Để lễ hội hài hòa giữa truyền thống và hiện đại

Thứ Năm, 07/03/2013, 12:27
Cả nước có hơn 7.000 lễ hội dân gian trải dài trong cả năm, khắp các vùng miền. Tính cộng đồng, truyền thống dân tộc, tinh thần yêu nước là cái gốc của lễ hội, bởi thế chúng ta rất tự hào khi nêu ra con số trên. Tuy nhiên, những “hạt sạn” phát sinh trong lễ hội khiến người ta lo ngại giá trị truyền thống bị mai một, lễ hội dân gian không còn giữ được bản sắc.

Bài 1: Sùng bái quá mức và tâm lý đám đông

Một đồn mười, mười đồn trăm nên mới có chuyện đua nhau đi xin ấn đền Trần; chen vai, thích cánh vào cho được cung cấm ở đền Bà Chúa Kho để vay ngân khố, xin lộc rơi, lộc vãi...; thi nhau sắm vàng mã, thuê người khấn để cầu lộc, cầu tài, cầu danh... khiến cho thắng cảnh, di tích trở thành chỗ “buôn thần, bán thánh” một cách công nhiên. Với không ít người, đi lễ đầu năm không còn là du xuân, là tìm đến thế giới tâm linh để được thơi thảnh trong tâm hồn mà là cuộc mặc cả với thần thánh để mưu cầu lợi lộc...

Khởi thủy lễ hội, nét đẹp văn hóa

Lễ khai ấn đền Trần là một tập tục khởi thủy vào năm 1239 của triều đại nhà Trần. Trải qua nhiều cuộc binh đao trong cuộc chiến chống giặc Nguyên Mông, lễ này bị gián đoạn. Năm 1262, lễ khai ấn được mở lại. Trải qua nhiều biến động của lịch sử, có những lúc lễ khai ấn bị gián đoạn nhưng đây vẫn là tập tục lâu đời, thể hiện lòng thành kính với bậc tổ tiên, non sông đất nước, cầu mùa màng tốt tươi, đất nước thái bình thịnh trị. Người dân làng Tức Mặc hiện vẫn duy trì lễ khai ấn tại đền Thiên Trường theo truyền thống.

Có mặt trong lễ khai ấn đền Trần năm nay khá sớm, tôi chứng kiến các cụ bô lão, đám thanh niên nam nữ, các chị, các bà tất bật chuẩn bị đồ lễ, thực hiện các nghi thức một cách thành tâm, chuẩn chỉ. Điều đó cho thấy, tính thiêng liêng trong lễ khai ấn được dân làng Tức Mặc gìn giữ và trân trọng như thế nào. Nó không chỉ cho thấy bề dày văn hóa truyền thống mà còn là cách để giáo dục cháu con trong việc giữ trọn đạo nghĩa và sự tôn kính với tổ tiên.

Đoàn rước kiệu có 27 nam thanh nữ tú được chính những người dân trong làng Tức Mặc lựa chọn. Cậu thanh niên Trần Đức Hậu được các cụ trong làng chọn cầm cờ vua từ năm 14 tuổi. Từ cậu thiếu niên, đến nay Hậu đã trở thành một thanh niên 21 tuổi và vẫn giữ vị trí đi đầu trong đoàn rước kiệu. Các thiếu nữ trong đoàn dâng hoa mặc áo tứ thân, tóc đuôi gà thật trong trẻo... Giờ Tý đêm 14 tháng Giêng điểm cũng là lúc tiếng cụ bô lão trầm ấm vang lên... với những lời cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, đất nước thái bình... Khởi nguyên tục khai ấn đền Trần là thế. Vậy mà hiện nay, có nhiều người suy diễn, cho rằng có được cái ấn đền Trần để thăng quan tiến chức, để có nhiều bổng lộc... nên khiến cho cuộc đua tranh để có cái ấn trở nên khốc liệt, vì vậy không ít người có hành động phi văn hóa, phi tín ngưỡng.

Rước kiệu trong lễ khai ấn Đền Trần (Nam Định).

Đền Bà Chúa Kho cũng bị người ta hiểu sai. Tích về đền Bà Chúa Kho được truyền tụng bao đời nay rằng, bà là quan coi kho lương. Bà có tài quản lý để kho lương lúc nào cũng đầy ăm ắp. Mà kho lương đã đầy thì tướng sỹ, binh lính luôn đủ nhu yếu phẩm để chi dùng và dốc hết lòng để phụng sự quốc gia. Thế mà, chỉ vì người ta muốn có vốn để làm ăn nên đến đền Bà vay. Để được bà đồng ý, người ta phải sắm những mâm lễ nặng trĩu. Rồi người ta áp đặt cái luật “có vay, có trả” ở đời nên cuối năm, đem hàng đống vàng mã đến để hóa... Một điểm tín ngưỡng dân gian xuất phát từ lòng biết ơn Bà Chúa Kho bị biến thành nơi đổi chác với thần thánh.

Biến tướng đáng sợ

Vấn đề đang “nóng” liên quan đến lễ hội gần đây xoay quanh cái ấn đền Trần. Lễ dâng hương và khai ấn năm nay lúc đầu diễn ra khá quy củ nhờ hàng rào an ninh được thắt chặt. Tuy nhiên, khi lễ khai ấn được các bậc cao niên thực hiện xong, khu vực sân đền Thiên Trường được mở thì diễn ra cảnh chen lấn giành ấn. Đây là hành động rất phản cảm, rất phi tín ngưỡng...

Sáng Rằm tháng Giêng, có 3 điểm phát ấn tại Khu di tích Lịch sử và Văn hóa Trần. Dẫu không “kinh hoàng” như trước đây nhưng vẫn có cảnh chen lấn, trèo leo để cố “mua” một cái ấn. Rồi người ta còn làm cả ấn giả để bán cho khách phương xa. Ai đến đền Trần mà chưa có được chiếc ấn mang về xem như chưa hoàn thành sứ mệnh. Ai có ấn mang về thì mặt mũi hớn hở...

Hội thi bắn nỏ trong lễ hội Cổ Loa (Hà Nội) gợi nhớ tinh thần đấu tranh giữ nước.

Ngày 16 tháng Giêng, tôi được một người ghé tai rủ đi lấy ấn đền Trần xịn tại Hà Nội. Để biết, ở Hà Nội người ta làm thế nào để “mua” ấn đền Trần nên tôi đồng ý đi cùng. Đến nơi, tôi tận mắt chứng kiến cảnh người ta hâm mộ ấn đền Trần như thế nào, người ta coi nó như “cứu tinh” cho đường công danh, tài lộc của mình ra sao... Và tôi cũng hiểu được vì sao, có nhiều người đi cả trăm cây số, thức trắng cả đêm, vật vờ suốt cả ngày chỉ để xin được cái ấn ở đền Trần mang về. Và tôi thấy thật buồn khi thấy nhiều người coi ấn đền Trần là vật thiêng mà dùng tiền, dùng sự khổ lụy để có được nó.

Hai năm nay, lễ khai ấn đền Trần được thay đổi về cách thức tổ chức và luôn có sự chỉ đạo, giám sát của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Chính quyền tỉnh Nam Định cũng nỗ lực để việc tổ chức lễ hội này được trang nghiêm, trật tự và giữ nguyên giá trị truyền thống. Tuy nhiên, những nỗ lực này mới có hiệu quả phần nào. Có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có sự sùng bái quá mức và tâm lý đám đông, thiếu hiểu biết làm ảnh hưởng đến sự uy nghi cũng như việc trả lại nguyên nghĩa của tập tục khai ấn chưa được như mong đợi.

Cũng tại tỉnh Nam Định, lễ hội chợ Viềng đêm 7 tháng Giêng là lễ hội dân gian đúng nghĩa. Khách đi chợ Viềng được sống, được hít thở, được hưởng cái không gian rất dân gian ở cái chợ chỉ họp một lần trong năm. Không cầu cạnh thăng quan, tiến chức; không cầu lộc lớn, tài nhiều, khách đến chợ Viềng “thuận mua, vừa bán”. Người bán vui vì bán được củ khoai, cái cuốc, cân thịt bò...; người mua vui vì mua được cây cảnh, cái nơm, cái giỏ “made in chợ Viềng”. Đi chợ Viềng cầu may cũng là một tín ngưỡng, thuần túy xuất phát từ tâm tưởng chứ không phải là cuộc ganh đua nên chất truyền thống của lễ hội chợ Viềng vẫn còn giữ được nguyên nghĩa...

Tham gia lễ hội mà không hiểu đúng về lễ hội rất dễ trở thành cuồng tín và bị lôi kéo vào những suy nghĩ lệch lạc, vô hình trung sẽ làm cho lễ hội trở nên méo mó.

Các địa phương có lễ hội lớn như lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ), lễ hội Chùa Hương (Hà Nội), lễ hội Côn Sơn – Kiếp Bạc (Hải Dương), lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), lễ hội Phủ Giày, đền Trần (Nam Định), Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), lễ hội Núi Bà Đen (Tây Ninh), lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi Sam (An Giang) và các lễ hội diễn ra tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh… phải xây dựng kế hoạch chi tiết cụ thể, phương án tổ chức đảm bảo an toàn tuyệt đối, đảm bảo an ninh trật tự, bố trí bãi trông giữ phương tiện giao thông cho khách… không gây ảnh hưởng làm sai lệch giá trị của di tích, danh thắng. Thực hiện quy hoạch tổ chức các hoạt động dịch vụ vui chơi giải trí hợp lý; đảm bảo vệ sinh môi trường và chú trọng việc tổ chức các hoạt động văn hóa, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể ở các lễ hội. (Chỉ thị số 251/CT-BVHTTDL về tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội).

Cao Hồng – Việt Hà
.
.
.