Đạo diễn trẻ Đức Thịnh và cánh đồng vẫn gió…

Thứ Năm, 23/08/2007, 11:15
Đêm đầu Liên hoan sân khấu xã hội hóa lần I tại TP HCM tháng 10/2006, tên vở khai cuộc thật gợi: Cánh đồng gió đã thực sự như làn gió mát lành, thổi từ cánh đồng Phương Nam ngập nắng...

Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam kỷ niệm 50 năm tuổi của mình bằng một chương trình lớn, với những trích đoạn của vở diễn tiêu biểu của ba vùng văn hóa Bắc - Trung - Nam, từ ngày 17 đến 23/8, tại Nhà hát Chèo Kim Mã.

Khi trả lời phỏng vấn của tôi về 50 năm nghệ thuật đạo diễn, NSND, tổng đạo diễn Doãn Hoàng Giang lại vui vẻ nói về đạo diễn trẻ ở TP HCM: Tôi rất thích thế hệ thứ tư đang trưởng thành trong sân khấu xã hội hóa của TP HCM. Tôi gọi họ là những huấn luyện viên trẻ, đầy tiềm năng của các đội bóng xã hội hóa.

Họ đã thành công trong chiến lược phát triển khán giả bằng vở diễn với ngôn ngữ đạo diễn trẻ trung, táo bạo. Đó là Lê Quý Dương với Huyền thoại cuộc sống, Vũ Min với Trái tim nhảy múa, Thái Hòa với Người vợ ma, Công Ninh với Ra giêng anh cưới em, Ái Như với một chuỗi vở của Idecaf, và đặc biệt, Đức Thịnh, vở Cánh đồng gió.

Và tôi nhớ lại:

Đêm đầu Liên hoan sân khấu xã hội hóa lần I tại TP HCM tháng 10/2006, tên vở khai cuộc thật gợi: Cánh đồng gió. Trái với thông lệ, trên pano, Đức Thịnh, đạo diễn trẻ là tên mới, chưa quen mắt khán giả TP HCM, và chưa được "đảm bảo bằng vàng" bởi uy tín lâu năm. Nhưng vở diễn đã thực sự như làn gió mát lành, thổi từ cánh đồng Phương Nam ngập nắng.

Hình như đã lâu, ta mới gặp lại một tình tự Nam Bộ thật ấm lòng trên cánh đồng gió thổi nhiều đến thế. Gió từ cánh đồng lúa dào dạt chín vàng, gió từ kênh rạch lồng lộng, gió từ cầu tre lắt lẻo gập ghềnh, gió nâng cánh diều xanh bay lên và gió từ số phận 5 nhân vật chính của Cánh đồng gió... cứ thổi mãi, thổi mãi.

Thật độc đáo, khi Đức Thịnh một mình đóng hai vai "rưỡi" trong vở này: Vai cha ruột bé Bì trên sàn diễn; sau cánh gà, là đạo diễn, và cùng viết kịch bản Cánh đồng gió với Hoàng Linh Hương.

Sau vở diễn, trò chuyện bên ly cà phê Sài Gòn ở quán nhỏ gần hồ Con Rùa, Đức Thịnh nhắc lại thuở mới tốt nghiệp Khoa Diễn viên, Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP HCM, rơi ngay vào "bi kịch không vai". "Vai kịch nhỏ còn chẳng kiếm ra, nói chi đến điều cao xa: đạo diễn".

Nhà Thịnh có 12 anh em, cha mẹ gốc Bắc, không ai máu mê sân khấu ngoài Thịnh. Ráng ăn dầm nằm dề với sân khấu một thời gian dài, rốt cuộc, Thịnh cũng có vai. Thường là vai nhỏ. Vai hài trong tiểu phẩm hài. Điều oái oăm: vai hài của Thịnh lại có duyên, được khán giả mến mộ nhất.

Từ diễn hài, Thịnh hiểu ra một nghịch lý sân khấu trong hai thành ngữ dân gian thâm thúy: Khóc lên tiếng cười và… Cười ra nước mắt. Đây cũng là bài học về nghề đạo diễn mà Đức Thịnh học được từ hàng ghế khán giả Sài Gòn (mà Thịnh coi là "dễ thương nhất nước") và khi xem kịch chỉ muốn khóc, cười cho thật đã!

Nhưng Thịnh còn muốn đẩy những cảm xúc của người xem lên cao: cười trong khóc và khóc trong cười. Hơn nữa, buộc khán giả phải… lai rai suy ngẫm về nhân tình thế thái.

Ém nhẹm cả vai người viết, đạo diễn dàn dựng và một vai trong Cánh đồng gió, Đức Thịnh sắm vai Long, cha của bé Bì tật nguyền (trí não dừng phát triển, luôn "chậm một nhịp" so với trẻ bình thường). Long là con trai má Năm (Hồng Vân sắm vai), do bị cưỡng hiếp mà ra đời. Bí mật này một mình ông Tám hàng xóm (Bảo Quốc) biết, giữ kín trong lòng, bao năm chờ bà Năm nguôi ngoai nỗi đau, rồi bằng lòng làm vợ, là ông thỏa nguyện.

Con mắt thông minh của Đức Thịnh đã phát hiện năm nhân vật trong kịch bản là năm nỗi đau trên cánh đồng Nam Bộ đầy gió, tạo thành một tứ truyện giàu chất thơ và một cấu trúc ngũ hành độc đáo. Hai cặp tình nhân: Ông Tám và bà Năm tựa cặp đôi Thủy - Hỏa. Long và người yêu là cô nhà báo (Vân Anh thủ vai) tựa cặp Mộc - Kim. Điều tiết cả hai cặp đôi châu trần quanh mình, chính là nhân vật bé Bì (Thanh Thúy), với vị trí hành Thổ.

Đức Thịnh đã giải bài toán đạo diễn này bằng cách cho hai cặp đôi Bảo Quốc - Hồng Vân, Đức Thịnh - Vân Anh luôn chuyển động diễn xuất hướng về vai diễn chính của Thanh Thúy. Từ phát hiện này, Đức Thịnh chọn trúng cho Cánh đồng gió một cách kể chuyện thích đáng: Chân phương, giàu chi tiết, đậm đặc chất điện ảnh, với kết thúc lãng mạn và có hậu.

Cách này và cả cái kết thúc nữa, đã tự nhiên đòi các diễn viên phải diễn chân thật, tung hứng qua lại uyển chuyển. Kết quả nhỡn tiền: Vai bé Bì là sáng tạo bất ngờ của Thanh Thúy và là một phát hiện của Liên hoan sân khấu xã hội hóa về nghệ thuật diễn xuất chân thực, sống động của một diễn viên trẻ.

Cặp diễn viên chuyên nghiệp Bảo Quốc - Hồng Vân hồn nhiên diễn xuất, đã làm nền rất tốt cho Thanh Thúy và cặp đôi Đức Thịnh - Vân Anh. Cánh đồng gió được nhận giải thưởng duy nhất và cao nhất về vở diễn trong Liên hoan gồm hơn hai chục vở diễn "xã hội hóa" này.

Thành công về đạo diễn trong Cánh đồng gió đã tạo sức bật cho Đức Thịnh phát triển mới cả về nghề nghiệp lẫn cuộc đời. Cặp diễn cha con Đức Thịnh - Thanh Thúy ngày nào trong Cánh đồng gió, nay cùng thành danh trong sân khấu lẫn điện ảnh, và sắp kết đôi uyên ương ngoài đời.

Theo Báo Thanh Niên (ngày 14/8/2007), họ đã chung tay lập Công ty Cánh đồng gió, là đầu mối chuyên cung cấp kịch bản cho các đoàn kịch và các hãng phim. Thanh Niên bình luận: "Mô hình này đang rất cần thiết trong bối cảnh các sân khấu và hãng phim nở rộ, rất thiếu kịch bản hay".

Song, sự khỏe mạnh của làn gió "xã hội hóa" trên cánh đồng sân khấu TP HCM không chỉ nảy sinh một Đức Thịnh, mà đã sinh ra cả một thế hệ đạo diễn trẻ tiếp nối đàn anh. Không thể không nhắc đến đạo diễn Thái Hòa, cùng lứa với Thịnh, đang làm khuynh đảo sân khấu Sài Gòn, với vở Người vợ ma.

Khác Đức Thịnh, Thái Hòa ưa ngôn ngữ đạo diễn mạnh, đập thẳng vào trực giác người xem. Dù không phải là đạo diễn mở màn cho chuyện kinh dị lên sân khấu TP HCM, nhưng Người vợ ma của Thái Hòa đã thỏa mãn… tới bến một loại cảm xúc tưởng đã bị đóng băng trong người xem: Cảm giác hồi hộp, sợ hãi căng thẳng đến nghẹt thở khi xem kịch kinh dị. Cho nên, dù đã hơn nửa năm trình diễn, mà vở diễn vẫn ngùn ngụt khách.

Thế mới biết, cặp Đức Thịnh - Thái Hòa là cặp đôi đạo diễn trẻ sáng giá nhất, không chỉ của sân khấu Phú Nhuận của NSƯT Hồng Vân, mà là của chung sân khấu xã hội hóa TP HCM…

Trên nền cảnh "xã hội hóa", có lẽ mỗi tập đoàn sân khấu xã hội hóa ở TP HCM đều tìm cách phát hiện và sở hữu những đạo diễn trẻ đầy triển vọng như Đức Thịnh, Thái Hòa. Idecaf cũng là một trong những mô hình như thế.

Có thể nói, Ái Như và Thành Hội, Thành Lộc, Vũ Minh, nhất là Vũ Minh, cùng lứa Đức Thịnh, Thái Hòa, đang là một đối trọng cạnh tranh lành mạnh về nghệ thuật đạo diễn. Những con sông này đang cùng chảy một dòng xã hội hóa và đang hứa hẹn những bước chuyển ngoạn mục về nghệ thuật đạo diễn của thế hệ thứ tư ở TP HCM…

Nguyễn Thị Minh Thái
.
.
.