Hội diễn kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc:

Đạo diễn Đức Thịnh: Cái khó đang bó cái khôn

Chủ Nhật, 04/10/2009, 14:33
Đức Thịnh lần đầu tham dự hội diễn với tư cách đạo diễn (vở "Nỏ thần" của sân khấu kịch Phú Nhuận). Anh có góc nhìn khác, trẻ hơn và cũng năng động hơn…

- Lần đầu tiên dựng Nỏ thần - một vở kịch lịch sử, cái khó khăn lớn nhất của anh là gì?

- Đó là làm sao tập trung được nhân lực cho vở diễn, cả về tinh thần lẫn thể chất của cả ê kíp thực hiện.

 - Tại sao lại là "Nỏ thần", một tích truyện quá quen thuộc và mang nhiều yếu tố của thần thoại, thay vì những kịch bản gai góc, những vấn đề của lịch sử được chép trong chính sử?

- Tôi thích kịch bản "Chiếc áo thiên nga" của Lê Duy Hạnh. Tôi không mê truyền thuyết Trọng Thủy - Mỵ Châu. Câu chuyện mất nước của An Dương Vương, sức mạnh của nỏ thần lôi cuốn tôi hơn. Tôi cũng thích vài giai đoạn lịch sử Việt Nam, thích khá nhiều vị tướng oai hùng xưa. Nhưng tôi chọn "Nỏ thần" vì nó phù hợp với cái gu cảm xúc của tôi.

- Điều gì ở "Nỏ thần" làm anh tâm đắc nhất? Và đâu là cái cách mà anh lựa chọn cho vở diễn đi tới đích?

- Ở "Nỏ thần", tôi tâm đắc nhất đó là sức mạnh dân tộc luôn bắt đầu bằng sự đoàn kết chứ không phải thần thánh. Cái đích cuối cùng cho vở diễn mà dân trong nghề gọi là mục đích tối cao là: Chuyện giữ nước không hề là chuyện của thần thánh mà là chuyện của con người.

- "Nỏ thần" là vở diễn đông khán giả nhất Hội diễn sân khấu kịch nói lần này. Nhưng trên thực tế, khán giả TP HCM lại không xếp hàng mua vé xem nó ở rạp. Cảm giác của anh?

- Khán giả thành phố chưa đi xem nó ồ ạt chứ không phải là không. Tôi tin là sẽ đông. Cách tiếp thị và tiếp cận của bộ phận PR chưa tốt. Vả lại không nên đòi hỏi quá nhiều sự ăn khách ở một vở kịch lịch sử. Mỗi loại kịch có một lượng đối tượng khán giả nhất định. Không phải lúc nào cũng tạo ra được một “Titanic” vừa thành công mặt nghệ thuật vừa thành công về doanh thu cũng như tiếng tăm. Đấy là một bộ phim mà tôi ngưỡng mộ vì thành công cả hai mặt. Điều mà tôi luôn hướng tới.

- Cái khó lớn nhất của một đạo diễn trẻ trong việc dựng một vở diễn mới tại TP HCM là gì?

- Cái khó chung cho tất cả đạo diễn bây giờ là phải đột phá trong nền sân khấu không có gì thay đổi về phương tiện kỹ thuật cũng như tư duy suốt mấy chục năm qua. Chúng ta đã từng ló cái khôn trong cái sự khốn khó thiếu thốn của sân khấu. Nhưng cái vốn đó đã cạn. Giờ thì cái khó bắt đầu bó nó và giết chết cái khôn. Cần phải có sự tiếp sức của phương tiện kỹ thuật hiện đại hơn. Nói nôm na là những sân khấu, nhà hát tân tiến hơn để chắp cánh cho sự táo bạo mới mẻ

Hoài Phố - Phước Hải (thực hiện)
.
.
.