Đề tài phim tội phạm hoàn lương: Cần tránh khai thác một chiều

Thứ Tư, 13/07/2011, 17:30
Một mảng đề tài khó nhưng không có nghĩa là không thể khai thác. Nếu các nhà làm phim chỉ chăm chăm khai thác những pha đánh võ, những cuộc rượt đuổi của những băng đảng xã hội đen, của những tình huống tâm lí tội phạm ở dạng "nông sơ" mà bỏ qua giai đoạn "hậu kì" của một chuỗi sai lầm phạm tội thì những bộ phim truyền hình sẽ rất dễ một chiều, xêm xêm nhau và… nhạt.

Trừng phạt tội phạm là một điều không khó nhưng tạo cho họ một con đường để quay về, để làm lại từ đầu thực sự là một điều rất khó, một bài toán không dễ tìm lời giải. Cũng đã có một vài bộ phim phản ánh sự nhọc nhằn đó nhưng có một sự thực không thể chối cãi, đó là một mảng đề tài khó với những đạo diễn lẫn biên kịch Việt.

Theo nhà biên kịch Nguyễn Quý Dũng - tác giả kịch bản bộ phim “Vườn đời” đang phát sóng lúc 20h45' từ thứ tới chủ nhật trên kênh HTV7 từ ngày 10/7 thì cái khó đến từ chính kinh nghiệm thực tế cũng như kiến thức của đội ngũ biên kịch.

Một điều nữa cũng làm cho đề tài trở nên khó khăn hơn khi tiếp cận chính là hình ảnh chiến sĩ Công an trong việc dìu dắt những tội phạm hoàn lương. Các biên kịch của chúng ta thường thiếu kiến thức trong mảng đề tài nhiều giới hạn này nên hình ảnh người chiến sĩ Công an sẽ có những hình ảnh hiện lên khá một chiều, hoặc sẽ là "tô hồng" một cách quá mức cần thiết hoặc cũng có thể là cứng nhắc và quan liêu thiếu thực tế. Chính những điều đó đã gây một tâm lí khó chịu khi tiếp nhận của khán giả bởi Công an vẫn luôn là một lực lượng có sự va chạm trực tiếp và nhiều nhất với quần chúng và sự so sánh giữa thực tế và phim ảnh luôn là những sự chênh nhau khó kê cho bằng được.

Những cảnh phim về đề tài “Tội phạm hoàn lương”.

Hiện nay, đa phần các bộ phim về mảng đề tài tội phạm hoàn lương chỉ khai thác khía cạnh định kiến mà những người hoàn lương gặp phải khi quay trở lại với cuộc sống. Từ ánh nhìn, câu thoại thể hiện rõ những định kiến đó từ những hàng xóm, họ hàng khiến cho những con đường hoàn lương trở nên bi đát, không còn đường lùi. Nhưng đó không phải là tất cả nếu soi chiếu theo thực tế đã khác biệt đang diễn ra.

Có thể nói con đường hoàn lương nào cũng gian khó theo những cách khác nhau và nó cũng giống như chuyện người tốt luôn đúng và người không tốt thì luôn luôn sai. Hình ảnh chiến sĩ Công an cũng vì thế mà chẳng thể nào cũng "ngọt ngào, dịu dàng" với từng tội phạm hoàn lương được. Họ có thể dùng những từ ngữ khác đi, đời hơn, thật hơn nhưng như thế không có nghĩa là họ ghét bỏ những con người đang cố gắng tìm lại con đường đúng. Bởi, xét một cách thực tế, có thân thiết, có yêu quý nhau, có quan tâm thì những đại từ nhân xưng như "mày - tao" mới được sử dụng một cách thông dụng như vậy.

Một mảng đề tài khó nhưng không có nghĩa là không thể khai thác. Nếu các nhà làm phim chỉ chăm chăm khai thác những pha đánh võ, những cuộc rượt đuổi của những băng đảng xã hội đen, của những tình huống tâm lí tội phạm ở dạng "nông sơ" mà bỏ qua giai đoạn "hậu kì" của một chuỗi sai lầm phạm tội thì những bộ phim truyền hình sẽ rất dễ một chiều, xêm xêm nhau và… nhạt.

Hy vọng, một ngày không xa, những thước phim về những con người đang cố gắng làm lại cuộc đời sẽ hiện lên chân thực, rõ nét và sống động hơn sẽ đến được với số đông khán giả. Để họ cảm nhận, thích thú cũng như chờ đón mỗi tập phim

Gia Hưng
.
.
.