Đạo văn hay chỉ là... đãng trí?

Chủ Nhật, 18/04/2010, 10:06
Một tác giả trẻ lý giải việc đăng bài thơ của người khác dưới tên mình rằng bà mẹ chồng nhớ lại theo trí nhớ của tuổi già nên đã chuyển bài thơ của người khác thành tác phẩm của bà và nhờ cô này gửi vì nghĩ rằng tên của cô ta đã "quen" nên dễ đăng hơn.

Những ngày qua, nhiều báo đã đưa tin, bình luận xung quanh vụ GS - TS Trần Ngọc Thơ, Trưởng khoa Tài chính doanh nghiệp Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh bị "đạo văn". Cụ thể, cuốn "Tài chính quốc tế" và "Nguyên lý thực hành bảo hiểm" do ông và Thạc sĩ Nguyễn Tiến Hùng (Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh) đứng tên và chủ biên, đã bị nhóm tác giả của Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh mà chủ biên là PGS - TS Phan Thị Cúc "sao chép nguyên xi".

Điều bi hài hơn, sau khi vụ việc trên bị tố giác, GS - TS Trần Ngọc Thơ còn nhận được tin nhắn... khủng bố. Và PGS -TS Phan Thị Cúc thì chỉ "thừa nhận khuyết điểm lớn nhất của mình là đã đứng tên chủ biên sách nhưng lại không cho kiểm tra nội dung", dẫn tới việc một người học trò của GS -TS Trần Ngọc Thơ đã "cóp" toàn bộ mấy chương sách của thầy mình vào cuốn này. Tất nhiên, GS - TS Trần Ngọc Thơ và dư luận không dễ nhất trí với cách giải trình theo hướng này.

Nói chung, không riêng gì trường hợp của bà Phan Thị Cúc, ở một số vụ bị dư luận đặt vấn đề đạo văn, các tác giả cũng thường có cách giải thích cho thấy họ là những người quá ư... đãng trí. Thậm chí, so với bà Phan Thị Cúc, mức độ đãng trí, "lơ đãng" của họ còn cao gấp bội phần.

GS - TS Trần Ngọc Thơ với cuốn giáo trình “Tài chính quốc tế” do mình biên soạn (bên phải) và cuốn sách bị "đạo văn".Ảnh: D.Đ.M.

Ký ức đưa tôi quay trở lại với vụ dịch giả, kỹ sư V.B.T. bị nghi là đạo văn. Chẳng là, trong cuốn "Truyện cổ Grim toàn tập" do ông V.B.T. dịch, NXB Văn hóa - Thông tin ấn hành quý I năm 2003, người ta thấy có những truyện giống hệt những bản dịch do dịch giả, nhà văn hóa Hữu Ngọc thực hiện và được NXB Văn học cho ấn hành từ trước đó nhiều năm.

Điều lạ hơn nữa, bản dịch của nhà văn hóa Hữu Ngọc được ghi chú là "theo nguyên bản tiếng Đức", còn bản của ông V.B.T. được ghi là "dịch qua tiếng Trung của NXB Thượng Hải", vậy mà có những truyện giống nhau tới... 100%, khiến người lên tiếng về chuyện này phải đặt tít bài là "Tiếng Đức giống tiếng... Trung?".

Sau khi vụ việc được báo chí khơi ra, ông V.B.T. đã lên tiếng giải thích lý do có sự "trùng hợp" nói trên. Ông khẳng định: Không phải ông "đạo văn" mà tất cả là do "NXB làm ẩu", "đã để lạc bản dịch của ông Hữu Ngọc vào tập sách dịch của tôi". Khi phóng viên đặt câu hỏi: "Tại sao biết là có bản dịch của người khác "lạc" vào cuốn sách dịch của mình tới hơn năm trời, vậy mà phải tới lúc báo chí lên tiếng ông mới có ý kiến lại", ông VBT đã xuề xòa cho hay, ông có "thói quen xấu" là "ít khi đọc lại sách của mình được in". Có nghĩa là ông không hề hay biết có chuyện bản dịch của nhà văn hóa Hữu Ngọc nằm trong cuốn sách dịch của mình.

Cùng bị báo chí đặt vấn đề đạo văn và cùng nêu nguyên nhân tại đơn vị xuất bản làm việc không được chu toàn là trường hợp ông L.V.Y., cán bộ biên tập của một NXB. Chẳng là, trong cuốn "Truyện vui danh nhân thi nhân" của ông do NXB Thanh Niên ấn hành quý I năm 2000, người ta thấy có nhiều bài viết của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam (trong đó có cả của cụ Nguyễn Tuân), song ở phần bìa 1 lẫn ruột sách chỉ thấy đề mỗi tên tác giả là L.V.Y..

Sau khi vụ việc được báo chí phản ảnh, ông L.V.Y. đã lên tiếng giải thích, đại thể là NXB đã sơ suất không đề thêm mấy chữ "sưu tầm và biên soạn" dưới tên ông. Ở chỗ này, ông L.V.Y. có phần "khôn" nhưng chưa được "ngoan", bởi chẳng cần đọc Luật Xuất bản thì bất cứ người cầm bút nào cũng đều hiểu rằng, một khi anh đưa in tác phẩm của tôi trong tập sách "biên soạn" của anh, trước nhất anh phải xin phép tôi, rồi khi sách in ra, anh phải ghi tên tác giả, phải trả nhuận bút. Có đâu chỉ đề mỗi tên mình kèm mấy chữ "sưu tầm, biên soạn" là duỗi được tất cả? Rõ ràng, cách giải thích của ông L.V.Y. cho thấy có những điều ông vẫn còn... đãng trí quá! 

2 năm trước đây, dư luận cũng từng một phen xôn xao trước việc nhà thơ trẻ P.H.T. bị cáo buộc đạo văn (copy nội dung bài viết của tác giả Đặng Tiến và một đôi người khác về nhà thơ Thanh Tâm Tuyền để in vào poster giới thiệu nhà thơ này tại Văn Miếu, Hà Nội trong Ngày Thơ Việt Nam lần thứ V, dưới bài viết đề tên tác giả P.H.T.).

Theo một bài phỏng vấn in trên Báo Gia đình & Xã hội số ra ngày 20/3/2007 thì nhà thơ P.H.T. đã có lời xin lỗi tác giả Đặng Tiến và những người liên quan. Chị cho rằng việc làm của mình "thật đáng xấu hổ", "nó làm tổn hại đến tư cách đạo đức của một nhà thơ".

Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là xin lỗi thì xin lỗi vậy song P.H.T. không xem việc làm nói trên của mình là "đạo văn", mà đó "chỉ là công tác sưu tầm". Và chị giải thích: "Trong tài liệu sưu tầm của tôi (về Thanh Tâm Tuyền - TG) gửi lên Hội Nhà văn tôi có ghi rõ nguồn gốc và tên của từng tác giả. Tôi chỉ là người đi sưu tầm, giới thiệu, còn việc trình bày nó như thế nào là ngoài tầm kiểm soát của tôi".

Có thể hiểu P.H.T. muốn chuyển lỗi này sang phía những người đã biên tập và cho in lên poster về Thanh Tâm Tuyền bài "sưu tầm" của chị. Chung qui sự sơ suất của chị chỉ là do không "kiểm soát" (tức là không để ý tới những gì in trên nội dung poster nói trên, kể cả việc nó ghi tên mình thay vì phải ghi tên tác giả Đặng Tiến).

Cách đây hơn một năm, trên trang web của Hội Nhà văn Việt Nam có tải lên bài "Đạo văn - có gan ăn cắp, không có gan chịu đòn" của tác giả Hoàng Quảng Uyên nêu vụ việc một tác giả trẻ tên là L.T.P.N. đã đưa in trên báo một bài thơ ký tên mình, mà theo Hoàng Quảng Uyên thì nó vốn là bài thơ của nhà thơ Lò Hưởng Ninh. Nhà thơ Lò Hưởng Ninh sau khi biết vụ việc đã gửi thư "hỏi" tác giả trẻ. Tác giả trẻ viết thư mong ông thông cảm.

Trong thư, cô đã giải thích vụ việc một cách hết sức đơn giản: "Mẹ chồng của cháu là người rất yêu thơ và bà thuộc rất nhiều thơ. Không hiểu vì lý do gì, có lẽ bà rất thích bài thơ này của bác và bà đã thuộc. Và trong khi làm thơ, bà nhớ lại theo trí nhớ của tuổi già nên đã chuyển bài thơ của bác thành tác phẩm của mình và nhờ cháu gửi vì nghĩ rằng tên của cháu đã "quen" nên dễ đăng hơn". Không biết nhà thơ Lò Hưởng Ninh nghĩ gì về lý do mà cô tác giả trẻ nọ đưa ra. Chẳng lẽ với tư cách của một người sẵn sàng để mẹ lấy tên mình cho bài thơ dễ in (nếu sự thể đúng như điều cô nói), lại đáng để ta tin câu chuyện ngớ ngẩn (một bà mẹ "nhớ nhầm" thơ người khác thành ra của mình) hay sao?

Trong bài "Nguồn gốc văn hóa của đạo văn" in trên Văn nghệ Công an cách đây ít lâu, nhà văn Ngô Tự Lập đã kể câu chuyện khi anh chấm bài cho sinh viên một trường nghệ thuật, anh rất khó xử khi nhận thấy "hầu hết các em đều chép hoặc lấy sát ý từ các nguồn trên Internet mà không hề có chú thích" và "Một trường hợp điển hình xảy ra ở Dự án điện ảnh do quỹ Ford tài trợ ở Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội. Một trong những sinh viên giỏi nhất đã lấy bài tiếng Anh trên mạng, dịch ra tiếng Việt và "hồn nhiên" nộp cho giáo viên".

Thế mới biết, nhận xét của ai đó: Đạo văn "phát hiện dễ, xử lý khó" quả là có lý. Bởi chỉ với lý do "không nhớ", "không để ý", "có sự nhầm lẫn đâu đó" là dường như mọi việc, dù nghiêm trọng đến mấy trước sau cũng lại được... cho qua!

Bảo sao chuyện đạo văn cứ ngày càng tái diễn

Phạm Thành Chung
.
.
.