Để giải thưởng thực sự là nơi hội tụ những tác phẩm xuất sắc

Thứ Ba, 18/07/2006, 08:34

“Có dư luận trong đề cử là bình thường, nhưng bỏ sót nhiều gương mặt xứng đáng là không bình thường. Văn chương vốn khắc nghiệt, vì vậy định giá nó cần quang minh, công bằng”, nhà văn Dạ Ngân nói về việc xét giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

Nhà văn Dạ Ngân: Văn chương vốn khắc nghiệt, định giá nó phải công bằng

Trước nay tôi không có ý kiến gì về danh sách người được Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước, vì thực sự tôi không quan tâm lắm đến các thứ danh hiệu. Nhưng nhà báo đã "quyết hỏi" thì cũng chỉ xin đề cập đến quy chế nói chung và về một số tác giả không được giới thiệu ở Giải thưởng Nhà nước mà thôi.

Danh sách đông đến mức thấy có vẻ mặt trận và thiếu chắt lọc. Quy chế xét giải khiến người ta băn khoăn: với những người chỉ chuyên truyện ngắn thì tập nào là tiêu biểu nhất của họ nếu không có động tác chuẩn bị cần thiết? Với các nhà thơ càng dễ đặt câu hỏi như vậy. Vì vậy, khi giới thiệu, có những tác phẩm đi cùng tên tác giả chưa có sức thuyết phục.

Theo tôi, nếu thực sự tôn vinh Giải thưởng thì Hội Nhà văn phải làm cho những ứng viên, đặc biệt là các tác giả truyện ngắn và thơ một tuyển tập hay nhất trong sự nghiệp của họ trước khi xét giải chừng 1-2 năm, để công chúng có điều kiện thẩm định, lọc lại, xem tác phẩm đã đứng được với thời gian chưa. Dựng được chân dung tác phẩm của tác giả thì đưa ra dự giải mới có sức thuyết phục.

Đợt này, tôi nghĩ, thế hệ chống Mỹ như một chuyến tàu chót nên thấy thiếu nhiều. Nguyễn Xuân Khánh với "Hồ Quý Ly", cuốn sách được liền tù tì mấy giải thưởng lớn, được in 7 lần trong 5 năm qua. Nguyễn Quang Thân cũng là một tác giả có 4 tiểu thuyết, ngoài "Con ngựa Mãn Châu", cuốn "Ngoài khơi miền đất hứa" đã được dịch ở Pháp và NXB Hội Nhà văn mới in lại trong tủ sách "Tiểu thuyết thời đổi mới". Rồi cuốn "Đi về nơi hoang dã" của Nhật Tuấn thực sự là cuốn tiểu thuyết sẽ còn lại với thời gian.

Đặc biệt thấy thiếu khi quá vắng các gương mặt nữ sáng giá, đã đi gần hết tuổi viết, đã là những cái tên không thể quên nếu nói tới làng văn, như Lê Minh Khuê, Đoàn Lê. Hóa ra văn học ta có nhiều cuốn sách để cho độc giả nhớ nhưng tác giả thì lại bị bỏ quên. Lẽ nào Lê Minh Khuê, Đoàn Lê, Nhật Tuấn, Nguyễn Quang Thân… không đi từ chiến tranh ra, không góp công, không xứng đáng?

Có những tên tuổi nổi lên sau năm 1975, thiết nghĩ, đợt này, Giải thưởng Nhà nước không để ý đến họ là sự thiếu hụt của giải. Nguyễn Huy Thiệp với sự đóng góp cho thể loại truyện ngắn thời đổi mới của văn học Việt Nam. Nguyễn Quang Thiều với "Sự mất ngủ của lửa", giải thưởng Hội Nhà văn, một trong những tác giả đổi mới thơ thành công. Và Inrasara, ngôi sao lấp lánh không chỉ vì là người dân tộc thiểu số. Có dư luận trong đề cử là bình thường, nhưng bỏ sót nhiều gương mặt xứng đáng là không bình thường. Văn chương vốn khắc nghiệt, vì vậy định giá nó cần quang minh, công bằng.

Nhà văn Nguyễn Phan Hách - Giám đốc NXB Hội nhà văn: Còn nhiều người xứng đáng nhưng phải có thời gian

Tôi cho rằng, các tác giả được đề nghị xét Giải thưởng đều xứng đáng, vì họ đều có công đóng góp lớn cho nền văn học Việt Nam. Tuy nhiên, danh sách này có vẻ hơi chặt chẽ, bởi còn một số người như tác giả Trần Mai Ninh, Trang Thế Hy, Lê Minh Khuê… đã bị bỏ quên. 2 người được đề nghị Giải thưởng Hồ Chí Minh đều xứng đáng, nhưng Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Xuân Quỳnh… cũng đáng được nhận giải.

Dĩ nhiên, không có gì trên đời này là công bằng và chính xác tuyệt đối cả. Những người được trước nhất định phải có cái gì đó gây ấn tượng cho Hội đồng xét giải hơn những người chưa được. Thời gian rất công bằng. Tôi tin những người xứng đáng nhất định sẽ được. Miễn là có đóng góp thực sự cho sự nghiệp văn học thì không ai có thể chối bỏ được. Bởi chối bỏ những người có đóng góp thực thì chính là họ tự hạ thấp mình vì không đủ năng lực.

Tôi tin là những người trong Hội đồng cũng lo lắm, vì nếu chọn nhầm chứng tỏ năng lực của họ không ra gì, họ phải chọn những người xứng đáng - tất nhiên, theo quan niệm của họ. Không phải họ vô trách nhiệm, họ cũng không thiên kiến, có điều, quan niệm của họ dừng lại ở danh sách này là như thế. Rồi người ta sẽ làm tất cả những gì hợp lý và sửa chữa những gì bất hợp lý. Nhưng phải có thời gian.

Việc đánh giá chênh lệch theo thẩm mỹ của từng người là có thật trong xã hội. Nhưng theo tôi, những nhà văn là liệt sĩ thì phải được đầu tiên, không ai được quyền tranh giành với những người hi sinh trong kháng chiến như Trần Đăng, Trần Mai Ninh…

Nhà văn Ngô Thảo: Giải thưởng bị già nua thiếu hơi thở thời sự

Hiện nay, có khá nhiều vị toàn tài, vừa là giáo sư, tiến sĩ, NSND, NSƯT, vừa được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước (GS Hà Minh Đức, Phương Lựu cùng lúc nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học, vừa về KHXHNV. Lần này, nếu GS Phan Cự Đệ được xét là thêm trường hợp).

Khi xét theo từng chuyên ngành độc lập, có người được lợi (2-3 nơi cùng xét), mà có người lại bị các hội "nhường" lẫn nhau. Hội đồng quốc gia không nên chỉ chờ đợi kết quả các hội chuyên ngành mà cần có sự bao quát để điều chỉnh cho công bằng.

Một nhà văn với rất nhiều tiểu thuyết như Nguyễn Khắc Phục lại được đề nghị ở tác giả sân khấu thì không phải không xứng đáng nhưng vẫn thấy buồn cười. Danh mục xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nữ sĩ Anh Thơ với 2 tác phẩm "Bức tranh quê" (1941) và hồi ký "Từ bến sông Thương", dẫu kính trọng nhà thơ đến đâu cũng thấy không hợp lý.

Tính là nhà thơ nữ, thì về chất lượng tác phẩm và tác động xã hội, Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn còn nổi bật hơn. Tính chung đội ngũ nhà văn thì Thu Bồn, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Nguyên Ngọc, Đỗ Chu… trong chống Mỹ xứng đáng với Giải thưởng cao quý này.

Hàng loạt nhà văn, nhà thơ trẻ là một bộ phận chủ lực của văn học thời kỳ đổi mới (như Nguyễn Đông Thức, Nguyễn Nhật Ánh v.v…) không có tên trong danh sách, làm cho Giải thưởng bị già nua, thiếu hơi thở thời sự thời kỳ đổi mới

Ngô Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.