Đạo diễn Vũ Hồng Sơn: Chọn môi trường sinh viên Cảnh sát để truyền thông điệp sống chuẩn

Thứ Sáu, 08/11/2013, 09:05
Tối 7/11, “Chạm tay vào nỗi nhớ” (tác giả Chu Thanh Hương, đạo diễn Vũ Hồng Sơn) đã lên sóng truyền hình, bắt đầu bộ phim dài 37 tập công chiếu vào giờ vàng trên VTV3. Từng thành công với “Chạy án”, lần này, NSƯT Vũ Hồng Sơn tiếp tục trở lại đề tài người chiến sĩ Công an, nhưng là đạo diễn đầu tiên chọn môi trường sinh viên Cảnh sát để khai thác. Vì thế, khán giả có cơ hội hiểu thêm về cuộc sống, tâm hồn của các chiến sĩ Cảnh sát tương lai, thấy họ thật gần gũi, thân thương khi cũng mang trong hành trang sinh viên những dấu ấn như bất kỳ bạn trẻ nào… Để tìm hiểu về chuyện làm phim, PV Báo CAND đã trò chuyện cùng đạo diễn Vũ Hồng Sơn.

Môi trường sinh viên cảnh sát có những đặc trưng riêng, nên việc phản ánh là không dễ. Vậy lý do gì để ông lựa chọn đề tài này?

ĐD Vũ Hồng Sơn: Tôi rất thích cuốn “Hoa bay” của tác giả Chu Thanh Hương, nhưng khi tôi tìm đến thì bên Công an đã mua bản quyền rồi. Ban đầu, Hương đề xuất làm phim về sinh viên, nhưng tôi thấy đề tài này sẽ khó vì nhiều phim tạo đã được dấu ấn rồi. Sau đó chúng tôi đã bàn bạc và “Chạm tay vào nỗi nhớ” ra đời. Đây là một đề tài hay, không chỉ về tính đặc thù của sinh viên Cảnh sát, mà còn nói về tình bạn, tình yêu, tình đồng đội. Tôi muốn đưa đến những quan niệm sống chuẩn, nên đặt vào môi trường sinh viên Cảnh sát là phù hợp, chưa đưa vào môi trường khác, người ta sẽ thấy là cố tình. Hơn nữa, nếu là cuộc sống của sinh viên trường ngoài thì tôi không có điều kiện đưa vào những vụ án. Bởi, việc phản ánh họ tham gia phá án hay giúp đỡ những người phá án, bằng trí thông minh, góp phần tạo nên sự hấp dẫn cho phim từ đầu đến cuối.

Ban đầu, tên phim là “Sinh viên Cảnh sát”, nhưng nếu để thế sẽ “bó” chúng tôi về sau. Vì ý tưởng của chúng tôi là sẽ còn làm tiếp seri phim, như phần 2 của bộ phim, với việc phản ánh các sinh viên đã ra trường, trưởng thành rồi về các nơi công tác, có sự “va chạm” ở đơn vị và chính điều đó mới có nỗi nhớ đi theo.

Đạo diễn Vũ Hồng Sơn.

Sinh viên trong trường Cảnh sát có nhiều đặc trưng riêng. Vậy khi làm phim ông có gặp khó khăn gì?

ĐD Vũ Hồng Sơn: Tôi đã làm nhiều phim về Cảnh sát, nên kinh nghiệm hỗ trợ cho tôi nhiều khi làm phim. Từng làm việc với Cảnh sát điều tra, Cảnh sát trại giam, nên tôi có kha khá kiến thức về tâm lý con người, tâm lý tội phạm, để xử lý trong phim như tội phạm không phải hiện ra rõ ràng ở dáng vẻ, mà nhiều khi trông rất bình thường. Tuy nhiên, làm phim về sinh viên nên cũng nhiều sức ép và khó khăn. Phim phải đưa đến cho người xem cái gì mới, là điều đòi hỏi chúng tôi phải tìm ra và đi vào. Đó là cuộc sống sinh viên Cảnh sát nhưng không khô cứng, mà cũng có cả những tính xấu “nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò”… và họ đã được rèn luyện thế nào!

Việc lựa chọn các diễn viên cho phim là một công việc khá nặng. Có diễn viên đến phút bấm máy mới tuyển được. Phim đông hơn 100 người, nhiều người chưa từng đóng phim, đến từ nhiều trường, nên tôi phải theo dõi sát sao để phải uốn nắn từ những điều nhỏ nhất, giúp các bạn diễn xuất tốt nhất. Nhưng chính sự hồn nhiên của các bạn lại “cứu” những chỗ diễn chưa thật tốt.

Bên cạnh đó, đây cũng là bộ phim có nhiều cảnh hành động, dù tôi đã “giấu” bớt đi rồi, bởi ở lĩnh vực này chúng ta không thể làm tốt được như ở nước ngoài. Tôi chỉ làm đủ để người xem thấy được câu chuyện đó dẫn dắt đến cái gì, vì tính gay cấn của câu chuyện đòi hỏi thế, nhưng vẫn còn nhiều cảnh hành động. Từ đầu đến cuối câu chuyện sẽ luôn đi từ bất ngờ nọ đến bất ngờ kia. Vì thế, tôi lo lắng nếu ai không theo dõi đều đặn sẽ không thể hiểu tập sau nói gì.

Việc nghiên cứu sâu về tâm lý của sinh viên Cảnh sát cho ông thấy có sự khác biệt với sinh viên các trường ngoài?

ĐD Vũ Hồng Sơn: “Chạm tay vào nỗi nhớ” chỉ phản ánh cuộc sống của sinh viên Cảnh sát năm thứ nhất, nên họ cũng không có gì khác biệt so với sinh viên trường khác. Họ cũng vừa rời ghế nhà trường, cũng đem theo tất cả những cái đã có ở phổ thông như mọi bạn sinh viên khác. Họ cũng có tâm lý chống đối nhiều khi đang tự do lại bị bó vào khuôn khổ. Phim chỉ gói trong năm đầu của sinh viên, khi tâm lý các em chưa hoàn thiện, còn từ năm thứ 2 trở đi thì tâm lý các bạn ổn định rồi.

Cuộc sống của sinh viên trong môi trường Cảnh sát không khô cứng như nhiều người nghĩ, mà khi bước chân vào trường, nhiều người cũng chưa chuẩn, phải qua một quá trình rèn luyện vô cùng khó khăn và đặc biệt của nhà trường, họ mới trưởng thành. Có sinh viên tiềm ẩn tính cách tốt, nhưng họ cố tỏ ra vỏ xù xì bên ngoài như để tóc dài, hay ngang bướng và nhà trường sẽ tìm ra tiềm ẩn trong con người họ, biến đổi để họ đúng là con người thực của mình.

Bối cảnh của phim được quay trong Học viện Cảnh sát hay đều là cảnh dựng?

ĐD Vũ Hồng Sơn: Khoảng 1/3 phim quay ở Học viện Cảnh sát. Giám đốc Học viện Cảnh sát - Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm - không chỉ đọc, thẩm định kịch bản giúp chúng tôi, tư vấn về nghiệp vụ trong quá trình thực hiện, mà còn cho mượn khá nhiều địa điểm để quay cũng như toàn bộ quần áo Cảnh sát.

Thông điệp chính mà ông muốn gửi đến khán giả truyền hình?

ĐD Vũ Hồng Sơn: Điều mà tôi và Chu Thanh Hương muốn hướng đến là quan niệm sống của giới trẻ. Bởi hiện trong tình yêu con người sống rất lạnh, nhiều người có cái nhìn lệch lạc về quan niệm sống, như thấy ai giúp đỡ người khác thì cho là dở hơi. Tôi muốn qua bộ phim này nêu được quan niệm sống chuẩn, kể cả trong tình yêu, tình bạn, để mỗi người phải làm sao xứng đáng với cuộc sống của mình, với những người đang gìn giữ bình yên cho cuộc sống. Người ta có thể vấp ngã rất nhiều, nhưng quan trọng là có đủ dũng cảm đứng lên không? Đứng lên như thế nào và có trở thành con người tốt hay không?

Cảm ơn ông!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.