên cố cho phu cao su ở (gọi là Hãng) - làng Công Tra có từ hồi ấy.

Bà Hoàng Thị Lộc, 72 tuổi, ở ấp 1, xã Lộc Thiện kể: "Vào những năm 40 của thế kỷ trước, cha mẹ tôi từ huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình bị ép vàp làm phu cao su tại đồn điền Lộc Ninh. Do kinh tế khó khăn nên gia đình tôi vẫn sống trong căn nhà này cho đến bây giờ. Nhà thì xấu, chật chội nhưng được cái tường xây rất chắc nên có thể chịu đựng được giông gió và tồn tại với thời gian".

Chỉ vào những căn nhà lụp xụp ở phía sau, tường xây đã chuyển màu hoen ố, bà Lộc nói tiếp: "Làng Công Tra bao gồm: Nhà ở của phu cao su; nhà kho; cửa hàng tạp hóa. Nhà phu là nơi phu cao su đến để nhận và trả công cụ lao động. Cũng là nơi  trước khi đi làm, phu cao su phải tập trung để điểm danh. Có những làng Công Tra, chủ đồn điền còn xây nhà thờ, chùa và ít phòng học".

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, các công trình kiến trúc làng Công Tra hầu như đã không còn. Điều đáng mừng là dù đã có sửa chữa, thay đổi ít nhiều nhưng ở làng 10, xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước vẫn còn dấu tích của một làng Công Tra, còn đủ 4 thành phần là nhà ở của phu, cửa hàng tạp hóa, chùa và nhà kho.

Tồn tại cùng thời gian

Theo tài liệu nghiên cứu của Bảo tàng tỉnh Bình Phước, làng Công Tra Lộc Thiện đựơc xây dựng từ năm 1940 với khoảng 50 căn nhà, mỗi căn có diện tích từ 20 - 40m2 (tuỳ theo số người trong gia đình phu cao su được phân nhà lớn, nhà nhỏ).

Hiện làng Công Tra Lộc Thiện (làng 10 xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) còn 24 căn, xây dựng một loại hình kiến trúc giống nhau, phân bố làm 4 dãy chạy dọc 2 bên con đường chính vào làng 10. Để thuận tiện trong việc quản lý, kiểm soát phu cao su, chủ đồn điền đã xây dựng mỗi nhà cách nhau 30m, đánh số nhà từ phải qua trái, từ dãy trước đến dãy sau theo thứ tự tăng dần.

Bà Phạm Thị Chí chỉ vào những số nhà và giải thích: "Ở đây, chủ đồn điền đánh số nhà ngay từ lúc căn nhà mới xây dựng xong. Nhà tôi số 36, nhà ông Nguyễn Văn Chuyên (bên cạnh số 38). Số nhà được viết bằng mực màu, rất khó cạo sửa”.

Cách nhà bà Chí chỉ vài trăm mét, nhà kho (còn gọi là nhà làm việc) vẫn nằm trên khu đất cũ nhưng đã bị hư hỏng nặng, nửa nhà phía bên phải đã bị sụp đổ cách đây vài năm càng làm cho cảnh tượng tiêu điều.

Từ trên xuống: Nhà ở của phu cao su, nhà kho làng Công Tra, chùa Vĩnh Lâm.

Phía cuối làng, gần sát đường là nhà thờ đạo Thiên chúa. Theo nhiều người dân ở đây cho biết, nhà thờ này đã bị bỏ hoang phế từ lâu, không ai lui tới.

Chùa Vĩnh Lâm - một ngôi chùa cũ kỹ nằm trong quần thể làng Công Tra Lộc Thiện vẫn ấm hơi người. Ni cô Thích Nữ Lệ Cần - người trụ trì chùa Vĩnh Lâm cho biết: "Chùa Vĩnh Lâm là một trong 5 ngôi chùa được Pháp xây dựng tại 5 làng Công Tra từ những năm 1939. Bốn ngôi chùa được xây dựng ở làng 1, làng 2, làng 5 và làng 9. Các ngôi chùa này đã bị hư hỏng do chiến tranh.

Chỉ còn chùa Vĩnh Lâm còn là ngôi chùa duy nhất còn lại tại làng Công Tra vẫn giữ nguyên kiến trúc xây dựng ban đầu, tượng Phật A Di Đà và Phật Di Lặc hiện đang đựơc thờ cúng trong chùa cũng có từ ngày chùa mới được xây dựng.

Chùa Vĩnh Lâm vinh dự được đón cán bộ Cách mạng vào ẩn náu để hoạt động, tuyên truyền trong những ngày Cách mạng còn gian khó nhất".

Cần bảo tồn làng Công Tra Lộc Thiện

Những người hiện đang sinh sống ở Công Tra Lộc Thiện đa số là con cháu của những phu cao su thời Pháp. Ngoài một số căn nhà đã được thay đổi bằng một vài vật liệu nhỏ, làng Công Tra Lộc Thiện vẫn giữ được nét riêng của một thời kỳ lịch sử, in đậm truyền thống đấu tranh Cách mạng của đội ngũ những người phu cao su một lòng một dạ đi theo Đảng. Do vậy, bảo tồn làng Công Tra Lộc Thiện  không chỉ là nguyện vọng riêng của công nhân cao su mà còn là nguyện vọng của nhân dân Bình Phước.

Để lưu giữ tốt hiện trạng làng Công Tra Lộc Thiện, ngoài trách nhiệm của ngành Văn hóa - Thông tin, chính quyền địa phương, rất cần có sự đầu tư của ngành Cao su Việt Nam.

Thông qua những di tích lịch sử còn lại ngành Cao su như làng Công Tra Lộc Thiện sẽ nâng cao nhận thức chính trị, lòng tự hào dân tộc, truyền thống đấu tranh cách mạng của công nhân cao su nói riêng, nhân dân Việt Nam nói chung

Ngọc Ánh
.
.
.