Đề nghị UNESCO công nhận "đờn ca tài tử" là di sản văn hóa nhân loại

Thứ Sáu, 03/12/2010, 10:45
Ngày 2/12, Viện Âm nhạc Bộ VH-T&TDL phối hợp với UBND tỉnh Long An tổ chức cuộc tọa đàm về "đờn ca tài tử" Nam Bộ để làm cơ sở lập hồ sơ quốc gia đề nghị UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Tại cuộc tọa đàm này, các diễn giả đều thống nhất "đờn ca tài tử" ở Nam Bộ là do nông dân sáng tạo ra để thỏa mãn nhu cầu chơi nhạc trong lúc nông nhàn. Sự sáng tạo này được ghi nhận từ đầu thế kỷ XIX, dựa trên hai hình thức nghệ thuật có tính chuyên nghiệp là tuồng và nhạc lễ.

Đến cuối thế kỷ XIX, nhiều nhạc quan và nhạc công triều đình nhà Nguyễn vào Nam theo phong trào Cần Vương, họ sớm biết kết hợp âm hưởng nhạc Nam Bộ với nhạc Huế để sáng tác ra bài bản nhạc tài tử, mở lớp dạy đờn khắp hai vùng Đông, Tây Nam Bộ. Nhạc sư Nguyễn Quang Đại (Long An) là người có công tập hợp các ban, nhóm "đờn ca tài tử" của hai vùng này dựng nên dòng nhạc tài tử được lưu truyền và phát huy đến ngày nay.

Góp phần tích cực cùng nhạc sư Nguyễn Quang Đại phát triển "đờn ca tài tử" là nhạc sư Trần Quang Diệm (Mỹ Tho), nội tổ của giáo sư Trần Văn Khê. Hai vị quan khoa cử là Phan Hiến Đạo và Tôn Thọ Tường học nhạc ở Huế rồi trở vào Nam tiếp tục sáng tác ra những bài phù hợp rồi truyền dạy đờn, ca tài tử khắp Nam Bộ.

Được biết, đến cuối tháng 3/2011, Viện Âm nhạc Bộ VH-TT&DL phải hoàn tất hồ sơ quốc gia về "đờn ca tài tử" để trình lên UNESCO xem xét

H.Hùng
.
.
.