V.League 2005:

Đằng sau cú ngã của nhà vô địch Hoàng Anh Gia Lai

Thứ Năm, 10/03/2005, 07:52

Với 2 mùa liên tiếp đăng quang ngôi vô địch, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) từng được ví như một "Độc Cô Cầu Bại" giữa chốn "võ lâm" V.League. Nhưng cú ngã ngựa quá sớm ngay từ lượt trận thứ 5 - V. League 2005 của HAGL trước Bình Dương như một điềm báo con đường giữ ngôi vô địch sẽ chẳng dễ dàng…

Chắc hẳn những ai mê tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung không thể quên được một nhân vật có cái tên cực kỳ ấn tượng: Độc Cô Cầu Bại. Sở dĩ gọi vậy bởi vị kiếm khách đó đã dành trọn cuộc đời chỉ để kiếm tìm một lần thua (cầu bại là thế), để rồi mãi mãi sống trong sự cô độc và trầm uất (độc cô cũng là thế), bởi dù đã mỏi gối, chồn chân khắp nẻo võ lâm mà chẳng có địch thủ nào đủ khả năng đánh bại Độc Cô cửu kiếm của ông!

Đọc văn của Kim Dung tiên sinh lại liên tưởng tới bóng đá nước nhà. Mùa bóng 2003, lần đầu tiên thăng hạng chuyên nghiệp, đội bóng phố núi đã tiến thẳng một lèo tới ngôi vô địch với 12 trận thắng, 7 trận hòa và... 3 trận thua. Sau đó một năm, trên chặng đường 22 trận bảo vệ thành công ngôi vua ở V.League 2004, họ chỉ để thua 4 trận. Hơn thế nữa, trong 2 năm thống trị của mình, HAGL chỉ thua những trận đấu đáng đồng tiền bát gạo theo cả nghĩa tích cực lẫn tiêu cực. Trong đó khắc sâu ý nghĩa bất khả kháng nhất chính là 2 cú ngã trên sân Chùa Cuối của Nam Định và Lạch Tray của Hải Phòng đều ở lượt đấu cuối cùng của V.League 2003 và 2004.   

Với những thành tích ấn tượng này, sẽ là không quá nếu như nói rằng, chính HAGL đã khiến cho cục diện V.League trở thành đơn cực trong 2 mùa giải vừa qua. Thậm chí, dường như cũng trĩu nặng tâm sự của một "Độc Cô Cầu Bại", bước vào mùa giải thứ 3, bầu Đức của Hoàng Anh đã mạnh miệng tuyên bố mục tiêu của đội bóng là hướng ra đấu trường khu vực và châu Á, chứ không quan tâm tới V.League.

Vậy mà bước vào V.League 2005, mới chỉ ở lượt trận thứ 5, những nhà ĐKVĐ đã phải nếm trải mùi vị cay đắng của thất bại. Trận thua tan nát 1-3 trước Bình Dương ở vòng 5 vừa qua là cú ngã sớm nhất và nặng nề nhất của họ kể từ khi chính thức khoác áo lên chuyên.

Sớm nhất bởi 2 năm trước ở V.League 2003, HAGL thua trận đầu tiên tại vòng đấu thứ 7 (thua 0-1 trước GĐT.LA trên sân Pleiku); còn ở V.League 2004, họ phải đợi... thua tới vòng thứ 9 (thua 0-1 trước SLNA trên sân Vinh).

Nặng nề nhất vì chưa bao giờ "gỗ" lại ngục ngã trong một thế trận bị đối phương dẫn trước tới 3 bàn trắng và bàn gỡ danh dự lại là một quả phạt đền ở phút thứ 90 được ví như món quà cho không biếu không của trọng tài.

Tuy nhiên, những so sánh "số hoá" đó chưa đáng lo ngại bằng những gì mà trận thua Bình Dương đã phát lộ ra ở đội hình trong mơ. Đấy là chỉ xét thuần túy trên phương diện chuyên môn, chứ chưa nói tới cái tỷ số thua cách biệt 2 bàn "vừa vặn" với kèo độ chợ đen được rao trước trận đấu.

Khuyết 2 trụ cột Duy Quang và Văn Hạnh ở hàng phòng ngự, lưới của HAGL đã 3 lần rung lên sau những cú dứt điểm của các chân sút Bình Dương. Chưa kể, trong trận đấu này, thần may mắn đã không ít lần cứu thua cho họ bằng xà ngang và cột dọc.

Gãy tuyến giữa vì Dusit phải ra sân nghỉ sớm, thế tấn công của HAGL chẳng còn sức công phá như lốc cao nguyên, mà phải chờ đợi và "cầu may" bằng một tình huống sút phạt đền.

Là một đội bóng có dàn cầu thủ già" nhất giải, HAGL bộc lộ tử huyệt thể lực trong những trận đấu mà đối phương chủ động pressing, đẩy cao tốc độ, đá ngả bài năm ăn, năm thua như Bình Dương đã làm trong chiều thứ bảy ngày 5/3.

Sâu xa hơn, cái họa tiềm ẩn ở HAGL chính là khoảng cách chuyên môn khá xa giữa những vị trí chính thức và dự bị. Khi những trụ cột bị chấn thương, khi những ngoại binh người Thái không giữ được phong độ, người ta mới giật mình nhận ra rằng, trình độ của những cầu thủ dự bị không đủ lấp đầy một phần vị trí chính thức. Chính những sự thay thế khiên cưỡng đó đã khiến một HAGL oai hùng bách chiến, bách thắng trở nên run rẩy trên sân Gò Đậu của Bình Dương.

Đó chính là cái giá mà HAGL đã và sẽ phải trả khi quá lệ thuộc vào những lính đánh thuê cả ngoại lẫn nội mà ít quan tâm và đầu tư bồi dưỡng đội ngũ kế cận. Tiền cứ được vung ra để mua cầu thủ nhằm đảm bảo những mục tiêu "nóng" trước mắt, chứ không tính chuyện căn cơ lâu dài của việc phát triển bóng đá trẻ. Thế nên, khi một mắt xích trong đội hình chính bị lỏng là cả dây chuyền bị hỏng theo, bởi không có phụ tùng chất lượng để thay thế.

Một trận thua chưa thể nói lên viễn cảnh thoái trào của HAGL, cũng như là cục diện chuyển đổi từ đơn cực sang đa cực ở V.League 2005. Nhưng, một trận thua cũng đủ cho thấy, để bảo vệ ngôi vua của mình, "gỗ" sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải bài toán lực lượng, nhất là khi V.League là một cuộc trường chinh kéo dài tới 22 trận đấu.

Xem ra cái cách bầu Đức nói không quan tâm tới V.League chẳng phải là tự cao mà ngược lại, là kiểu nói khôn để đường thoát hiểm của một người có tầm nhìn xa. Giờ thì ai bảo HAGL là "Độc Cô Cầu Bại" nào?

Bảo Hân
.
.
.