Đâu phải bởi hoa anh đào

Chủ Nhật, 26/04/2009, 12:22
Một đứa trẻ biết yêu vẻ đẹp của bông hoa, sẽ tìm cách nâng niu chúng. Và muốn chúng biết yêu vẻ đẹp ấy, thì đó lại là câu chuyện của nhà trường và những người thầy. Điều này còn khuyết thiếu trong hệ thống bài giảng cho học sinh.

Lại một lễ hội nữa đi qua. Và lại những lời đàm tiếu. Hỉ, nộ, ái, ố. Những bông hoa chưa tan lễ đã héo rơi. Cuộc giao lưu văn hóa ồ ạt ngắn hạn kết thúc trong hụt hẫng. Và người ta đổ lỗi cho nhau.

Nhưng nhìn sâu vào phía sau những cuộc giao lưu đầy màu sắc PR như thế, sẽ thấy một lỗ hổng mà không có lực lượng bảo vệ nào rào lại được, ấy là lỗ hổng về văn hóa, lỗ hổng về kiến thức ứng xử trong văn hóa công cộng. Còn quá ít trẻ nhỏ được dạy từ khi tiểu học, rằng phải biết ứng xử hòa hợp với môi trường xung quanh. Và những lễ hội hoa thường mang màu sắc ê chề nhiều hơn sự trân trọng.

Từ những bông hoa bị cướp…

Nhìn lại câu chuyện lễ hội hoa anh đào, cho thấy dường như Ban tổ chức đã đi từ thái cực này sang thái cực khác. Năm trước, người ta chen lấn, xô đẩy để giật những cánh hoa anh đào thật. Đơn giản vì hoa thật quá ít, mà hoa giả lại quá nhiều.

Một lễ hội mang tên hoa anh đào, nhưng thực chất vài ngàn người chủ yếu ngắm hoa giả. Những bông hoa giả không có tội. Nhưng chẳng có ý nghĩa gì khi người ta mất công sức, mất công chen lấn, chỉ hy vọng được ngắm hoa anh đào thật. Và vì hoa anh đào không trồng được ở Việt Nam, mà được chuyển qua hàng không tới, nên mới lạ, mới quý, mới đặc biệt. Nếu ngắm hoa anh đào giả có lẽ tốt hơn hết là ngắm hoa anh đào thật trên Internet. Bởi đó là sự mô tả chính xác.

Thay vì hoa lụa, đôi khi chỉ đến để ngắm xem nó có được làm giống như hoa thật hay không!... Người xem lại chủ yếu xem hoa giả, còn hoa thật thì rất ít và phải "kính nhi viễn chi". Lễ hội hoa nhưng chỉ được ngắm nhìn từ xa. Thế nên có lẽ, phải gọi là "triển lãm hoa" với vô số những biển hiệu đại ý là "cấm sờ vào hiện vật".

Dẫu vậy, qua ngày thứ hai thì những cánh hoa do phải bảo quản quá lâu và quá nhiều, đã trở nên héo úa trên cành. Những bông hoa anh đào bỗng trở nên lạc lõng và tội nghiệp. Những lời cảm thán của hàng ngàn người tham dự quả là một câu hỏi khác: Lễ hội tôn vinh cái đẹp hay chỉ là một cuộc giới thiệu mang tính chất hình thức được bơm thổi quá nhiều? Sự bơm thổi của truyền thông về một lễ hội hoa hoành tráng quy mô, nên lượng người xem đã đến con số kỷ lục.

Và chỉ có vài ngày, nhưng tình trạng nhiễu nhương của các dịch vụ ăn theo đã làm phiền lòng du khách không ít. Một lễ hội nhưng thực ra chẳng nói được điều gì nhiều. Mà dường như từ thái cực này sang thái cực khác, đều đầy những tiêu cực không giống nhau.

Lễ hội hoa anh đào 2009.

Lại nói về những bông hoa bị cướp, còn nhớ lễ hội phố hoa quanh hồ Hoàn Kiếm hồi đầu năm 2009, người ta đã tìm mọi cách giật, phá và cướp hoa. Quả là những việc làm thiếu ý thức. Báo chí đã lên tiếng mạnh mẽ những biểu hiện ấy. Và coi đó như một dấu hiệu báo động về ý thức văn hoá nơi công cộng.

Dường như bất cứ lễ hội gì, trò chơi nào tổ chức ở Hà Nội cũng có thể dẫn đến tình trạng tương tự. Người ta luôn đặt câu hỏi tại sao lại như thế? Nhưng sau nhiều năm, những câu hỏi đó vẫn là những câu hỏi triền miên.

Phát biểu trên tờ Thanh Niên, nhà văn Nguyên Ngọc, người nghiên cứu sâu về văn hoá Việt, đã nhìn nhận chuyện cướp hoa như một thứ cảnh báo về văn hoá xã hội đang có những khủng hoảng thực sự: "Chuyện thái độ khi đi xem hoa anh đào, cách tổ chức hội hoa anh đào như năm nay là chuyện khác. Theo tôi, năm nay hoa không bị phá vì đã được bảo vệ, như người ta nói - "đến tận răng" - thì cũng chẳng hơn gì năm ngoái khi hoa bị tàn phá vì không được bảo vệ. Đều là văn hóa của một xã hội đã đến mức báo động.

Khi người ta sẵn sàng giày xéo lên cái đẹp, lại là cái đẹp được trân trọng mang đến từ một đất nước bạn, thì quả thật tôi không còn biết phải lý giải thế nào nữa. Thú thật tôi buồn cười khi có người cho chuyện phá hoa là do văn hóa lạc hậu của làng xã lây lan "ô nhiễm" vào thành thị.

Hình như đang có điều ngược lại: văn hóa hỗn độn của kinh tế thị trường hoang dã từ thành thị "ô nhiễm" về nông thôn, tàn phá nơi vốn là cội nguồn văn hóa của ta. Huy động cảnh sát bảo vệ hoa như năm nay là điều chắc không ai muốn. Nhưng có lẽ cũng chẳng có biện pháp cụ thể nào khác được nữa đâu. Vấn đề lớn, rộng và sâu hơn rất nhiều. Vấn đề là khôi phục lại cho được niềm tin của xã hội vào các giá trị. Hãy làm những việc cụ thể cho mọi người tin. Rồi con người sẽ bình tĩnh lại hơn, sẽ ứng xử với nhau văn minh, tình nghĩa hơn. Cái đẹp sẽ trở lại".

…đến văn hóa thưởng thức

Chuyện cướp hoa, làm nát hết cảnh quan là chuyện không ai muốn. Nhưng nó đã xảy ra. Câu hỏi đặt ra là, tại sao những cuộc tranh cướp hổ lốn đó luôn chỉ diễn ra với những lễ hội vội vàng, diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn ngủi và một khoảng không gian chật hẹp?

Tại sao cũng ở Hà Nội, thiên hạ cũng mê mẩn ngắm hoa sưa trước tượng Lý Thái Tổ, ngắm hoa ban trên đường Bắc Sơn, ngắm hoa lộc vừng bên hồ Gươm mà không ai lao vào để giật hoa, bẻ trụi hoa? Người xem chỉ đến ngắm và chụp hình lưu niệm. Ý thức đó là ý thức tự thân. Đó là những địa chỉ quen thuộc và là điểm hẹn gặp lại. Nó không phải là một cuộc trưng bày vội vã (thậm chí hơi xô bồ) nhằm tạo thành một sự kiện nào đó.

Cách thưởng thức đó về bản chất không khác gì nhau. Chỉ có cách con người ứng xử với những bông hoa là khác nhau. Nghĩa là, ở khía cạnh còn lại, những lễ hội vội vàng không mang đến được một cảm giác ấm áp cần nâng niu. Thiên hạ vẫn đến vì sự hiếu kỳ nhiều hơn. Và khi đã hiếu kỳ thì dễ làm liều… cho có kỷ niệm.

Những điều kể trên sẽ phản biện những lý lẽ của những người quá tôn sùng "hàng ngoại", những người luôn tìm mọi cách dẫn chứng "Tây tốt hơn ta" và luôn tìm cách để chế giễu thói xấu của người Việt. Bởi dù ở Tây hay ở ta, muốn có được cách ứng xử tốt với môi trường và cảnh quan, chúng ta phải biết xây dựng không gian và tạo dựng thói quen thưởng thức như một phong cách sống.

Phải làm sao để người ta muốn đi xem hoa để nâng niu, trầm trồ, lưu luyến chứ không phải đi cướp bằng được để mang về (dù cái sự mang về đó không để làm gì, không mang giá trị gì).

Muốn có được những điều ấy, phải dạy và phải học. Một đứa trẻ biết yêu vẻ đẹp của bông hoa, sẽ tìm cách nâng niu chúng. Và muốn chúng biết yêu vẻ đẹp ấy, thì đó lại là câu chuyện của nhà trường và những người thầy. Điều này còn khuyết thiếu trong hệ thống bài giảng cho học sinh. Chúng ta quá yêu những bộ môn kiến thức nhồi nhét, coi đó là sứ mệnh của trí tuệ. Mà dường như quên mất rằng, con người cũng cần được bồi dưỡng tâm hồn như một cái cây cần tưới nước…

Câu chuyện gốc rễ của chuyện cướp hay không cướp hoa anh đào, không phải là nói về những bông hoa anh đào. Hoa anh đào chẳng có lỗi gì. Bởi nếu không là hoa anh đào mà là một loài hoa khác, thì việc cướp hoa vẫn hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi bản chất những người khoái giằng xé hoa là những người không hiểu gì về cái đẹp. Và họ cướp hoa cho một sự thỏa thuê hỉ hả nhiều hơn. Cái lỗi lớn của Ban tổ chức là đã tìm mọi cách để kéo người xem đến nhưng lại không đảm bảo rằng, họ sẽ được thưởng thức thực sự.

Những bông hoa anh đào như một con kiến, nhưng lại được quảng bá như một con voi! Còn với người thưởng thức, đơn giản trước giờ họ chưa được hướng dẫn mạch lạc về việc tham gia vào cộng đồng chung. Và đó chính là điều làm nên bi kịch.

Cái lỗ hổng quá rộng. Mà muốn lấp đầy, phải chấp nhận làm lại từ đầu. Bắt đầu bằng một thói quen khác, một ý thức khác trong mỗi con người…

Phong Vân
.
.
.