Đạo diễn Phạm Việt Tùng: Những “cảnh chốt” trong thời khắc lịch sử

Thứ Hai, 04/06/2012, 09:53
“Phải quay bằng được những cảnh chốt làm nền tảng cho phim” – đó là quan niệm của Đạo diễn Phạm Việt Tùng khi nói về những bộ phim đã làm nên tên tuổi của mình.

Sau khi được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, những ngày này, Đạo diễn Phạm Việt Tùng vẫn đang tất bật cùng các đồng nghiệp trẻ ở Đài Truyền hình Việt Nam hoàn thành hai bộ phim về đề tài lịch sử.

Trước khi nghỉ hưu, đạo diễn, Thượng tá Phạm Việt Tùng công tác tại bộ phận Điện ảnh CAND (Cục X15, Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND). Đã ngoại tuổi 70, sức khỏe giảm sút nhưng ông vẫn giữ nguyên niềm đam mê với công việc đạo diễn. Nhiều tư liệu, tác phẩm của ông với những góc nhìn đầy tính sáng tạo, khám phá, đã ghi lại những thời khắc lịch sử của đất nước...

Hai tác phẩm của Đạo diễn Phạm Việt Tùng trong hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước, đều có tiếng vang và nhận được sự quan tâm sâu sắc của công chúng, là bộ phim tài liệu “Hà Nội - Điện Biên Phủ” và “Những người lính xe tăng 390 ngày ấy”.

“Phải quay bằng được những cảnh chốt làm nền tảng cho phim” – đó là quan niệm của Đạo diễn Phạm Việt Tùng khi nói về những bộ phim đã làm nên tên tuổi của mình.

NSƯT, đạo diễn Phạm Việt Tùng (bên phải) cùng với các đồng nghiệp, người thân tại lễ trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT (27/5/2012). Ảnh: Thiện Hoàng.

Cảnh chốt trong bộ phim phim “Hà Nội - Điện Biên Phủ” là hình ảnh  pháo đài bay B52 tan xác trên bầu trời Hà Nội. Nhớ lại 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, Đạo diễn Phạm Việt Tùng hào hứng: Hà Nội linh thiêng những ngày đó chìm trong cảnh “đất rung, ngói tan, gạch nát” song luôn toát lên tâm thế hào hùng.

Cuối năm 1972 tại Hội nghị Paris, phía Mỹ tuyên bố “hoà bình đã ở trong tầm tay” khiến dư luận lạc quan rằng cuộc chiến tranh Việt Nam sẽ chấm dứt; thế nhưng, Mỹ đã lật lọng chơi ván bài cuối cùng: Dùng B52 oanh tạc Hà Nội và một số thành phố ở miền Bắc Việt Nam. Với dã tâm đưa miền Bắc trở về “thời kì đồ đá”, phe “diều hâu” trong chính quyền Mỹ tưởng rằng sẽ giành được thế thượng phong trên bàn đàm phán… Khi ấy, đang công tác tại Ban Truyền hình (thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam), Đạo diễn Phạm Việt Tùng nằm trong số những người ở lại Hà Nội làm nhiệm vụ, trong lúc lệnh sơ tán triệt để toàn thành phố được khẩn trương thực hiện.

Với quyết tâm quay bằng được trận chiến hào hùng của quân và dân Hà Nội, Đạo diễn Phạm Việt Tùng và các đồng nghiệp bất chấp nguy hiểm, có mặt trên các nóc nhà cao tầng giữa lúc hàng đàn máy bay của Mỹ ầm ầm giội bom xuống thành phố. Một trong những địa điểm được lựa chọn là tháp nước trên nóc Khách sạn Hòa Bình (số 27, phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội) làm vọng canh nhằm ghi lại hình ảnh “Rồng lửa Thăng Long vít cổ B52”.

Đêm đông rét mướt 27/12/1972, Đạo diễn Phạm Việt Tùng dùng một chiếc khăn cột người vào lan can tháp nước, cùng phụ quay Đắc Lương hồi hộp chờ đợi dưới làn mưa bom đang làm rung chuyển toàn thành phố. Phạm Việt Tùng hướng máy quay về phía phà Khuyến Lương, nơi tên lửa và cao xạ của ta đang mãnh liệt trút lửa lên bầu trời đặc quánh tiếng gầm rú, quần đảo của máy bay Mỹ. Bất chợt, Đắc Lương hét lên: “Anh Tùng. Nó ở đằng này cơ, anh Tùng!”. Mọi việc chỉ diễn ra trong tích tắc, nên Phạm Việt Tùng không kịp ngắm, ông chỉ theo phản xạ bấm và chỉnh máy quay về hướng chỉ tay của người phụ quay.

May mắn đã mỉm cười với hai nhà quay phim dũng cảm: Hình ảnh pháo đài bay B52 như một quả cầu lửa khổng lồ ngùn ngụt trên bầu trời Hà Nội lọt trọn vào khuôn ngắm trong vài giây, sau đó nó rơi xuống phía đường Hoàng Hoa Thám. Đây là hình ảnh lịch sử tức thời, không thể dàn dựng được. Ngày hôm sau, nhiều tờ báo đều đưa tin, kèm ảnh xác chiếc B52 nằm giữa hồ Hữu Tiệp (làng Ngọc Hà, ven đường Hoàng Hoa Thám).

Vậy là yêu cầu về một “cảnh chốt” đã được thực hiện. Trước đó, ngay trong những ngày đầu tiên của trận Điện Biên Phủ trên không, Đạo diễn Phạm Việt Tùng cũng quay được hình ảnh xác chiếc B52 nằm chỏng chơ trên những thửa ruộng ở Phù Lỗ (ngoại thành Hà Nội). Ông nhớ lại: Từ trung tâm Hà Nội đến Phù Lỗ chỉ khoảng 30km, nhưng chúng tôi mất hơn 6 giờ đồng hồ mới tới nơi. Chiếc B52 bị tên lửa của ta vít cổ xuống đất từ 20h tối hôm trước, nhưng khoảng 8h sáng hôm sau, khi chúng tôi có mặt ghi hình, nó vẫn đang nghi ngút khói. Hình ảnh đại bàng ngậm cành ô-liu bị nhuốm màu khói trên những thửa ruộng đã lọt vào ống kính máy quay, đã hạ gục uy thế của những “Pháo đài bay B52”, những “Thần Sấm”, “Con Ma” từng gieo rắc bao tai hoạ với nhân dân Việt Nam…

Đạo diễn Phạm Việt Tùng đã ghi lại hình ảnh quân và dân địa phương ùa ra truy bắt giặc lái đã nhảy dù trong đêm, khi chiếc B52 bị đền tội. Lúc viên phi công bị bắt, người dân đã trói hắn lại. Đạo diễn Phạm Việt Tùng đã đề nghị một cán bộ xã lấy cho y một chiếc chăn chiên để khoác cho đỡ lạnh; rồi ông đã ghi được hình viên phi công người run lập cập vì rét và nỗi sợ hãi bị người dân nổi giận trước kẻ đã trút bom đạn xuống xóm làng của họ…

Lại thêm được những “cảnh chốt” làm nền tảng cho bộ phim “Hà Nội - Điện Biên Phủ”. Bộ phim có sử dụng một số hình ảnh tư liệu, phần nhiều do chính Phạm Việt Tùng quay từ trước. Đó là hình ảnh quay khoảng năm 1967 về cô sinh viên Đại học Y Hà Nội xinh đẹp, tên là Ngô Thị Ngọc Tường, khám bệnh cho người dân ngoại thành. Sau đó 5 năm, cô chuẩn bị làm đám cưới, đã phát thiệp hồng tới bạn bè, người thân. Nhưng đau thương thay, đúng 1 ngày trước đám cưới, trên đường đi làm từ Bệnh viện Bạch Mai về nhà ở khu vực Lò Đúc, cô đã bị bom Mỹ cướp đi hạnh phúc. Gia đình đưa xác cô về nhà, chiếc áo cưới trở thành tấm áo liệm; những tấm thiệp cưới xơ xác trong căn nhà u ám… Trong cảnh bi thương ấy, vẫn toát lên niềm tin chiến thắng.

Được quen biết Đạo diễn Phạm Việt Tùng từ lâu, tôi luôn cảm nhận ở ông chất khí khái của một kẻ sĩ, ngay thẳng, không sợ cường quyền, chẳng màng danh lợi. Với mọi sự kiện, ông luôn chọn một góc nhìn của riêng mình. Theo logic này, “Những người lính xe tăng 390 ngày ấy” - một bộ phim tài liệu của ông đã gây tiếng vang lớn trong nửa cuối những năm 1990. Ở chừng mực nào đó, có thể nói bộ phim đã “viết lại một phần lịch sử” những gì xảy ra tại Dinh Độc Lập trong ngày 30/4/1975.

Ngẫu nhiên vào dịp kỉ niệm 20 năm giải phóng miền Nam (30/4/1995), Đạo diễn Phạm Việt Tùng gặp nữ nhà báo Pháp Francoise de Mulder, người duy nhất chụp được bức ảnh chiếc xe tăng đầu tiên của quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, đó là chiếc xe tăng mang số hiệu 390; trước đó trong nhiều năm, chiếc xe tăng mang số hiệu 843 đã được “mặc định” là chiếc tiên phong tiến vào Dinh Độc Lập.

Từ cuộc gặp gỡ này, với những bức ảnh tư liệu quý giá của nữ nhà báo Pháp trao tặng, Đạo diễn Phạm Việt Tùng và các đồng nghiệp đã thực hiện bộ phim tài liệu gây tiếng vang lớn. Sự thực lịch sử được làm sáng tỏ và chiếc xe tăng 390 đã được lịch sử trả về đúng giá trị của nó.

“Hà Nội - Điện Biên Phủ” và “Những người lính xe tăng 390 ngày ấy” - hai bộ phim của Đạo diễn Phạm Việt Tùng, là những tác phẩm được xét trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, đã và sẽ giữ một chỗ đứng xứng đáng trong lòng công chúng

Trần Duy Hiển
.
.
.