Đạo diễn Vương Đức: Nếu không nói thật thì… im lặng

Thứ Ba, 28/03/2006, 07:55

“Việt Nam làm gì có thị trường điện ảnh, 60 rạp chiếu phim cho hơn 80 triệu dân, truyền hình mua phim truyện nhựa phát sóng giá 10 triệu, đĩa lậu dìm chết đĩa phim xịn. Đọc toét mắt gần 200 kịch bản để Hội Điện ảnh tài trợ tiền mà chưa có cái nào khá. Không kịch bản hay thì không có phim hay. Tôi chỉ nói sự thật thôi, nếu sự thật ấy không nói được thì đành… im lặng”, đạo diễn Vương Đức nói.

- Điện ảnh Việt Nam lại vừa qua một mùa vụ với bộn bề dư luận khen chê. Anh từng nói, cứ nhìn ban giám khảo nào sẽ biết phim của ai được giải, năm nay anh cũng đi "soi" phim người khác, giám khảo "Cánh diều 2005" thì sao hả anh?

- Là một ban giám khảo phức tạp nhất tôi từng thấy. Trước khi bước vào chấm, Hội đồng nghệ thuật của Hội đã họp, chúng tôi lấy tiêu chí giải năm nay là sự tìm tòi, phát hiện và nâng cao sự sáng tạo trong nghề nghiệp. Tôi làm giám khảo phim truyền hình, thấy rõ những điểm yếu của các đạo diễn trong dàn dựng. Còn phim truyện nhựa thì…

- Cánh diều vàng phim truyện nhựa cuối cùng đã dành cho "Chuyện của Pao", bằng sự khách quan của một khán giả nhà nghề, anh thấy phim này thế nào? Phải chăng, Ban giám khảo là những người lớn tuổi, trọng văn chương và đặc biệt duy mỹ, nên đã chấm cao cho phim này mà quên mất rằng nó cũng còn rất nhiều thiếu sót?

- "Chuyện của Pao" cũng khá lạ, quay đẹp và điểm mạnh của nó chính là một lối kể chuyện dung dị, mạnh ở đề tài miền núi và mạnh ở chủ đề tư tưởng nói lên khát khao giải phóng cá nhân. Nhưng tôi quan niệm, điện ảnh thì phải chân thực đến tận cùng, mà xem phim này tôi thấy bối cảnh chưa đậm đặc bản sắc Mông, nó vẫn… miền xuôi quá, câu chuyện kể cũng vậy. Và phim này rất yếu về văn học, nó thiếu đi kịch tính và thiếu đi nhiều số phận, hoàn cảnh éo le đến tận cùng. Phim đơn giản quá. Nên tôi thấy nó không xuất sắc như giải thưởng mà nó nhận được. Phim của Bùi Thạc Chuyên chững chạc hơn nhiều.

- Điều đã xảy ra tại giải thưởng lần này là bộ phim "Sống trong sợ hãi" giành tới 5 giải cá nhân quan trọng mà lại không giành giải phim xuất sắc, có bất thường không anh?

- Chuyện bình thường. Tôi nhớ có lần LHP Việt Nam, phim của tôi 6 giải cá nhân mà cũng chỉ đoạt Bông sen bạc.

- Tôi thì thấy chuyện này chỉ có ở Việt Nam thôi anh ạ...

- Thì chỉ có ở Việt Nam mới có rất nhiều chuyện phi logic gán ghép vào nhau vẫn thành chuyện bình thường.

- Cánh diều vàng năm nay đánh dấu sự thất bát của Hãng phim truyện Việt Nam vì Ban giám đốc không có bất cứ động thái nào cho việc "vận động tranh giải". Bằng chứng là "Đường thư" mang đến nhiều kỳ vọng cũng chỉ được một đề cử và ra về tay trắng...

- Sau đêm trao giải, anh em trong Hãng bảo tôi, ông từ chức đi, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật mà để 5 phim tranh giải của Hãng phim truyện Việt Nam không được nổi một cái giải tử tế. Đúng là phim "Đường thư" tôi đặc biệt thích, vì Bùi Tuấn Dũng làm một bộ phim chiến tranh chỉ có vài trăm triệu đồng, bị sang tay từ một đạo diễn khác. Cái quan trọng nhất là một bộ phim mới lạ về hình thức và sự ấm áp, hồn nhiên đẹp vô cùng của Dũng - một đạo diễn trẻ - nhìn về chiến tranh và thế hệ cha anh mình. Nhưng nó đã không được đối xử công bằng.

Tôi có động viên anh em trong Hãng, chẳng lẽ vì một mùa giải thất bát mà chúng ta mất đi niềm kiêu hãnh của số 4 Thụy Khuê, chúng ta sẽ đi vận động hành lang sao? Những bộ phim hay của chúng ta vẫn còn ở phía trước cơ mà…

- Theo anh đâu là hướng đi của điện ảnh Việt Nam trong những năm tới, khi mà các hãng phim tư nhân đã dần mạnh lên, hãng Nhà nước mất tiền tài trợ, sự cạnh tranh không cân sức này sẽ đưa điện ảnh Việt Nam đến đâu?

- Vẫn chất chồng khó khăn đấy. Nhưng tôi nghĩ, cái gì chìm xuống sẽ phải có cách vươn lên, nếu không nó sẽ chết. Điện ảnh chúng ta có chết không? Chắc là không rồi, nhưng mà chưa phát triển được, vì nó cần một cái nhìn dài lâu của những người hoạch định chiến lược văn hoá. Còn chúng tôi, một hãng phim Nhà nước, cũng đang kết hợp với đối tác Pháp xây dựng hệ thống rạp và phát hành phim riêng của mình.

- Anh từng thốt lên đầy cay đắng rằng: "Tôi chịu làm ba kiếp chó để làm phim: kiếp chó thứ nhất là chạy vạy cho kịch bản được duyệt, kiếp chó thứ hai là xin kinh phí làm phim, kiếp chó thứ ba là làm phim xong thì chẳng ai thèm xem…". Bây giờ anh đã làm lãnh đạo rồi, anh thấy những tiếng kêu xưa có còn đúng?

- Rất tiếc là vẫn còn đúng. Đạo diễn bây giờ muốn làm phim bởi những kịch bản mình ưng ý vô cùng khó. Cả Nhà nước lẫn tư nhân đều thế, làm xong rồi vẫn cứ thấy mông lung…

- Có lần anh nói rằng, phim anh làm dành cho những người có chữ. Nhưng tôi cho rằng, người "có chữ" và không "có chữ" đều có quyền được xem phim. Thế nên có cần định kiến với dòng phim giải trí nhẹ nhàng phục vụ số đông công chúng hay không?

- Đừng hiểu sai ý tôi. Tôi nói rằng mỗi bộ phim làm ra cần nhắm rõ đích đến của mình, nghĩa là phục vụ khán giả nào. Tôi không kỳ thị, cũng không phải cáo chê nho xanh đâu.

- Phim thương mại cũng rất cần làm ở nghệ thuật đỉnh cao và phim nghệ thuật cũng rất cần bán được vé, cần khán giả. Nhìn lại 1 năm điện ảnh Việt Nam qua "Cánh diều vàng", anh thấy cái thương mại và cái nghệ thuật của ta như thế nào?

- Không thể võ đoán được khi chúng ta chưa có những cuộc điều tra cụ thể về phim thương mại cũng như phim nghệ thuật, nghĩa là chúng ta chưa biết khán giả cần gì và ta đang ở đâu.

- Hỏi thêm anh chuyện này, hình như Hãng phim truyện Việt Nam gần đây đang bị cuốn vào phim "Lý Công Uẩn" mà quên các kế hoạch khác?

- Cuốn vào… vòng rắc rối thì đúng hơn. Người ta viết về cái dự án này có khi in thành sách rồi, mà đến giờ vẫn chưa đâu vào đâu cả. Nhà biên kịch Thiên Phúc và đạo diễn Đỗ Minh Tuấn (cùng biên chế Hãng phim truyện Việt Nam - PV) lại đang tính chuyện kiện nhau về chuyện bản quyền cái kịch bản này. Nghệ sỹ mà, khó thế đấy…

- Dự án này cũng đang cuốn các đạo diễn vào một cuộc chơi công phu nhưng cũng không kém phần… "xương xẩu". Anh có là ngoại lệ không?

- Không. Tôi mua cả triệu tiền sách sử, đọc toét cả mắt, đi gặp các thiền sư hỏi đủ chuyện để chuẩn bị viết kịch bản đạo diễn, vì Hội đồng thẩm định dự án nói sẽ có tiền tài trợ. Nhưng rồi, bây giờ thì lại bảo không có. Thế nên chắc là cũng khó đây…

- Chúng ta đã bước vào năm 2006, nghĩa là chưa đầy 4 năm nữa đã là 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Bây giờ lình xình chuyện kịch bản với đạo diễn thế này, liệu có kịp dịp kỷ niệm không anh?

- Không thể kịp, nếu giữ đúng quy mô dự án ban đầu. Điều đáng tiếc nhất là có thể dự án sẽ bị huỷ bỏ, vì không tìm được phương án khả thi…

- Nghe như chuyện đùa ấy anh ạ, tốn kém lắm rồi và cũng gấp gáp lắm rồi...

- Thì tôi vẫn biết thế. Nhiều người bảo chúng ta chưa đủ khả năng làm phim lịch sử thì chưa nên làm. Nhưng đến bao giờ chúng ta sẽ đủ khả năng? Không đi làm sao tới, không làm sao rút được bài học?

- Nhưng nếu đạo diễn của chúng ta không đủ tài năng thì phim sẽ rất tệ, mà tiền thuế của dân chứ đâu có phải là tiền chùa?

- Thì mời đạo diễn nước ngoài, chúng tôi đâu có tự ái.

- Vâng, vậy xin hỏi anh câu cuối, có phải từ ngày lên chức Phó Giám đốc Nghệ thuật Hãng phim Truyện Việt Nam, anh đã xao nhãng thiên chức của ông đạo diễn quyết liệt bảo vệ từng chi tiết phim của mình? Khán giả sẽ không nhớ anh đâu, nếu anh không buộc họ phải nhớ bằng một sự xuất hiện mới mẻ. Mà hình như sau "Của rơi", anh im lặng quá lâu rồi…

- Đúng là từ ngày lên quản lý tôi bận hơn nhiều, mất 50% thời gian vào đọc các văn bản, giấy tờ, sách vở, kịch bản, rồi họp hành liên miên. Nhưng nếu đạo diễn mà ngừng làm phim 5 năm nghĩa là anh ta trở lại làm phim đầu tay. Tôi không muốn làm phim đầu tay ở tuổi này nữa. Tôi đang ấp ủ một bộ phim mới, nhưng số tôi nó lận đận, nói trước bước không qua...

Toàn Nguyễn
.
.
.