Đêm thơ giàu chất nhân văn của Trại viết "Vì ANTQ và Bình yên cuộc sống"

Chủ Nhật, 30/10/2011, 18:54
Trại sáng tác văn học "Vì An ninh Tổ quốc và Bình yên cuộc sống" do Bộ Công an tổ chức vừa bế mạc cuối tháng 10 tại Nha Trang. Trước đó là đêm thơ trữ tình với chủ đề Vì bình yên cuộc sống.

Hiếm có một trại viết nào của lực lượng Công an đã tổ chức một đêm thơ đầy ắp tính nhân văn và nghĩa tình sâu đậm đến thế. Người ta thấy ẩn sâu trong tâm hồn những nhà văn yêu thích đề tài về Công an là tấm lòng; là trách nhiệm nghệ sĩ trước thời cuộc ngổn ngang này. Đêm thơ diễn ra ngay bên bờ biển Nha Trang.

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước cùng các nhà văn, đại biểu tại lễ bế mạc Trại viết Nha Trang - Khánh Hòa (10/2011).

Đêm không nhìn rõ hết màu xanh của biển nhưng lại nghe rất rành tiếng sóng từ khơi xa vọng vào ngôi Nhà nghỉ dưỡng 378 một âm điệu miên man, vồn vã. Âm thanh ấy như cộng hưởng cho những câu thơ được cất lên từ giọng đọc của những nghệ sĩ.

Đêm thơ ý nghĩa này có nhà thơ Giang Nam. Mặc dù tuổi tác cao nhưng người trai của Xưa yêu quê hương vì có hoa có bướm - Có những ngày trốn học bị đòn roi ấy vẫn bước lên sân khấu một cách nhanh nhẹn trong tư cách người trình diễn thơ đầu tiên. Vị thi sĩ cao niên của xứ trầm hương đọc những vần thơ cảm động về biển đảo quê hương qua bài "Gửi người giữ đảo" có câu hát dặn lòng "Không xa đâu Trường Sa ơi":

Biển giăng giăng bốn phương trời gió nổi
Sao mọc đầu hôm, sao mọc giữa ban ngày
…Có gì cao hơn màu xanh của sóng
Gió cũng mặn cho da người đen bóng
Và ngọt ngào sao nỗi nhớ cứ quay về

Nhà văn Nguyễn Gia Nùng có những câu thơ tự hào trong bài "Khi con là lính Trường Sa":

Khi con là lính Trường Sa
Lòng mẹ hóa mênh mông biển lớn
Chở che con nơi biên đảo phía mặt trời…
Khi con là lính Trường Sa
Cả nước hướng về con tin cậy…

Nhà văn thơ Nguyễn Xuân Hải chung mạch cảm xúc về biển ấy có bài thơ "Đêm Lý Sơn tôi mơ":

Đêm Lý Sơn tôi mơ đi đón họ
Những Hùng binh đồn trú mới trở về
Họ cưỡi sóng trên những con tầu nhỏ
Khua mái chèo và cười nói hả hê…

Trong bài thơ trên người viết có dẫn ra bốn câu dân ca bi hùng về những người dân đảo thuở xa xưa khi ra đi làm nhiệm vụ bảo vệ bờ cõi:

Hoàng Sa mấy dải cát vàng
Nước trong thấu đáy hàng hàng lông chông
Dù cho đi có về không
Lệnh vua phép nước dốc lòng ra đi.

Cũng trong mạch chủ đề biết ơn và tưởng niệm ấy, người nghe lặng đi khi nhà thơ Khổng Minh Dụ đọc bài về người đồng đội đã khuất của mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước:

Mỗi lần trở lại Trảng Bàng
Bấy nhiêu lần lòng se thắt
Tôi đốt bao nhiêu tuần nhang
Bấy nhiêu lần rơi nước mắt

Nhà văn Phùng Thiên Tân đã thốt lên trước hương hồn đồng đội đã hy sinh qua bài "Chết giữa thời bình":

Bạn tôi chiến đấu chống tội phạm
hy sinh
Chết giữa thời bình
Đau quá!
Con còn nhỏ
Vợ mỏi mòn
Căn nhà rệu rã
những lo toan…

Nhà thơ Nguyễn Xuân Thái có "Ký ức rừng xanh" viết về người chiến sỹ Công an vũ trang thời ông cùng đồng đội hành quân đuổi giặc:

Một thời bom đạn rập rình
Cái sống cái chết mỏng manh khói chiều
Cái đói rừng cũng vẹo siêu
Trăng khuya ướt đẫm câu Kiều bạn ngâm

Những câu thơ biết ơn quá khứ, biết ơn những hy sinh. Các anh linh đã khuất luôn là nền móng cho bình yên cuộc sống hôm nay.

Có một nội dung bình yên nữa dành cho những tâm tình. Nhà văn Hữu Ước đọc những vần thơ lục bát về chính con người mình và gọi là chơi thơ để nhẹ nỗi buồn thế gian. Ông cũng đọc những câu thơ đăm đắm về thân phận những tài năng khi viếng thăm mộ của các danh thi Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ. Trong đêm thơ này, nhà văn Hữu Ước còn được người nghe yêu cầu hát bài do chính ông sáng tác, phổ chính thơ của ông với tựa đề "Tiếng chuông chùa". Một ngoại lệ mà đầm ấm bởi người hát đang hát về nhân tình...

Nhà thơ Lê Khánh Mai thức dậy kí ức những năm tháng tuổi trẻ trong "Hà Nội mùa đông đầu thế kỷ":

Thời thiếu nữ đã qua nhanh như chưa từng thiếu nữ
Giấu mơn mởn thịt da trong tấm áo xuyềnh xoàng
Nhớ điên cuồng người tình đầu đời khung ngực rộng
Bàn tay đằm cá tính miền Trung
Mười ngón tự tin như xương rồng vượt lên đất khát
In dấu quê hương bật máu đường cày…

Nhà thơ Trần Vạn Giã đọc những câu thơ tình cảm viết về mẹ:

Đi lâu con đã nhớ nhà
Nhớ cơn gió thoảng là là hương cau
Những chiều mẹ đứng ngõ sau
Lui cui tóc bạc trên đầu mẹ ơi…

Nhà thơ Lê Hoài Nguyên "Sau cuộc hỏi cung" có những nghĩ suy của mình trước những còn mất của kiếp người để mà bền bỉ, tỉnh táo và kiên nhẫn rồi chiêm nghiệm:

Với lương tâm tôi có quyền tin
Với nghề nghiệp tôi có quyền nghi ngờ
Đấy là phép thử khó khăn hơn bất cứ nghề nào
Bao giờ cũng vậy
Tôi mệt mỏi rời khỏi căn buồng đơn giản và thô kệch
Với ý nghĩ tìm kiếm sự thật trong lòng người sao mà vất vả…

Thơ về nghề Công an của mình nhưng cũng là khúc tâm sự của con người với con người.

Nhà thơ Trần Chấn Uy có bài thơ mang tựa đề trữ tình "Nơi anh gặp em" nhưng lại là khúc tráng ca về Tổ quốc và các bậc tiền nhân oanh liệt:

Nơi anh gặp em
Lý Thái Tổ đọc Thiên Đô Chiếu
Đất Thăng Long rồng cuộn hổ ngồi
Đàn chim Việt chọn đất lành về đậu…

Nhà văn Thu Trang mới đến Nha Trang nhưng đã có thơ về biển với những câu thanh bình:

Lại về với biển Nha Trang
Triều dâng sóng vỗ mênh mang đất trời
Thời gian cứ mải miết trôi
Biển song sinh với lòng người có duyên

Nhà thơ Hồng Thanh Quang người dẫn chương trình có những câu thơ cảm động về em, đó là người vợ thân yêu của mình và người đàn bà "giấu đêm vào trong tóc" ấn tượng với những câu tôi nhớ được như thế này không biết có đúng như văn bản:

Tôi đã yêu, đã yêu như chết là hạnh phúc
Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em
Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc
Còn điều chi em mải miết đi tìm?

Nhà văn Nguyễn Quang Hà với những câu thơ vui về cái duyên đàn bà trong bài "Đong đưa" sau lúc đọc ông chép đưa tôi:

Trời sinh ra cái đong đưa
Đong đưa nụ cười đong đưa con mắt
Từ khi có loài người trên trái đất
Có đàn bà thì có đong đưa…

Còn tôi có khúc lục bát tặng cháu nội, nguồn bình yên đầm ấm trong gia đình nhỏ bé của mình:

Ông là kèn thổi pí po
Ông là ngọng líu ngọng lo giọng người
Ông là trâu nữa Gấu ơi
Ê a mặt đất cháu ngồi chăn ông!

Và còn nữa những tác giả, những bài thơ tham gia đêm thơ trong khuôn khổ một bài viết tôi chưa nói hết được nhưng đều chung một cảm xúc tri ân tri tình với quê hương, đất nước, con người và đồng đội.

Đêm thơ này ở thành phố biển Nha Trang của Trại sáng tác Văn học đề tài Công an là đêm hội ngộ của thơ bình yên vì cuộc sống bình yên…

P.Q.
.
.
.