Đạo làm thầy, đạo làm học trò

Thứ Hai, 21/11/2005, 07:00
Ai từng có một thời cắp sách, dẫu là nguyên thủ quốc gia, là bác học hay là ai đi nữa đều có những người thầy. Vậy thì dù bận bịu đến đâu, dù đang đạt tới đỉnh vinh quang nào, đến ngày 20/11, hãy đến chúc mừng thầy ta, ta sẽ biết mình mãi mãi là học trò. Mà học trò phải biết tôn sư trọng đạo, biết sự học là khôn cùng…

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hàng năm từng được gọi bằng cái tên thật trang trọng: Ngày Hiến chương các nhà giáo. Có thể hiểu theo truyền thống là ngày tôn vinh nghề dạy học trên toàn thế giới. Chẳng biết học trò các nước thể hiện tình cảm với các thầy cô giáo của mình thế nào, nhưng ở ta suốt từ ngày thành lập nước đến nay, dẫu cách hiểu có lúc khác nhau, nhưng dường như các học trò và thầy cô đều coi ngày 20/11 như một ngày hội.

Từ thành phố đến ở quê, lớp lớp các học trò kéo nhau từng đoàn đến chúc mừng, tặng hoa thầy giáo. Quê tôi ngày xưa nghèo, chưa trồng hoa thì các em biếu thầy cô quả chín, thường là dăm ba quả cam mọng nước hái ở vườn nhà. Đến bây giờ vẫn nguyên trong tôi hình ảnh lũ trẻ con lớp 4, lớp 5 của tôi xin tiền bố mẹ, gom lại, dắt nhau đi bộ thành một hàng dài trên triền sông háo hức tìm đến nhà cô giáo.

Thường ngày thì nghịch như quỷ sứ, vậy mà khi ngồi trước cô giáo thì đứa nào đứa nấy cứ co ro, rụt rè ngồi khép nép, không đứa nào dám nói một câu cho ra hồn. Bao nhiêu năm nay cũng chỉ có vậy mà thôi. Mà ngày ấy, chỉ có học sinh đến chúc mừng thầy cô giáo, thật hiếm các phụ huynh đi cùng, bởi các bậc bố mẹ, anh chị lại đến chúc mừng thầy cô của mình. Và như thế, bỗng có một ngày cả nhà đều trở về người học trò nhỏ của một thầy cô giáo cụ thể trong đời… Giản dị lắm mà cũng sâu sắc lắm!

20-11 năm nay, Hà Nội trời trở rét dường như muốn thử thách tình cảm đạo làm trò trong cảnh giao thông chật chội, đại dịch cúm gia cầm đang rập rình đe dọa. Vậy mà khắp Hà Nội hoa nhiều ơi là nhiều, nhiều loại hoa đẹp lắm, người mua cũng nườm nượp. Tôi thấy lòng mềm lại sau một ngày làm việc căng thẳng khi bắt gặp từng đoàn học trò với mấy cháu gái dừng xe đạp ghé tai nhau "hội ý" mặc cả bó hoa tươi nơi hè phố.

Ngày 19/11, tôi đến xin gặp phỏng vấn cụ Vũ Đình Hòe, 94 tuổi, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên của Việt Nam, lại bắt gặp cảnh các học trò của cụ Hoè thời trường tư thục Thăng Long và Gia Long Hà Nội xưa lập cập mang hoa tươi đến chúc mừng thầy. Cụ Hòe là "trí thức cũ" xuất phát từ lò Đại học Luật của Pháp, dạy trường tư từ trước năm 1945, học trò của cụ bây giờ cũng đã thất thập, bát thập thuộc diện "xưa nay hiếm" mà vẫn "săn tin" biết thầy mình từ Tp.HCM vừa ra Hà Nội nên vội vã đến chúc mừng. Tôi ngồi "nghe lỏm" câu chuyện giữa họ, thấy thầy Hòe vừa nghiêm cẩn, mực thước và bao dung, lại thấy người "học trò già" vẫn lễ phép, lời thưa trong sáng, rõ ràng toát lên sự tôn kính.

Tôi cũng đến chúc mừng thầy giáo dạy đại học của tôi ở Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp, nay là Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia) Hà Nội. Ở vào cái tuổi xấp xỉ 50, tôi lại được ngồi nghe thầy kể câu chuyện, vào năm 1980, thầy do làm việc quá sức ngã bệnh phải đi cấp cứu, các sinh viên lớp tôi đã đi chăm sóc thầy thế nào ở bệnh viện Xanh Pôn. Thầy bảo ơn nghĩa ấy không thể nào quên và hỏi thăm từng đứa trong 22 sinh viên lớp ngôn ngữ học K23 chúng tôi ngày ấy.

Hỏi chuyện về trường, thầy tôi cho tôi xem bài báo thầy viết với tư cách học trò về kỷ niệm những ngày ở Mỹ giữa thầy với vợ chồng Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn - Nonna Stankievich… Tôi hiểu lúc này thầy tôi đang nhớ mình là người học trò khi nghĩ về các thầy cô giáo từng dạy dỗ mình. Và cứ thế, đến thăm thầy nhưng câu chuyện của chúng tôi lại nhớ về nhiều thầy cô giáo khác; cũng trong ngày 20/11, khi chúng tôi đến chúc mừng thì nhiều thầy cô vắng nhà vì lại đang đi chúc mừng các thầy giáo cũ…

Ngày Hiến chương các nhà giáo tất nhiên là để tôn vinh đạo làm thầy. Tôi quả quyết rằng, những ngày kỷ niệm thiêng liêng của một nghề, cũng như ngày 20/11 sẽ không một ai, không một thầy cô giáo chân chính nào thoáng nghĩ đây là ngày để "hái lộc". Vậy mà cũng thật tủi thân, có một trường học nọ ở Thủ đô đã đưa ra một khuyến cáo, dịp 20/11 năm nay đề nghị các em học sinh không đến nhà thầy cô đang dạy mình mà chỉ nên đến chúc mừng các thầy, cô giáo cũ. Tôi giật mình nghĩ, không biết dư luận xã hội gây áp lực gì mà để các thầy cô đưa ra một khuyến cáo "tự xử" xa lạ như vậy.

Một năm chỉ có một ngày lễ tôn vinh người thầy, ở xa thì gọi điện thoại, gần thì đến tặng hoa chúc mừng thầy, cũng là một hình thức được hưởng thụ tình cảm thiêng liêng của một thời ta đang sống. Ta quần quật cả năm, bỗng một ngày được dừng lại, rủ nhau đến thăm thầy, được ôn lại kỉ niệm, được biết trường xưa bạn cũ giờ này ra sao qua chiếc cầu nối là người thầy. Không ai đi chúc mừng thay cho ai. Mỗi người đến chúc mừng thầy nhân ngày Hiến chương các nhà giáo để nhớ rằng mình từng là học trò.

Ai từng có một thời cắp sách, dẫu là nguyên thủ quốc gia, là bác học hay là ai đi nữa đều có những người thầy. Vậy thì dù bận bịu đến đâu, dù đang đạt tới đỉnh vinh quang nào, đến ngày 20-11, hãy đến chúc mừng thầy ta, ta sẽ biết mình mãi mãi là học trò. Mà học trò phải biết tôn sư trọng đạo, biết sự học là khôn cùng..

.
.
.