Danh phải… thực

Thứ Năm, 10/03/2005, 07:11

Nhà thơ Nguyễn Công Trứ cách đây hơn trăm năm đã bày tỏ quan điểm sống của mình như sau: "Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông", mới thấy cái danh của con người trước đây, bây giờ và sau này sẽ vẫn mãi được coi trọng, dù trong bất kể thời đại, dân tộc nào.

Những cái danh được xây dựng nên nhờ công sức, trí tuệ và sự khổ luyện của những con người có đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hoặc một lĩnh vực cụ thể nào đó đáng được sử sách ghi danh và trở thành niềm tự hào không chỉ của chính bản thân người được vinh danh mà tiếng thơm muôn đời còn mãi được lưu truyền. Họ sẽ là niềm tự hào của cả gia đình, dòng họ, đất nước. Thế nhưng, thật đáng tiếc làm sao, trong xã hội chúng ta ngày nay, có nhiều người đang tìm mọi cách hòng kiếm được cái danh, dù rằng cái danh ấy đôi khi chỉ được mua bằng tiền. Và, người ta vẫn dùng hai từ "hư danh" để chỉ những con người "hữu danh vô thực" như thế!

Thể hiện rõ nhất ở cái danh "mua được" ấy là chuyện một số người dù rằng tài năng và trí tuệ có hạn nhưng lại bằng mọi cách để kiếm được tấm bằng học vị cao. Trên một số trang quảng cáo, đôi khi người ta vẫn bắt gặp hình ảnh của một ông giám đốc nào đó được in trang trọng bên cạnh sản phẩm họ muốn quảng cáo. Tất nhiên, ông giám đốc thừa biết, sản phẩm đó chẳng mấy liên quan gì đến bức ảnh của mình, thế nhưng, đôi lúc, người ta vẫn cứ thích phô mình ra như thế, trong khi mục đích của quảng cáo là nhằm giới thiệu chất lượng sản phẩm tới người tiêu dùng.

Ở thời buổi công nghệ tin học gõ cửa từng nhà như hiện nay thì việc ai đó tự sắm cho mình một chức danh thật quá dễ dàng. Anh bạn tôi, 26 tuổi, là giám đốc một công ty TNHH gồm... 3 người. Đương nhiên, trên các-vi-dít in trang trọng chức danh anh ta là giám đốc, nhưng thực tế thì đôi khi anh phải kiêm luôn chân đánh máy, chở hàng, thậm chí... trông xe. Người ta nói rằng, thành lập công ty TNHH bây giờ dễ hơn trở bàn tay quả không ngoa. Vốn ảo, nhân viên ảo, trụ sở ảo, chỉ có tên công ty khi đăng ký để xin giấy phép hoạt động là có thực và tất nhiên nó phải là những tên cực kỳ hoa mỹ.

Rồi thì cuối năm họp tổng kết, một số cơ quan, đơn vị lại "cố gắng" để kiếm được cái danh hiệu thi đua, dù rằng đơn vị đó trong năm vừa qua làm ăn thua lỗ. Thử hỏi, những danh hiệu ấy còn có ý nghĩa gì đối với chính các thành viên đơn vị, những người trực tiếp giám sát hoạt động của đơn vị đó. Cái danh ấy dù sao cũng còn được giải thích vì "miếng cơm manh áo". Thế nhưng có những người vốn "vô danh tiểu tốt" cũng cố gắng cho mình một cái danh "hão", dù họ biết rằng chẳng thể nào "loè" nổi ai. Nhà báo Lê Nguyễn (Báo Phụ nữ Thủ đô) đã tìm thấy một tài liệu cũ nói về việc một số người hồi đầu thế kỷ XX thích khoe mẽ bằng việc in danh thiếp như sau:

Trần Văn Có
Tức Huyện Có
Láng giềng Quận công
Hoàng Cao Khải.

Có nghĩa là, ông này tên là Có và tất nhiên chẳng có dây mơ rễ má gì với ông Hoàng Cao Khải mà chỉ đơn giản là hàng xóm mà thôi. Thế nên, mới có chuyện, một người bực quá mới nhạo lại bằng cách in một danh thiếp thế này:

Phan Văn Sáu
Tốt nghiệp Trường Mẫu giáo
Chim Non..

Đinh Hiền
.
.
.