Đến Văn Miếu đầu xuân

Thứ Năm, 16/02/2006, 07:45
Cờ hội tỏa rạng ngũ sắc màu suốt hai bên lối vào Quốc Tử Giám. Đường cây, vườn cây ngan ngát xanh bởi tầng tầng búp nõn. Lối xuân ngời nắng trên các triền gạch cổ. Cỏ đầu giêng trải thảm phảng phất hơi sương. Và dòng người nườm nượp từ muôn phương đổ về Văn Miếu...

Bước chân người nối nhau. Đôi mắt người trầm lặng, nối nhau. Không gian mang vẻ cổ xưa như càng cổ xưa hơn khi trên vầng rêu ngói cổ uốn lượn dáng rồng và mùi hương tín ngưỡng ngạt ngào thắp vào niềm tưởng vọng của kẻ chân tâm, của người hiếu học.

Văn Miếu của nghìn xưa, Văn Miếu của bây giờ. Mỗi lần được đến đây tâm hồn ta như được thức dậy, trí tuệ ta như được mở mang. Khuê Văn Các, giếng Thiên Quang sáng láng và uy nghi bên từng hàng bia đá với những tuổi tên thành đạt. Con người và sự nghiệp với tinh hoa của đất trời được tụ lại đã làm nên linh khí một vùng đất!

Hương thắp trước Ban thờ đức Khổng Tử, các vị vua nhà Lý, nhà giáo Chu Văn An... Người chen nhau cúng lễ. Ai cũng muốn được chắp tay cầu xin, khấn vái trước người xưa mà họ kính trọng như những nhân thần. Người phục vụ nhà lễ phải nhiều lần nhắc nhở người thắp hương chỉ nên thắp một nén. Có người châm lửa đốt hương trong lòng miếu cũng đã được kịp thời nhắc nhở.

Các bát nhang chỉ thoáng chốc đã đầy nhang cắm khiến người phục vụ phải liên tục “sơ tán” bớt ra ngoài để tránh sự ngột ngạt cho người cúng lễ. Đây cũng là hiện tượng tương đối phổ biến trong các đền chùa hiện nay mỗi dịp có lễ trọng. Ai cũng nghĩ thắp hương mới là thành tâm, mới được nhiều phúc lộc. Có người còn thắp tới hai, ba bó hương cùng một lúc. Ta thường có câu một nén tâm nhang. Lòng thành đâu cứ phải nhiều, một thứ nhiều nhuốm màu hình thức, không thiết thực.

Năm nay, việc xin chữ ở Văn Miếu có vẻ thịnh vượng hơn mọi năm. Sáu bàn viết thư pháp nối nhau ở ngoài hiên dãy nhà bên trái khu Thái Học. Các thầy đồ đa phần rất trẻ. Họ thường là các sinh viên Hán Nôm hoặc những người yêu chữ Hán có biết ít nhiều về chữ Hán. Người xin chữ các thầy còn trẻ hơn các thầy rất nhiều. Đa phần là các cô cậu trò nhỏ đang ngồi ghế nhà trường phổ thông. Các em nhỏ hơn thường được bố mẹ “tháp tùng”. Bọn trẻ chen nhau mua giấy và xin chữ. Hình như tiền thù lao của thầy ăn theo giá giấy. Năm nay giá giấy có niêm yết đàng hoàng, giá cả phải chăng cho dù có tăng hơn năm ngoái theo đà trượt giá chung. Điều này người xin chữ ít quan tâm. Cái các em quan tâm là chữ mình định xin, là nguyện vọng mình muốn có được.

Mực đen nhánh ướt trên nền giấy đỏ. Người xin chữ đang ngồi phơi chữ trước sân Thái Học. Hai cô trò nhỏ nhìn nhau rồi nhìn tôi. Một cuộc trò chuyện thân mật, lý thú. Hai cô trò nhỏ đang chuẩn bị bước vào mùa thi phổ thông trung học đã đưa nhau đến Văn Miếu xin chữ. Tuổi trẻ thật hồn nhiên và dễ tin. Chữ các cháu định xin có thể do cha mẹ chủ định, thầy đồ gợi ý. Người cho chữ và xin chữ đều là những người đang ở độ tuổi phải phấn đấu rất nhiều. Chữ các cháu xin, chữ các thầy cho đều mang vẻ đẹp của ước nguyện, của khát khao. Đây cũng là điều mà cả hai, giữa người xin và người cho đều phải vươn tới với rất nhiều nỗ lực, bươn trải. Không rõ người cho chữ và người xin chữ có hiểu được điều này. Ai cũng biết sự học là vô bờ. Càng học càng thấy thiếu. Người ham học là người luôn luôn cảm thấy mình chưa đủ. Không ai nói học là dễ.

Trên mảnh sân rộng nhà Thái Học còn một số các cháu xin chữ đang ngồi trên ghế đá kia nữa. Trước mặt các cháu là những tờ giấy đỏ đã có chữ. Chữ Phúc ở kề chữ Lộc, chữ Tâm song hành cùng chữ Nhẫn... Cuộc đời như đang trải ra cùng con chữ trên sân nhà Thái Học. Các cháu đang hy vọng ở những chữ mình xin. Nhưng chỉ hy vọng thôi không đủ. Chẳng ai học thay mình. Tôi lại mong nhiều ở sự phấn đấu tự thân của các cháu để sớm đạt được nguyện vọng như những chữ các cháu đã xin.

Không kém phần đông đúc và nhộn nhịp là đôi bên nhà bia. Nhiều tuổi trẻ xúm quanh nơi đây. Những bàn tay thư sinh vuốt lên đầu những bác rùa đá vốn đã nhẵn bóng từ lâu rồi trước những bàn tay thành kính. Những vầng trán trẻ trung ấp lên mặt bia, ấp lên mặt chữ. Người già đứng bên người trẻ. Cha mẹ ở cạnh con. Ông bà cầm tay cháu. Nhà bia Văn Miếu ấm áp hơi người. Tiền nhân đang chuyện trò cùng hậu thế. Những âm vang không lời về nghiệp học...

Nhà bia là ngôi nhà sự nghiệp của những đời người có chữ đã vì Nước vì Dân hết lòng phụng sự được lịch sử công nhận, Văn Miếu ghi danh. Có ở nhà bia, có tìm hiểu sâu về chế độ khoa cử xưa mới biết ông bà mình sao mà khó tính. Với trên ba trăm năm, từ năm Đại Bảo thứ ba (1442) đến năm Cảnh Hưng thứ bốn mươi (1779) mà người đỗ đạt chỉ đủ ghi danh trong 82 tấm bia đá rất kiệm lời và kiệm chữ. Quả là lên được bảng vàng bia đá thật vô cùng khó khăn, cũng lại vô cùng ý nghĩa với những ai thực học và thực tài.

Quả có vậy. Chỉ không đầy một vài chục năm mà lượng tiến sĩ của ta đã gấp bao nhiêu lần thời các cụ. Chuyện này có người vui, có người buồn. Bây giờ sự học tiên tiến hơn chăng hay con cháu hôm nay giỏi giang hơn tổ tiên mình ngày trước trong sự học. Con hơn cha là nhà có phúc. Ai cũng mong như vậy. Chỉ có điều đáng ngại nếu bằng cấp ấy chỉ là chuyện chức danh hình thức làm cho có hoặc làm để phù hợp với một yêu cầu gì đó của tổ chức. Ai cũng biết cái làm được, cái để lại cho đời mới thực chất, mới là thực danh. Thời chúng ta không thiếu gì những người tài giỏi cỡ quốc gia, quốc tế. Cũng không ít những người bằng nọ, cấp kia thật nhưng khi nhắc tới tên thì thiên hạ đều ngơ ngác lắc đầu.

Bây giờ người ta bảo bằng đại học chỉ là vỡ lòng. Để làm việc được lâu dài và có trọng lượng thì thạc sĩ và tiến sĩ luôn là cái mốc của nhiều người phải phấn đấu. Mừng thật là mừng khi đất nước tuy còn phải xếp trong hàng những nước nghèo mà có được một đội ngũ trí thức trên đại học giàu như thế. Lo cũng thật lo khi mà ai đó chỉ chạy theo chỉ tiêu, yêu cầu của nhân sự mà chăm lo cho bằng cấp của mình bằng mọi cách kể cả những cách phi khoa học.

Thật tự hào trước những chân dung đích thực, những nhân thân cổ kính của hiền tài đất nước được lưu lại cho lớp lớp hậu thế, dù chỉ là đôi dòng chữ khắc trên mặt đá ở Văn Miếu. Lịch sử vốn khách quan với những thực tài và thực tâm. Nhìn màu đá trầm lắng theo thời gian, nhìn những mái đầu xanh miệt mài theo gương người xưa mà cảm động xiết bao trước sự tiếp nối này của những hiền tài đất nước. Họ sẽ mãi là nguyên khí của quốc gia khi mà sự thành kính cùng những khát khao của hôm nay được bắt nguồn từ sự chuyên cần trong nghiệp dùi mài kinh sử!

Nhật Văn
.
.
.