Đi chơi chợ Viềng

Thứ Bảy, 02/02/2008, 07:07
Không chỉ là nơi mua bán trao đổi hàng tiêu dùng, đây còn là nơi du ngoạn, sinh hoạt văn hoá, lễ hội tâm linh, giao lưu tình cảm và cầu may đầu năm mới, đó là chợ Viềng thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Từ xưa nhân dân vùng này đã truyền tụng câu ca:

Mùng bốn chơi chợ Quản Linh

Mồng năm chợ Trình, mồng sáu chợ Gôi

Đến ngày mồng bảy thì thôi

Về nhà sắm sửa đi chơi chợ Viềng.

Chợ Viềng diễn ra trong ngày mồng tám Tết âm lịch. Tỉnh Nam Định có hai chợ Viềng, một chợ nữa ở Nam Trực, Nam Ninh - họp cùng ngày. Do chợ mỗi năm chỉ có một phiên chợ và diễn ra cao điểm trong một ngày, nên mọi đối tượng có liên quan đến phiên chợ đều tập trung trùng hợp, mật độ người mua bán dồn về đây rất đông. Ngay từ ngày mồng bảy, các mặt hàng đủ loại đã được tập kết, lều quán dựng lên san sát. Người ta chuẩn bị hết sức khẩn trương, náo nức.

Cả khu chợ rộng lớn giữa đồng chong đèn sáng trưng, thức suốt đêm và vui như một dạ hội. Tờ mờ sáng hôm sau (mồng tám) dù mưa gió, đường lầy lội, hay khô ráo đẹp trời thì trên tất cả các ngả đường to nhỏ, người, xe cộ lũ lượt đổ về khu chợ.

Những con đường chính như 12B từ thành phố Nam Định xuống, đường 10 từ Gôi lên mặc dù đã được nâng cấp, mở rộng nhiều nhưng năm nào cũng không tránh khỏi ùn tắc hàng giờ liền. Có nhiều người phải quay trở về không vào được tới chợ vì không len lách được.

Do đâu mà chợ Viềng có sức thu hút đông người như vậy? Xin mời bạn cố gắng vào tận nơi, chợ Viềng sẽ trả lời giúp bạn. Cái hấp dẫn đầu tiên dễ nhận nhất ở chợ Viềng là có rất nhiều mặt hàng là đặc sản độc đáo của một miền quê trù phú. Đó là những đồ gỗ mỹ nghệ sơn mài tinh sảo của làng nghề La Xuyên, đồ đồng cổ kim cao cấp của Ý Yên, hàng vải lụa tơ tằm của Vụ Bản và nhiều mặt hàng phong phú khác của tỉnh nam đồng bằng Bắc bộ chiếm diện tích lớn nhất, phong phú nhất vẫn là các loại cây giống, cây cảnh từ các trung tâm sinh vật cảnh như Nam Điền (Nam Ninh-Nam Định) và các vùng lân cận cung cấp.

Chợ họp đúng vào dịp "Tết trồng cây" giá cả lại phải chăng nên rất nhiều người mua mặt hàng này. Còn một loại đặc sản độc đáo nổi tiếng phải nói đến đó là món thịt bê thui. Từ những điểm cách chợ 2-3km, người ta đã gặp rất nhiều với những chuyện kể khá ly kỳ, cảm động. Những sạp, những bàn ngồn ngộn thịt bê thui nào đầu, nào đùi... lớp da đã được thui vàng rộm, sạch bóng, những thớ thịt tươi mới hồng hào mềm mại, thơm ngon hấp dẫn.

Người mua vài lạng, người xách hàng cân, hối hả tấp nập ra về. Nhiều người trong số họ sẽ không quên làm một bữa lẩu hoặc tái bê thui thơm ngon tuyệt vời thiết đãi bạn bè, người thân để khoe chuyến đi chợ Viềng cầu may đầy thú vị và người ta không quên hẹn nhau trở lại với chợ Viềng đông hơn vào năm tới. Dư âm về chợ Viềng thường có trước và sau khi chợ họp kéo dài hàng tháng.

Chợ Viềng thu hút đông khách thập phương còn do người ta đến đây không chỉ được mua sắm như ý cho gia đình, bạn bè, người thân mà còn được xem chợ, chơi chợ vui thích chẳng kém gì đi hội. Có những quầy hàng bày những đồ cổ mỹ nghệ đắt tiền, quý hiếm, thậm chí cả đồ gia bảo không bán mà chỉ phô trương để mọi người được chiêm ngưỡng, thưởng thức cái đẹp, cái giàu sang phú quý của một thời nào đó. Đấy cũng là nét văn hoá rất độc đáo ở phiên chợ này.

Điều có sức níu kéo nữa đối với nhiều tầng lớp muốn về họp chợ nơi đây nữa là chợ Viềng nằm trong hệ thống khu di tích lịch sử văn hoá (Phủ Dày) đã được Bộ Văn hoá xếp hạng. Nơi đây có hàng chục đền phủ suốt tháng nghi ngút khói hương. Khách thập phương đến tham quan, lễ tạ chen chân thích cánh, tham gia vào các hoạt động lễ hội Phủ Dày kéo dài hàng tháng. Người ta đến chợ cũng là đến với mảnh đất thiêng thờ thánh mẫu Liễu Hạnh với nhiều huyền thoại ly kỳ, đến với thế giới tâm linh đầy ước vọng.

Đến với chợ Viềng, có đủ mọi tầng lớp nhân dân không chỉ ở Nam Định mà ở các tỉnh lân cận rộng lớn như Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội, Thanh Hoá. Có nhiều người cao tuổi, có lắm bậc trung niên nhưng đông vui, háo hức hơn cả vẫn là những trai thanh, nữ tú từ thành thị đến nông thôn lũ lượt kéo về.

Họ cũng thắp hương cầu nguyện rồi chơi chợ, xem chợ và mua sắm thứ gì đó để cầu may và rồi biết đâu đấy từ xa lạ, họ gần nhau, làm quen, vô tình chạm nhau, giữa chợ đông người, trao nhau một ánh mắt, một nụ cười, một lời nói, chút tâm tình và có thể để thương, để nhớ khôn nguôi. Đúng là:

"Chợ Viềng năm có một phiên

Trai gái tốn tiền mua sắm trầu cau..."

Vậy là đi chợ Viềng không chỉ được "bán rủi mua may" được hiểu biết thêm nhiều thứ mới lạ mà còn được vui vẻ trong một phiên chợ đậm đà bản sắc văn hoá, được giao lưu tình cảm, được cầu may và ước vọng ...

Với ưu thế của những cái "được" ấy, chợ Viềng sẽ còn là điểm hẹn của nhiều người, nhiều thế hệ với nhiều nơi

Vũ Văn Lâu
.
.
.