Đem "Thập diện mai phục" về Việt Nam

Chủ Nhật, 26/10/2008, 11:28
Lần đầu tiên tại Việt Nam, múa Trung Quốc, mà điển hình tiết mục "Thập diện mai phục" dựa theo bộ phim cùng tên của đạo diễn Trương Nghệ Mưu cũng sẽ được Linh Nga biểu diễn trên một không gian của nghệ thuật dân gian đương đại.

Linh Nga đang trong những ngày vất vả chuẩn bị cho 4 đêm diễn trong chương trình riêng của mình, sẽ diễn ra vào đầu tháng 1/2009 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

- Đây có thể coi là một chương trình lớn đầu tiên của cô sau 10 năm theo nghiệp múa. Cô có thấy "chiếc áo" này vừa vặn với mình?

- Thực lòng mà nói, để diễn một mình một chương trình thì tôi đã từng làm, mỗi lần về nước tôi đều có show diễn, như múa trong Đẹp Fashion Show chẳng hạn. Nhưng đây quả là một chương trình lớn và dài đầu tiên tôi làm theo đúng một chương trình múa. Nhiều người cứ gọi là live show, tôi thì ngại mấy từ thời thượng đó, vì từ "live show" không phù hợp với nghệ thuật múa. Tôi coi đây là chương trình biểu diễn báo cáo, sau 10 năm theo nghiệp múa.

Chương trình sẽ gồm hai phần, phần một là múa Trung Quốc, phần hai là múa Việt Nam. Hơn 100 diễn viên, trong đó có những nghệ sỹ solist người Trung Quốc song diễn với tôi, còn lại là các nghệ sỹ của Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen và Nhà hát Nhạc nhẹ Trung ương cùng nhóm múa Những ngôi sao nhỏ.

Thực sự chương trình khá nặng, mà nghệ sỹ múa thì không "múa nhép" được, tất cả đều phải được thể hiện bằng nội lực và niềm say mê ở mức cao nhất, nên tôi nghĩ mình phải nỗ lực vượt bậc mới mong "chiếc áo" không quá rộng. Mỗi ngày tôi đang dành 6 tiếng để tập luyện các tiết mục của mình. Nhưng cũng cảm thấy rất vui vì đây là chương trình của nghệ sỹ múa nhưng lại được dư luận quan tâm.

Nhiều người hỏi vì sao tôi lại chọn múa Trung Quốc để diễn trên sân khấu Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ, đây có thể là lần đầu tiên và lần cuối cùng tôi có được cơ hội này, nghĩa là tôi diễn những gì mà tôi cho là tinh túy nhất của nghệ thuật múa Trung Quốc mà tôi học được. Tôi chỉ có thể múa như vậy ở Việt Nam một lần này, báo cáo cho thầy, cho bạn và đồng nghiệp. Còn từ nay về sau, tôi sẽ múa những vở múa Việt Nam chứ, làm sao tôi cứ đem múa Trung Quốc đi diễn mãi cho khán giả Việt Nam?

Múa Trung Quốc nhiều tinh túy, tôi đã học được. Nhưng còn múa Việt Nam, phần 2 của chương trình, quả là một thách thức. Làm sao để khán giả và bạn diễn thấy tôi múa những tác phẩm của Việt Nam hấp dẫn và cũng thành công như múa Trung Quốc. Tôi sẽ cố gắng ở mức cao nhất.

- Hơn 100 phút biểu diễn, mà nghệ thuật múa không phải là thứ khiến số đông khán giả say mê. Có điều gì khiến cô tự tin vào sức hấp dẫn của mình?

- Sức hấp dẫn đến từ những tác phẩm của tôi. Mọi người thường nghĩ, múa bây giờ thì không ai xem. Nhưng tôi thì nhìn thấy người ta vẫn đắm say với múa nhiều lắm. Chẳng hạn trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật đương đại, múa được diễn trong không gian mới, âm nhạc mới, cách thể hiện mới, như thể nó đang vận động mạnh mẽ cùng với đời sống. Chúng ta đã nhìn múa như một thứ minh họa quá lâu rồi. Bây giờ chúng ta cần nhìn nhận múa là nghệ thuật độc lập, có vở diễn độc lập và có những nghệ sỹ nổi bật riêng.

Tôi không muốn xuất hiện như một ngôi sao, nói quá nhiều về chương trình của mình, rồi đặt khán giả vào sự kỳ vọng lớn. Tôi chỉ muốn làm những việc tốt nhất và tin là khán giả xem sẽ thấy hứng thú.

Chẳng hạn như lần này, tôi đã mang bài múa "Thập diện mai phục" của Trung Quốc về Việt Nam. Sau thành công của bộ phim "Thập diện mai phục" của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, các nghệ sỹ múa Trung Quốc đã sáng tác bài múa này và ngay lập tức gây tiếng vang lớn trong công chúng, đoạt giải Bông sen vàng của Trung Quốc. Tôi đã mời được biên đạo Trung Quốc dựng và tôi tin nó sẽ là một trong những điểm đặc biệt của chương trình này.

- Lượng diễn viên quá đông, lại diễn ở hai đầu đất nước, cả diễn viên và biên đạo Trung Quốc, nghĩa là sẽ phải tiêu tốn một số tiền lớn và cô đã đặt cược mình vào một công việc rất nặng nề. Tại sao cô không nghĩ đến việc sẽ làm một chương trình nhỏ hơn, nhẹ nhàng và vừa sức hơn?

- Đây là tâm sức và mong ước của cả gia đình tôi và nó đã được chuẩn bị từ 4 năm trước. Quả thực thì khối lượng công việc thật khổng lồ, chẳng hạn như cứ vài ngày tôi lại phải chạy ra sân bay để lấy đồ diễn được chuyển từ Trung Quốc qua. Hơn 1.000 bộ trang phục cho chương trình, hơn 100 diễn viên, còn một số diễn viên Trung Quốc nữa, những con số mà tôi nhìn vào cũng giật mình.

Mới đầu, tôi có ý định mời các nghệ sỹ múa của Học viện Múa Quảng Tây sang diễn cùng, nhưng đó là việc quá sức, nên quyết định là nhờ các nghệ sỹ múa Việt Nam. Và tôi đang phải cùng tập và hướng dẫn họ múa chung, để họ hiểu thêm về múa Trung Quốc. Nhiều công việc là vậy, nhưng không ai muốn xem một chương trình sơ sài cả, đã làm là cố gắng làm. Bố mẹ tôi nói, tôi cứ cố gắng lo thật tốt phần biểu diễn, còn những phần khác bố mẹ sẽ lo giúp.

Linh Nga trong một vở múa.

Nhiều người nói tôi muốn làm nổi, diễn ở cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nhưng TP Hồ Chí Minh là nơi tôi đang sống và công tác, đêm biểu diễn phải được diễn ra là đương nhiên. Còn Hà Nội là quê hương tôi, bố mẹ tôi, những người thân yêu đều ở đó, có thể coi hai đêm diễn ở Hà Nội là tâm nguyện nhiều năm mà bố mẹ tôi muốn thực hiện, nhưng vì đời sống khó khăn, vì nhiều điều không thuận lợi, nên bố mẹ muốn tôi thực hiện được tâm nguyện này.

- Tiền có phải là một sức ép đối với cô trong chương trình này không?

- Có. Muốn làm show hấp dẫn hơn, dàn dựng hoành tráng hơn thì phải có rất nhiều tiền. Vì thế, tôi mới luôn mong ước có một nhà tài trợ yêu nghệ thuật múa. Nghĩa là tôi muốn có người tài trợ chương trình, nhưng họ vẫn để cho tôi thực hiện mục đích nghệ thuật của mình. Làm được điều đó phải là người kinh doanh am tường nghệ thuật lắm. Có tài trợ thì tốt quá rồi, nhưng nếu không có thì chương trình vẫn không thay đổi, bố mẹ sẽ là những nhà tài trợ hào phóng nhất với tôi. Bố mẹ đã tài trợ cho tôi bao nhiêu năm học tại Bắc Kinh đó thôi (cười).

- Múa là cuộc đời cô. Nhưng cuộc đời đó sẽ vất vả nhiều vì múa là một thứ nghệ thuật khắc nghiệt, nó lấy đi của cô tâm sức và quãng đời thanh xuân đẹp nhất và cho cô về hưu khi vừa bước vào tuổi 30. Cô có tính đến những "option 2", tức là nghĩ đến những ngã rẽ nghệ thuật khác?

- Đúng là khắc nghiệt. Nếu tôi học múa 2 năm, tôi sẽ bỏ ngay, không hối tiếc. Nhưng tôi đã theo nó 10 năm, tôi đã hiểu được khi tôi vươn cánh tay lên cao trong một vũ điệu, máu trong cơ thể mình sẽ chảy thế nào, sẽ dồn vào đâu và tim mình đập mạnh bao nhiêu nhịp trong một phút. Nên giờ này không phải là giờ để nói về sự ra đi nữa rồi.

Người nghệ sỹ múa có thể diễn tốt nhất ở tuổi 20-25, sau đó cơ thể sẽ già đi và sức quyến rũ trong động tác sẽ không còn như xưa nữa. Khi tốt nghiệp Đại học Múa Bắc Kinh, tôi đã đi thi thử cao học, nhưng bố mẹ tôi không đồng ý, vì tôi cứ học mãi thì qua thời gian đẹp nhất của một nghệ sỹ biểu diễn.

Tôi đang trong những ngày sung sức nhất, nên sẽ làm hết mình. Còn sau này, khi không còn múa được như trước nữa, thì tôi sẽ làm những công việc khác, như dàn dựng và giảng dạy. Hy vọng ngày đó còn xa. Còn những ngả rẽ ư, có lẽ là không. Tôi không có ngả rẽ nào. Tôi đã chọn múa và tôi chưa bao giờ thấy mình hối tiếc vì điều đó.

- Thật vậy sao? Nhiều người biết tới cô qua những "ngả rẽ" đó chứ? Chẳng hạn như làm người mẫu quảng cáo và cô xuất hiện trên mặt báo như một người mẫu cũng rất nhiều. Người ta còn đánh cược là cô sẽ rẽ qua điện ảnh để làm ngôi sao nữa

- Tôi đã tham gia nhiều thứ, như những vui thú của cuộc đời vậy. Nhưng tôi không coi đó là ngả rẽ, vì tôi vẫn đi trên con đường của mình, chỉ khẽ khàng dạo chơi trong những bộ môn nghệ thuật khác mà thôi. Khi tôi đi chụp bìa báo, bố mẹ tôi không biết cô gái trên bìa báo đó là tôi. Họ không có thời gian, không quan tâm đến điều đó. Mẹ tôi còn hay mắng, con chụp ảnh ít thôi, con lên báo có đẹp bằng người ta đâu.

Tôi cũng biết mình là nghệ sỹ múa, mình đâu có thể tung tăng trên sàn diễn thời trang như người mẫu. Tôi lên sân khấu thời trang cũng là để múa mà thôi.

Còn điện ảnh, tôi chưa nhận lời một kịch bản nào, dù tôi biết tôi có thể hoàn thành tốt những vai diễn của mình. Khi đã học múa, thì chúng tôi có thể tham gia những ngành nghệ thuật khác mà không sợ đuối sức, vì mọi gian khổ trong nghề đã trải qua đủ rồi. Những diễn viên như Chương Tử Di, Hồng Ánh, Mỹ Duyên, Đỗ Hải Yến… đều bắt đầu cuộc đời bằng nghệ thuật múa. Nhưng tôi vẫn chưa có niềm say mê thực sự lớn với điện ảnh, nên không cảm thấy tiếc nuối vì không được đóng phim. Và ngả rẽ, nếu có đến, biết đâu không phải là nghệ thuật, mà là kinh doanh thì sao? Chưa biết được.

- Người ta nhìn vào cuộc sống của cô, cảm giác cô không thiếu gì, cũng không phải lo lắng gì. Còn hầu hết các nghệ sỹ múa ở Việt Nam thì nhọc nhằn kiếm sống. Cô có thấy mình may mắn?

- Tôi cũng may mắn nhiều, nhưng tôi cũng đã đổ mồ hôi, nước mắt từ tấm bé cho sự nghiệp này. Bố mẹ tôi từ Hà Nội vào, hai bàn tay trắng, chở nhau bằng xe đạp đi múa từ quận 5 đến quận 10, mỗi ngày 13 show diễn, mẹ tôi về không đi được, bố tôi phải dìu lên cầu thang, vậy mà vẫn chung thủy với múa, gây dựng được sự nghiệp và có cơ ngơi như ngày hôm nay.

Nói thế để thấy, múa không phải là thứ có thể cho chúng ta bạc tỷ, nhưng có thể cho chúng ta cuộc sống vừa đủ nếu làm nghề nghiêm túc và sống có trách nhiệm. Ai đó gây lỗi lầm rồi đổ lỗi cho đời sống khó khăn là những ngụy biện không chấp nhận được.

- Cảm ơn Linh Nga!

Hoài Phố (thực hiện)
.
.
.