Di tích Quảng Trị: Cần được quan tâm đúng mức

Thứ Sáu, 26/05/2006, 13:17

Quảng Trị có gần 400 di tích, trong đó hơn 2/3 thuộc loại hình di tích lịch sử chiến tranh cách mạng. Tiềm năng đó đã được "khoanh vùng" trong chiến lược phát triển kinh tế du lịch của Quảng Trị. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng hệ thống di tích lịch sử văn hóa ở đây chưa bắt nhịp với mục đích đã được vạch sẵn.

Với khách tham quan du lịch, những tấm biển chỉ dẫn di tích có thể coi là người chỉ đường rõ ràng, chính xác nhất. Chẳng ai lại hoài công nghi hoặc nội dung được ghi trên tấm biển chỉ dẫn, kể cả những người đã làm ra nó. Chuyện đó là bình thường. Nhưng cũng không ít chỗ khác thường.

Biển chỉ dẫn đặt nhầm chỗ?

Chẳng hạn, tại ngã tư  QL9 nối dài giao nhau với đường Hồ Chí Minh qua địa phận huyện Cam Lộ (Quảng Trị), ngành Giao thông đã dựng lên một tấm biển chỉ dẫn: "Nhà thờ Huyền Trân Công Chúa con vua Trần Nhân Tông, tại xóm Chùa thôn Kim Đâu - xã Cam An - Cam Lộ. Năm 1306 Công chúa lấy vua Chiêm là Chế Mân để đổi lấy 2 châu Ô-Lý".

Thực tế, nó chỉ đúng ở... mũi tên 8km! Cách đó 8km quả thật có một di tích, nhưng không phải nhà thờ Huyền Trân Công Chúa mà là miếu Bà Chúa Ngọc. Các ghi chép liên quan đến di tích danh thắng Quảng Trị, sách nào cũng ghi rõ ràng như vậy. Nhưng biển chỉ dẫn di tích thì vẫn ghi theo cách… riêng của biển!

Một cặp biển chỉ dẫn "song sinh" khác của một di tích tầm cỡ là cầu Hiền Lương phục chế nguyên bản từ cây cầu xây dựng năm 1952 cũng ở trong tình trạng "sai" không đáng có. Hai đầu cầu Hiền Lương hiện đang có hai tấm biển chỉ dẫn ghi: "Phục chế cầu Hiền Lương". Lẽ ra, ở thời điểm hiện tại, tức đã hoàn thành việc "phục chế", nó phải được ghi: "Cầu Hiền Lương phục chế". Việc đặt động từ "phục chế" lên đầu dòng đã làm thay đổi hoàn toàn nội dung và chức năng của tấm biển, thay vì phải là biển chỉ dẫn di tích thì nó lại trở thành biển báo hiệu di tích(?!).

Vì sao người ta lại ghi như thế? Ông Lê Đức Thọ, Phó Giám đốc Bảo tàng Quảng Trị đã trả lời chúng tôi bằng một quy trình đơn giản: "Thông thường, trước khi ngành Giao thông đặt biển chỉ dẫn di tích thì phải có sự phối hợp với các ngành liên quan, đặc biệt là ngành Văn hóa và các nhà nghiên cứu chuyên ngành về lĩnh vực này để tham khảo ý kiến, như vậy mới có đủ thông tin và đảm bảo độ chính xác nội dung ghi trên biển chỉ dẫn. Nhưng chẳng hiểu vì lý do gì, người ta cứ làm đại ra như thế"!

Khách du lịch tham quan có thể hiếm người kỹ lưỡng như nhà văn Nguyễn Tuân thời còn bom rơi đạn lạc mà vẫn đếm cho được cầu Hiền Lương năm 1952 có bao nhiêu tấm ván lót trên mặt cầu, có điều, du khách dừng chân ở đây có tới hàng trăm, hàng ngàn lượt. Họ ngắm nghía, và rồi cứ thế, hàng trăm, hàng ngàn lượt khách đó sẽ ghi hình, chụp ảnh và mang đi muôn nơi hai tấm biển "sự cố" mà làm lưu niệm!...

Ông Lê Đức Thọ còn kể ra một loạt những tấm biển chỉ dẫn di tích "oái oăm" vẫn tồn tại tại các di tích trên địa bàn Quảng Trị. Nó oái oăm vì nội dung chỉ dẫn không ăn nhập gì với di tích, hoặc chỉ nhầm, hoặc ngộ nhận di tích. Thậm chí, có nhiều di tích đã xếp hạng di tích Quốc gia nhưng hiện tại vẫn chưa cắm biển chỉ dẫn!

Và di tích bị bỏ quên?

Xin nói đến tượng đài Trung đội Mai Quốc Ca ngay đầu cầu bờ Bắc sông Thạch Hãn (Thành Cổ Quảng Trị), quá quen thuộc với người Quảng Trị cũng như mọi du khách ngược xuôi trên hành trình thiên lý Bắc - Nam. Đơn vị đầu tư xây dựng tượng đài đã tạo dựng xung quanh tượng đài chính một khuôn viên khép kín như một công viên thu nhỏ nhưng trên thực tế, mọi thứ ở đây đang bị rơi vào quên lãng và có nguy cơ trở thành phế tích. Người ta đã bẻ gãy hầu như tất cả số vòi nước, ống nước của hệ thống tưới cho cây cảnh trong khuôn viên tượng đài, thậm chí nền tượng đài chính còn có cả nến cháy dở vung vãi và lăn lóc gần đó là những chiếc... ly rượu!

Khi mặt trời ngấp nghé đỉnh đầu, tháp tượng đài bằng inox sừng sững hắt lên luồng sáng bạc làm cho đỉnh tháp có vẻ cao hơn so với thực, rồi một phần tia sáng đó rải xuống mặt sông Thạch Hãn, dịu đi giữa màu nước ve chai đang chuyển nhanh về phía hạ nguồn; còn phần kia, phần chùm sáng mạnh hơn thì vắt nghiêng qua những giọt máu tượng trưng trong lòng tượng đài. Chùm tia sáng đi qua những giọt máu lung linh tưởng như đang nhỏ xuống nơi đầu cầu Thạch Hãn, cứ thế rọi về phía mấy bậc tam cấp, nơi khách tham quan thường dừng bước để dâng hương.

Từ đây có thể đọc được một tấm biển chỉ dẫn làm bằng đá: "Nơi đây, ngày mồng 10/4/1972, trung đội Mai Quốc Ca đã chiến đấu ngoan cường và anh dũng hy sinh đến người cuối cùng, đến hơi thở cuối cùng và hiến dâng giọt máu cuối cùng để hoàn thành nhiệm vụ". Xung quanh tấm biển đó và xung quanh khuôn viên tượng đài, nắng xác xơ trên lối đi với những viên gạch lót bị bung vỡ và cả rác, cây cảnh đang bị khô héo cùng cỏ dại.

Ông Ngô Thanh Bảo, Giám đốc Ban quản lý Di tích và Danh thắng Quảng Trị có lẽ đã thành thật khi nói: "Nhìn di tích bị xuống cấp cảm thấy có lỗi với quá khứ… nhưng di tích đó đã giao cho địa phương (xã) quản lý"(!)

Cách đó chưa tới mười phút đi bộ lại một trường hợp khác - tượng đài Đại đội giữ chốt Long Hưng bên lề QL1A, phía Nam Thành Cổ Quảng Trị. Thật khó để nhận ra tượng đài bởi sự đồng hóa của môi trường xung quanh, và sự xuống cấp của nó đang đồng lõa với môi trường hoang dại...

Chúng tôi xin trích mấy dòng đánh giá sơ bộ của ngành Văn hoá Quảng Trị: "Di tích lịch sử văn hóa Quảng Trị giàu có về tiềm năng, đa dạng về loại hình nhưng hiện tại đang đứng trước một thực trạng đáng buồn; một sự tàn phá ghê gớm từ nhiều hướng, nhiều chiều mà trong một tương lai gần, nếu chúng ta không biết trân trọng, giữ gìn và tôn tạo thì chắc chắn vốn di sản truyền thống này sẽ nhanh chóng bị mai một và quên lãng cùng thời gian". (Di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Trị, 2004, tr 38).

Có lẽ ở đây nên hiểu là, một khi di tích nào đó có nguy cơ bị lãng quên thì thời gian xuống cấp của nó đơn giản không phải tính bằng năm, bằng tháng mà là tính bằng ngày

Thanh Bình - Linh Nhân
.
.
.