Đạo diễn Đỗ Thanh Hải nói về số phận của "Gặp nhau cuối tuần"

Thứ Bảy, 27/05/2006, 09:30

Theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, “Gặp nhau cuối tuần” vẫn tiếp tục phát sóng theo kế hoạch đến hết năm 2006. Trong cuộc gặp gỡ với PV Báo CAND, Đỗ Thanh Hải cùng bàn về "công" và "tội" của chương trình hài kéo dài suốt 7 năm này cùng những dự án mới đang ấp ủ.

- Thưa anh, nghe nói là GNCT chuẩn bị "thân ái chào tạm biệt"?

- Không hẳn thế. Chúng tôi vẫn nhận kế hoạch sản xuất đến hết năm 2006. Khi trải qua một quãng thời gian thì sức hấp dẫn của bất cứ chương trình nào cũng bị giảm sút, GNCT cũng vậy, mất dần sự mới mẻ. Nếu format chương trình không thay đổi thì diễn viên phải mới, kịch bản phải lạ, hai cái đó chúng tôi đều đang rất thiếu.

- Nếu thế sao các anh không thay format?

- Đồng ý là thay đổi nhưng vấn đề là cái tiêu chí chương trình. Chúng tôi làm chương trình hài nên luôn nhận dư luận nhiều chiều từ khán giả. Sự dí dỏm, thâm thuý là thứ không dễ kiếm và chúng ta chưa có đội ngũ chuyên khai thác tiếng cười. Người làm hài là phải luôn thông minh. Giải trí thì không có nghĩa là nhố nhăng, nhưng nếu khán giả đón đợi một chương trình hài như một chương trình giải trí thuần tuý thì nó sẽ khác.

- Anh vừa nói đến sự thông minh của những người làm hài, nhưng anh có thấy là hiện nay các chương trình GNCT đang thiếu trầm kha cái khoản đó?

- Sức người cũng có hạn. Và chúng tôi đã làm tất cả cố gắng của mình. Có những chương trình thì đúng là làm cho kịp thời gian, đủ thời lượng, nhưng cũng có chương trình chúng tôi đã thể hiện được sự thông minh, hóm hỉnh đó, ví dụ như chương trình ngày 1/4. Một chương trình giải trí kéo dài 7 năm và đến nay vẫn có rating quảng cáo rất cao thì cũng đáng kể chứ.

- Đúng là GNCT vẫn rất hút quảng cáo, 35 tỷ/năm là chuyện không nhỏ, nhưng hút nhiều quảng cáo thì chưa chắc đã là một chương trình hay.

- Không nguỵ biện, nhưng tiếng cười sẽ phù hợp với tôi và có thể không phù hợp với anh, nhưng đại đa số chấp nhận nó thì là được. Nếu đông người xem và chấp nhận nó mà chúng ta lại coi là không có giá trị thì cũng không được.

 - Nhưng anh có nghĩ rằng, khán giả của chúng ta chẳng còn lựa chọn nào khác cho tiếng cười ngoài GNCT nên đành xem vậy?

- GNCT đáp ứng được một bộ phận khán giả nào đó. Đây là một chương trình truyền thông giải trí, nên chúng tôi không bao giờ xa rời các vấn đề xã hội, bao giờ cũng phải có chủ đề. Vấn đề còn lại là nếu gặp người tài thì chủ đề đó sẽ thành công.

- Nghĩa là GNCT đang ăn đong cả về kịch bản, con người...?

- Từ vài ba năm nay đã vậy rồi. Nhất là kịch bản. Xuân Hinh từng nói trả 50 triệu cho kịch bản hay 15 phút, đó là chuyện thật nghiêm túc, nhưng cũng làm gì có. Chúng tôi nghiệm ra khán giả thích GNCT đụng đến những vấn đề bức xúc của đời sống như thủ tục hành chính, sổ đỏ, thi cử... nhưng không thể cứ mãi những cái đó để làm đi làm lại.

- GNCT có công dựng một số gương mặt lạ thành quen và có tội biến họ thành những người nhàm chán trên truyền hình. Anh có nghĩ vậy không?

- Không có nghệ sỹ nào muốn mình trở nên nhàm chán và không đạo diễn nào muốn làm ra chương trình dở để bị chê. Trong ứng xử người Việt mình có chút nể nang, vì tình nghĩa quan hệ nữa. Họ sợ mang tiếng chảnh. Và cả mưu sinh. Có những nghệ sỹ lên truyền hình nhiều để hy vọng có nhiều cơ hội hơn, cũng có người muốn có thêm thù lao.

- Cách đây 2 năm đã có thông tin GNCT "thân ái chào tạm biệt", vậy anh có nghĩ là kết thúc khi đó sẽ tốt hơn bây giờ?

- 2 năm trước thì là một sự nhấn nhá cố ý nhân ngày Cá Tháng Tư. Còn bây giờ thì trong hoàn cảnh khác. Còn chuyện dừng hay không sẽ được quyết định vào cuối năm chứ không phải hiện tại. Nhưng đúng như anh nói, nếu dừng lại cách đây 2 năm thì sự nuối tiếc của khán giả sẽ nhiều hơn bây giờ.

- Anh trực tiếp làm chương trình này, thực lòng anh có muốn nó được tiếp tục duy trì không?

- Chúng ta cũng phải nhìn nhận, chúng ta ở thành phố, được cập nhật nhiều hình thức giải trí, còn bà con vùng sâu, vùng xa thì họ có nhu cầu giải trí qua GNCT rất cao. Nếu mất đi, đó là sự thiệt thòi rất lớn.

- Có thông tin rằng, nếu GNCT dừng lại thì bộ phim Sitcom mà anh làm đạo diễn sẽ lấp sóng vào giờ đó. Anh có nghĩ để khán giả Việt Nam cười với Sitcom còn khó hơn nhiều so với GNCT?

- Đừng kỳ vọng vì hai cái này không liên quan đến nhau. Vì phim Sitcom này là một dự án độc lập. Và đây là phim có nội dung và có khai thác nhiều yếu tố hài hước nhẹ nhàng mà thôi chứ không phải để chọc cười. Tôi thích làm Sitcom vì đó là con đường tất yếu để phát triển phim truyền hình.

- Anh có thấy rằng khi anh mải mê với GNCT thì cũng là lúc anh dần rời xa cái ước mơ ban đầu là làm ra những bộ phim nghệ thuật?

- Đây cũng là một câu hỏi luôn trong đầu tôi, mình sẽ đi tiếp con đường nào đây? Nhưng thực sự tôi như người bị đẩy lên một con tàu và không dừng lại được. Nếu làm phim chiều theo khán giả thì mình lại không thích, ai cũng nói sẽ dung hoà cả cái mình thích và cái khán giả thích, kể cả nhà sản xuất thích, nhưng thực sự thì khó lắm.

- Nghĩa là anh sẽ chọn con đường để gắn với truyền hình, dù có thể anh sẽ không làm phim nữa?

- Tôi đang tổ chức sản xuất một số dự án, một chương trình giải trí trực tiếp trên truyền hình, một bộ phim dành cho tuổi mới lớn. Truyền hình vất vả nhưng cũng nhiều vinh quang. Đã chọn rồi, nên tôi sẽ theo.

- Xin cảm ơn anh!

Hoài Phố (thực hiện)
.
.
.