Đêm của nhịp điệu đảo xa

Thứ Năm, 01/09/2011, 13:05
“Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển”, chương trình nhạc và thơ hòa điệu “Tổ quốc nhìn từ biển” tại Nhà văn hóa Thanh niên TP Hồ Chí Minh đêm 28/5 của 2 nhạc sĩ - người lính Quỳnh Hợp và Nguyễn Hồng Sơn.

Chương trình đã khởi đi từ chính lời dạy của Bác nhằm chào mừng kỷ niệm Quốc khánh 2-9 và 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961 - 23-10-2011) và còn là đêm nhạc mở đầu cho những hoạt động của giới sáng tác chuyên nghiệp cả nước chào mừng Ngày âm nhạc Việt Nam lần thứ 2 (3-9-2010 - 3-9-2011).

Đêm, hội trường 1 của Nhà văn hóa đã không còn chỗ. Áo hải quân, lụa váy tà và những đôi mắt cứ ngời ngời. Đêm không còn yên lặng khi bài hát “Tổ quốc nhìn từ biển” vang lên lồng lộng và tôi bỗng nghe hào khí cha ông ngàn năm sang sảng… Tổ quốc đang bão dông từ biển/ Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa/ Ngàn năm trước con theo cha xuống biển/ Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa.

Phần đầu tiên là Huyền thoại những con đường. Nhắm mắt lại, ta hình dung, biển mênh mông, đêm bát ngát và những con tàu không số ngày nào như kình ngư, như mãnh hổ mở con đường Hồ Chí Minh hôm nay lại tái hiện trong tiếng thơ của Đoàn Vũ Vinh và nhịp điệu nao nức tự hào của âm nhạc. Tempo 140 với nhịp đi, đi tới của “Những con tàu huyền thoại”… Nhưng Đoàn Vũ Vinh còn là anh lính trẻ mà một sợi tóc bay cũng xao động con tim nên bài thơ, bài hát “Nơi ta viết tình ca” khác hơn, gói lại tiếng tự tình của chia biệt để âm nhạc bồn chồn diết da.

Vâng, là nhắm mắt lại, trên biển, còn đó những mất mát, còn đó những linh hồn non nước mãi đâu đây/ Màu hoàng hôn sắc vàng trôi cuối sóng/ Nắng chiều rơi, nước mắt rơi. Lời thơ của Phạm Minh Châu buồn hơn những giọt nước mắt trộn vào giai điệu mông lung mờ hoặc của âm nhạc Quỳnh Hợp trong “Chiều bên biển Lộc An”. Nhịp 6/8 đong đưa chầm chậm dừng lại một nhắc nhớ cho hôm nay: Khi trước biển ta nói gì với biển. Ba bài hát trải ra trên chiều dài lịch sử: một Lộc An ngập ngừng tay vẫy, một biển đêm quánh đặc hiểm nguy, một bờ biển dài để hồi tưởng ba tâm trạng, ba hoàn cảnh và nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã thành công khi biểu đạt một cách khác biệt rạch ròi những hình tượng thơ im lìm thành sóng nổi, sóng chìm, sóng lao đao… trên những cung bậc thanh âm.

Bỏ lại quá khứ hôm qua, những con đường trên biển, chúng ta lại đến với đảo hôm nay: Gửi đảo xa. Một quần đảo nghìn đời nay vẫy gọi/ Những cánh chim trời bay đến trú mưa dông… Hồn Tổ quốc tạc trên từng thớ đá/ Tạc trên từng bãi cát nắng như nung. Mưa xích đạo nghiêng trời tuôn xối xả. Thơ Hồ Tĩnh Tâm đã khắc, đã tạc hình dáng đảo xa với cánh chim trú dông, với thớ đá, với nắng nung, với mưa nghiêng trời và âm nhạc của Quỳnh Hợp cũng chầm chậm bước đi rồi dâng lên… dâng lên để bật thốt ra tiếng gọi tự hào mà thảng thốt: Trường Sa ơi trong một hòa âm cung mi thứ (mi sol) đinh ninh xác quyết… Đi về kết, Trường Sa ơi lại được gọi lần nữa trong hòa âm si bảy (si fa) gắt và nhọn nôn nã xác tín…

Cùng với Quỳnh Hợp, nhạc sĩ, Đại tá Nguyễn Hồng Sơn cũng ghi lại ấn tượng đậm nét với ca khúc “Ước ao ngày hiến chương” phổ từ thơ Nguyễn Tiến Bình, một bài hát ngọt ngào tha thiết giàu chất cổ điển với những quãng hai níu kéo trong phiên khúc ở âm vực thấp để rồi nỗi “ước ao” bùng vỡ trong điệp khúc ở âm vực cao. Ca sĩ Nam Khánh tưởng chừng như đậm đặc với lòng mình. Anh đã đi qua bao đảo chìm đảo nổi. Đó là sự nhận diện mình, nhận diện quê hương rất lặng lẽ mà một quãng hai thứ-đã- nhói lên đã nói được rất nhiều. Không khí đảo xa bỗng đột nhiên nao nức với bài hát “Sinh ra ở Trường Sa” và câu chuyện của bác sĩ Ngọc với ca sinh đầu tiên, một sinh linh hiện diện giữa khô khốc gian khổ Trường Sa khiến ta bỗng thoáng ngậm ngùi nhưng cháu bé Bào Ngư đã kịp thời ca múa “Ba em là bộ đội hải quân”… Bé thơ ngây đã làm hoạt náo lên không khí hội trường…

Chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân tặng hoa các  tác giả thơ và nhạc.

Nếu Gửi đảo xa chỉ hình thành một không gian của ý niệm với đất đá, khô hạn, sinh nở… thì Giữa trùng dương sóng mới là sức sống, sức bật của đảo. Không khí thơ và nhạc đã chuyển điệu. Không còn những khúc ballad nhịp nhàng mà là dance, pop cả rock, hiphop-rap. Cũng không chỉ màu áo hải quân mà váy lụa, áo hoa xanh đỏ với da thơm, tóc dài cũng đã khoe tươi mát. Đảo xa đang bừng lên một ngày mai xanh, một màu đỏ của nhiệt huyết, một sức sống cụ thể đang bật mầm dưới mặt trời hồng hà… Hát cùng em giữa trùng khơi sóng/ hát cùng em giữa đảo chân mây. Nhóm B.O.M cùng vũ đoàn Hoa Xuân đang khuấy động sân khấu với bài hát “Đảo chân mây” của Quỳnh Hợp… Tôi lại nhìn quanh, những nụ cười đã nở, những bàn chân đã nhịp nhịp. Vâng, là Hát cùng anh Trường Sa bát ngát/ Giữa ầm ào sóng gió biển khơi. Vâng, dù là chân mây cuối trời, Tổ quốc đang réo gọi reo vui để không cần bận tâm…

Khúc “Lính đảo đợi mưa” mở ra một vùng trời gốc cây khô cháy, những anh lính ôm súng đợi mưa. Mưa đi mưa đi, mưa đi mưa đi.

Qua “Đảo chìm”, vũ đoàn Windows đang quay tả, quay hữu trong tư thế dựng xây. Bãi san hô chìm dưới biển/ Lính đảo dựng lên bạt dã chiến… Đảo chìm bây giờ đã nổi/ Cao vững chãi từng tháng từng ngày… Bài hát bày ra như một niềm tin và giai điệu tưởng chừng ngổn ngang gãy khúc như hiện thực nhưng không, những quãng 4 hạ chắc nịch xác nhận hình ảnh Tổ quốc giữa trùng khơi sóng.

Bên cạnh đó là “Đảo bão” (nhạc Quỳnh Hợp/ thơ Nguyễn Trọng Tạo), rồi Nguyễn Hồng Sơn với “Rock đồng hồ cát” (thơ Đoàn Vũ Vinh) và “Sóng Trường Sa” (thơ Dương Tự Trọng) đã cho thấy một phong cách khác, rock mạnh mẽ, hiện đại và trẻ trung như chính cuộc sống của đảo xa vươn mình lớn dậy… Bàng vuông phong ba cũng hát/ Như tâm hồn người chiến sĩ đảo tôi… Những nốt nhạc trong khúc kết  “Rock đồng hồ cát” không chịu neo lại mà cứ dâng lên trời, lên mãi như một bất khuất đối diện với phong ba…

Đi về cuối chương trình, đảo lại lắng trong bình yên với nhịp điệu chậm rãi với những kỷ niệm, lời tạm biệt Trường Sa. Khúc hát “Phút lặng im trên biển” của Nguyễn Hồng Sơn gây ấn tượng mạnh mẽ khi khơi gợi quá khứ bằng chuỗi thanh âm nén lại, cô đặc nỗi niềm: Vị tướng lặng người, mắt lệ nhòa run run đôi vai nghiêng… Về  nơi ấy…  nơi ấy… Tôi cũng thấy mình xót xót khi nhìn lại chặng đường lịch sử hôm qua… Máu xương đã nhuộm cờ đào cho hôm nay phố thị cao ốc lâu đài, làng mạc hát câu mùa về no ấm…  

Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả/ Những chàng trai ra đảo đã quên mình/
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất/ Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi

Vâng, là con tàu, những con tàu sẽ hướng mũi ra khơi gió lộng. Chương trình khép lại với bài hát chủ đề “Tổ quốc nhìn từ biển” và tôi muốn nói lời cảm tạ đến Ban tổ chức, đến các nhạc sĩ và nhà thơ, rằng đêm thơ và nhạc “Tổ quốc nhìn từ biển” đã  thành công khi khởi động một cái nhìn đúng đắn và tích cực về vùng biển của Tổ quốc ta hôm nay trên đầu sóng ngọn gió… Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển.

Có là để giữ gìn và dựng xây. Là không thể để mất một tấc đất. Tôi tin người người Việt Nam sẽ xác quyết như vậy và các anh chiến sĩ Hải quân cũng đang ghì súng ngoài kia, thề hứa giữa trùng dương sóng…

Vĩnh Phúc
.
.
.