Đạo diễn - NSND Lê Hùng: “Nhiều phụ nữ khóc khi tôi lấy vợ”

Thứ Ba, 30/10/2007, 09:38
Lấy một diễn viên 23 tuổi, NSND Lê Hùng kể: Sau khi tôi quyết định cưới và đi đăng ký đàng hoàng, nhiều người từng yêu tôi đã khóc. Chia tay rồi vẫn khóc. Khóc vì họ vẫn yêu nhưng tiếc vì không theo được cái kiểu của tôi, không đủ để hy sinh cho tôi.

Là một đạo diễn được nhiều người biết tiếng, đến năm 2007 này, người đàn ông tuổi Nhâm Thìn- Đạo diễn Lê Hùng có được nhiều niềm vui lớn. Anh được phong danh hiệu NSND, được tín nhiệm đảm đương cương vị Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ - một đơn vị nghệ thuật luôn sáng đèn ở Thủ đô...

Cho dù các thành công của anh thuộc về cả quá trình gian nan nhưng với người lao động nghệ thuật chân chính thì cũng giống nhà nông trong mùa bội thu, vừa lau mồ hôi vừa ngoái đầu nhìn lại... Chúng tôi đã có cuộc trao đổi thân tình với đạo diễn Lê Hùng về chuyện nghề và cả chuyện đời riêng.

- Đang là một đạo diễn say nghề lại phải kiêm làm quản lý,  anh có gặp nhiều khó khăn?

- Không. Tôi lại thấy đó là thuận lợi. Làm đạo diễn rất tiện khi làm Giám đốc. Vì việc làm quản lý và làm đạo diễn có nhiều nét tương đồng. Khi làm đạo diễn cần phải có óc tổ chức tốt, phải quán xuyến và nắm bắt diễn biến tâm lý nhân vật, làm chủ các tình huống thì mới luôn có những quyết định đúng mà dàn dựng. Làm giám đốc thì quá cần như vậy.

- Bên cạnh việc lên chức Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ thì chuyện riêng của anh có gì mới để thông báo, anh có còn “phòng không”- lẻ bóng ?

+ Tôi mới cưới vợ năm ngoái. Tôi tổ chức cưới đơn giản và mời rất ít người. Không báo với các nhà báo nên ít người biết, thông cảm nhé!

- Như vậy là sau 8 năm “gà trống nuôi con” anh đã có tổ ấm?

+ (Im lặng) Người vợ trước của tôi đã qua đời được 8 năm.

- Anh là người có tiếng được nhiều người đẹp yêu, vậy tại sao bây giờ mới chọn được vợ?

+ Là vì tôi cứ quay cuồng với công việc. Và cũng còn phải đợi duyên số nữa chứ, có tính được đâu.

- Khi anh “yên bề gia thất” hẳn có người sẽ rất tiếc ?

+ Có đấy! Sau khi tôi xác định tình cảm với “vị này” tôi quyết định cưới và đi đăng ký đàng hoàng, nhiều người từng yêu tôi đã khóc. Chia tay rồi vẫn khóc. Khóc vì họ vẫn yêu nhưng tiếc vì không theo được cái kiểu của tôi, không đủ để hy sinh cho tôi.

Nghĩ cho cùng, chịu được tôi cũng khổ và thiệt thòi. Chồng đi suốt, đến khuya mới về. Tôi về đến nhà lại bắt tắt tivi, không nghe nhạc hay thưởng thức gì nữa vì nó đã đầy ăm ắp rồi. Lao động nghệ thuật quần quật suốt ngày rồi. Về là chui vào phòng đọc sách báo, đọc kịch bản đến 2 giờ sáng, mai lại đi làm tiếp.

Nói chung là tôi đã sống với một tốc độ, một guồng quay mà nhiều người phụ nữ có tình cảm muốn gắn bó cũng ngại vì họ sẽ khó có được những giây phút mà người phụ nữ bình thường mong muốn. Chỉ được cái tôi làm nhiều thế nên vợ con không phải lo lắng gì về vật chất. Vậy thôi, còn chồng cứ đi biền biệt. Có thương lắm tôi cũng đành chịu. Nghề nghiệp, công việc đã vậy rồi. 

- Bà xã của anh hẳn phải trẻ đẹp ? Cô ấy là ai vậy, thưa anh?

+ Trong giới thì nhiều người biết đấy. “Vị” ấy cũng từng được huy chương vàng, từng được phong là hoa hậu của Hội diễn Sân khấu. Mấy năm nay đã về Nhà hát Tuổi trẻ và tham gia trong đoàn kịch hình thể của NSND Lan Hương phụ trách. Cô ấy tên là Trần Hoài Thu. Thu sinh năm 1984.

- Anh quả là “siêu đào hoa”!  Vậy là tình yêu đã “nảy sinh trong lao động” khi anh dựng vở cho đoàn kịch hình thể của Nhà hát, vở “100 phút cuối của Hàn Mặc Tử” phải không ạ ?

+ Ừ, như vậy đấy!

- Vợ anh trẻ quá, lại ở đoàn kịch hình thể thì hẳn là người đẹp rồi?

+ Ừ, “vị” ấy cao và đẹp.

- Thế các con anh thể hiện tình cảm với cô ấy như thế nào?

+ Đứa lớn gọi là cô và đứa bé gọi là mẹ.

- Đâu là điểm chung khởi đầu của vợ chồng anh?

+ Chúng tôi cùng thích con. Tôi vừa lên chức bố lần thứ... tư rồi. Con gái chúng tôi tên là Thiên Đan. Trời cho con nào cũng quý!

- Chúc mừng anh vì có thêm Thiên Đan và cũng chúc mừng anh vì vở kịch “Vườn thiên đàng” vừa khai sàn ngày 11/10, được khán giả yêu sân khấu đón nhận nhiệt tình!

+  Mặc dù gặp không ít những khó khăn nhưng kịch hình thể của Nhà hát Tuổi trẻ vẫn luôn cố gắng đổi mới, sáng tạo trong cách diễn với hy vọng đưa bộ môn nghệ thuật mới mẻ này đến gần hơn với công chúng.

Nếu vở “100 phút của Hàn Mặc Tử” là vở kịch thơ, thì vở “Vườn thiên đàng” là vở kịch được kết hợp với màn ảnh động. Thật ra, kịch hình thể là loại hình sân khấu mới mẻ, chưa có nhiều người ưa thích. Bởi các loại hình nghệ thuật biểu diễn lấy ngôn ngữ hình thể để lột tả tâm trạng vẫn được coi là mới mẻ trong thực đơn thưởng thức nghệ thuật của người Việt Nam.

- Tôi vừa nghe NSƯT Minh Vượng nói rằng chị ấy là “đệ tử ruột” của anh, thân gần lắm nhưng mà “muốn mời anh dựng vở cũng phải lảng vảng ở Nhà hát Tuổi trẻ để xếp hàng rổ rá chán vẫn chưa được? Sẵn sàng rồi chỉ chờ anh Hùng 24 trên 24 luôn”?

+ Đúng vậy, Vượng cũng đăng ký và nhắc nhở liên tục hơn một tháng rồi. Vượng bảo nhà hát của cô ấy sắp  xây dựng nên anh tranh thủ được lúc nào thì làm lúc ấy. Tôi cũng đang bận dựng vở “ Con đường năm ấy” cho Đoàn kịch Quân đội, sau đó lại một vở nữa.

Rồi đặc biệt còn vở “Âm mưu và tình yêu” của Nhà hát Tuổi trẻ diễn theo đặt hàng của chương trình “Nhà hát truyền hình” nữa chứ. Tiếp đến là phải tập cho Nhà hát kịch Hà Nội (chỗ Minh Vượng). Nhiều vở lẻ của các bạn ấy mình cũng toàn làm ngoài giờ.

Ví dụ như tập với Xuân Hinh cũng vậy. Ngay “cái” “Người ngựa ngựa người” mình tập cho có 2 buổi đấy. Thế mà diễn rồi thu băng đĩa nhiều người thích lắm. Như Minh Vượng vừa nói là đúng: Khi cần, tôi đã dựng vở từ 22h đêm đến 4h sáng, triền miên.

Và cũng còn nhiều đoàn đang chờ mình. Nhưng dù sao bây giờ làm quản lý cũng phải ưu tiên việc của Nhà hát. Đầu tiên là làm sao để anh chị em nghệ sĩ không phải khổ để có thể toàn tâm say nghề.

- Vở “Những quân bài định mệnh” mà anh đạo diễn có những đổi mới trong dàn dựng khiến cho khán giả thực sự ấn tượng về vòng xoáy tội lỗi và cái giá phải trả của kẻ vấy bùn tham nhũng, anh đã dụng công dùng nghệ thuật tấn công vào một vấn đề rất hiện thực và nhức nhối?

+ Sân khấu có cách chống tham nhũng riêng. Sân khấu không phải là phiên tòa hành chính, cũng không phải là mục đưa tin báo chí.

Một vụ án có án tử hình nhưng lại đặt vấn đề sau cái chết của tử tù và vụ việc ngỡ đã cũ nhưng lại nói những vấn đề đang “nóng”... thế nên nghệ thuật sân khấu cũng chống tham nhũng nhưng theo cách của sân khấu kịch.

Thông điệp mà tôi muốn gửi đến khán giả vì thế cũng khái quát và rộng mở hơn. Nhất là phải mang những dấu ấn của nghệ thuật.

- Nếu anh cứ đi từ sáng đến tối để chỉ đạo và dựng vở thì các con anh sẽ được bố “chỉ đạo” vào lúc nào?

+ Có chứ. Nghề đạo diễn và nghề quản lý đều cần phải biết sắp xếp đâu ra đấy. Không lẫn lộn, không sao nhãng gì (cười). Ngày nào vào lúc 5h chiều dù ở đâu tôi cũng điện thoại về cho các con để hỏi han, nhắc nhở và trò chuyện.

- Và chúng luôn đón chờ bố gọi?

+ Rất đón chờ. Đã bảo là thành lịch rồi. Các cháu đang đi chơi ở đâu cũng chạy về nhà giờ đó để đợi điện thoại. Nghỉ hè, đến làm khách ở nhà ai thì gần đến giờ cũng “bắt” người ta đưa về nghe điện của bố rồi lại đi tiếp.

- Sao anh không kiếm điện thoại di động cho chúng để liên lạc?

+ Không. Các cháu còn bé và duy trì việc về chờ điện thoại của bố tại nhà cũng hay lắm.

- Vì yêu nghề mà anh nhận dựng vở cho nhiều đoàn, thậm chí nhận thiệt thòi về mình bởi ít thời gian dành cho gia đình. Vậy thì có gì làm anh từ chối bớt lời mời không?

+ Bây giờ thì có. Đó là vì công việc của Nhà hát Tuổi trẻ. Tôi cũng phải từ chối bớt để có đủ thời gian vì công việc chung cho nơi mình đang làm quản lý, cho dù tôi không phải là một anh quản lý cứng nhắc kiểu hành chính. Mà tôi nghĩ làm giám đốc quản lý Nhà hát thì nên là giám đốc phụ trách nghệ thuật đấy.

Đừng bao giờ nghĩ làm nghệ thuật thì xa với việc làm quản lý đơn vị nghệ thuật nhé! Lầm to đấy. Có khi đó lại là một điều kiện cần thiết. Phải hiểu nghệ thuật thì mới biết và quyết tâm đầu tư cho nghệ thuật một cách xứng đáng.

Cảm ơn đạo diễn Lê Hùng

Nguyễn Kim Anh (thực hiện)
.
.
.