Đạo diễn Quang Huy: “Tôi thích bán sự lạc quan cho khán giả”

Thứ Tư, 19/03/2014, 11:10
Lần đầu làm phim, lại là người chưa từng qua bất cứ trường lớp điện ảnh chuyên nghiệp nào, đạo diễn Quang Huy đã “vượt mặt” hai đạo diễn Việt kiều vốn được yêu thích là Charlie Nguyễn và Victor Vũ để đoạt giải Đạo diễn xuất sắc tại giải Cánh diều với phim “Thần tượng” cùng giải Vàng cho phim. Trò chuyện với đạo diễn về công việc của anh là một mong muốn của nhiều người. Chính vì thế, chúng tôi đã kiên trì để có được cuộc trò chuyện cùng Quang Huy trong những ngày ngắn ngủi ở Hà Nội của anh với dày đặc lịch hẹn.
>> 6 Cánh diều vàng cho “Thần tượng”: Sự bất ngờ đầy thuyết phục

PV: Chọn đề tài về giới showbiz, khi mà Victor Vũ đã từng thành công với “Scandal - Bí mật thảm đỏ”, anh không sợ lặp lại?

Tôi không bị áp lực trong việc chọn đề tài lạ, mới. Một trong những giá trị của phim là người ta xem xong và thấy được sự thật trong đó. Làm phim mà nói một vấn đề mà mình cũng không hiểu thì ai xem? Tôi làm phim đề tài này vì tôi đã trải nghiệm nhiều năm.

PV: Có bao nhiêu phần trăm sự thật trong phim “Thần tượng”?

Không định được phần trăm, nhưng sự thật trong phim là nhiều. Tất cả chất liệu trong phim, kể cả nhiều câu thoại, đều là thật. Tôi đã sống trong nghề đó 20 năm, nên hiểu được suy nghĩ không chỉ của riêng mình, mà của nhiều ca sĩ, nhạc công, nhạc sĩ vv... Mỗi người có một kỳ vọng riêng, nhưng đều có giấc mơ chung là mặt bằng showbiz đẹp lên. Bản thân tôi cũng kỳ vọng điều đó. Khi ấy, sáng sáng mở báo ra không phải là những chuyện giật gân, mà nói về sự sáng tạo, tài năng. Tôi luôn nhìn cuộc sống bằng cái nhìn tích cực. Khi có cơ hội kể về nghề, tôi thích nói về cái đẹp.

PV: Anh có quá táo bạo không khi chọn một dàn diễn viên dù đẹp, nhưng không nhiều kinh nghiệm?

Một trong những yếu tố quan trọng là ekip ăn ý. Hơn nữa, tất cả các vai diễn trong phim của tôi đều là những nhân vật phù hợp với vai diễn. Harry Lu, Hoàng Thùy Linh là ca sĩ, vai vũ sư trong phim do vũ sư đóng, ông may đồ dù chỉ xuất hiện 2 giây cũng là nhà thiết kế thời trang thật, thầy giáo trong phim cũng là thầy giáo ngoài đời… Điều đó tạo cho khán giả sự tin tưởng khi xem phim. Ở nước ngoài, người ta có 6-12 tháng cho diễn viên thực tập vai diễn, nhưng ở ta đâu đủ tiền làm việc đó nên mời ca sĩ đóng vai ca sĩ là tốt nhất. Tôi chọn Hứa Vĩ Văn là vì Văn đã làm ca sỹ, hiểu được cực khổ của ca sỹ. Chọn Cường seven là vì Cường vốn là dân phù điêu xứ Nghệ vv… Diễn viên ăn khách là một chuyện, nhưng nếu đóng không hay thì để làm gì? Họ đóng những câu chuyện của chính họ và mình kể câu chuyện về showbiz thì mình phải hiểu cả những tình tiết rất nhỏ đằng sau.

Đạo diễn Quang Huy.

PV: “Thần tượng” được BGK đánh giá cao khi chuyển tải được những bài học đạo đức một cách nhuần nhuyễn. Anh có được điều đó một cách ý thức hay “vô tình” từ do cách làm phim?

Cả hai. Tôi luôn đề cao cảm xúc trong phim. Bởi với khán  giả, phim làm hết bao nhiêu tiền, họ không quan tâm, mà chỉ cần biết cảm xúc mà phim mang đến. Khi đã chinh phục được cảm xúc của họ, thì muốn nói gì họ cũng mới tin và việc truyền tải những bài học luân lý là đơn giản. Sau khi trao giải, đạo diễn Vinh Sơn gặp tôi và nói rằng, anh rất xúc động khi xem “Thần tượng”. Với tôi, điều đó có ý nghĩa cao hơn giải thưởng.

PV: Khi làm phim, anh có nghĩ mình sẽ được giải thưởng?

Thực ra, tôi hoàn toàn không biết hệ thống giải thưởng phim thế nào. Mà làm phim chỉ vì thích, muốn người xem cũng thấy thích. Tôi làm phim, không phải là một đạo diễn muốn làm phim, mà là doanh nghiệp muốn làm phim, nên chúng tôi không đầu tư theo cảm tính. Tôi chẳng biết mình sẽ được giải thưởng, nhất là không nghĩ phim lại được nhiều giải đến thế. Điều tôi quan tâm là giám khảo xem phim của tôi sẽ thích, dù họ có xem nhiều phim tốt hơn hay như thế nào, thì cảm xúc của họ khi xem phim của tôi vẫn như vậy. Tôi cần điều đó thôi.

PV: Anh có thể chia sẻ về áp lực của nhà làm phim tư nhân?

Tôi xác định cách làm phim, xác định con đường làm nghệ thuật, 5 năm đầu tiên không lỗ là được. Không đặt áp lực phải lãi nhiều nên không cần phải câu kéo ngắn hạn. Đã làm nhiều khảo sát, tôi thấy thị trường giải trí Việt Nam đã tiến bộ nhiều. Cách làm “hàng chợ” đang bị đẩy ra. Chúng tôi chấp nhận cuộc chơi dài, từ từ, kiên định. Áp lực giờ đây với tôi chỉ là duy trì được chất lượng.

PV: Sau thành công này, anh có định làm tiếp?

Chúng tôi đã có kế hoạch 5 năm và tháng 4 này, sẽ bấm máy phim thứ 2. Nội dung sẽ nói về một ca sĩ bị u não và cách anh ta đối mặt với cái chết rất đẹp - xây dựng từ nguyên mẫu ca sĩ Wanbi Tuấn Anh. Tôi thích làm phim mà khán giả xem xong được củng cố niềm tin, vì hiện giới trẻ đang khủng hoảng niềm tin. Làm nghệ thuật, tôi không dám đặt sứ mệnh hy sinh để cống hiến, nhưng nói về cái đẹp một cách thuyết phục sẽ khôi phục được niềm tin. Phim tới đây cũng vậy, tôi muốn phim cân bằng được yếu tố kinh doanh với nghệ thuật. Tôi thích bán sự lạc quan, vì đó chính là nhu cầu tiềm ẩn của khán giả Việt Nam.

PV: Nếu ai đó nói rằng, tính chân thật đã dồn vào “Thần tượng” rồi, liệu các phim khác có còn chân thật và xúc động nữa không?

Trước khi tôi làm phim “Thần tượng”, nhiều người cũng nghi ngờ phim tôi làm sẽ là thảm họa. Chỉ có hai người tin tôi vô điều kiện rằng tôi sẽ làm phim hay, là mẹ và vợ tôi. Bỏ qua giải Cánh diều đi, nói thật sự và tự hào là tôi làm phim đàng hoàng. Còn nghi ngờ phim tới đây, thì với tôi, nghi ngờ lại là chất doping để mình có đủ thận trọng. Nếu mọi người không nghi tôi thì tôi phải tự nghi tôi. Vì nó đi liền với đồng vốn, nếu đầu tư ẩu là hỏng. Không áp lực đổi đề tài, chỉ là đề tài đó nhưng mình nói có hay hay không thôi, nhưng phải sáng tạo. Đó là điều tôi đã xác định trong con đường nghệ thuật.

PV: Cám ơn anh!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.