Đại lễ Phật đản 2008: Cơ hội tôn vinh văn hoá

Thứ Sáu, 16/05/2008, 08:11
Song song các hoạt động tại Đại lễ Phật đản 2008, Ban Tổ chức khai trương trung tâm hội chợ triển lãm trưng bày các sản phẩm văn hoá Phật giáo Việt Nam. Người dân và các tăng ni, phật tử về đây được tham quan hàng trăm gian hàng được trưng bày, bố trí rất đa dạng, đẹp mắt với những người phục vụ là hơn 300 tình nguyện viên của các trường đại học...

7 chủ đề trong khuôn khổ Đại lễ Phật đản 2008 thảo luận ngày 15/5 cũng là những vấn đề các quốc gia trên thế giới quan tâm như: giải quyết xung đột và ngăn ngừa chiến tranh; sự đóng góp Phật giáo đối với công bằng xã hội; chăm sóc môi trường; vấn nạn gia đình và các giải pháp… Những chủ đề mang tính thời sự, gắn quyền, lợi ích sát thực khẳng định những vấn đề Phật giáo quan tâm cũng nhằm góp tiếng nói, giải pháp mang tính đặc thù trong việc giải quyết các vấn đề lớn của nhân loại, của con người. 

Nhiều thông điệp tiếp tục được gửi tới Đại lễ. Thư của Chủ tịch Hội Liên hiệp Phật tử thế giới khẳng định: "Theo giáo pháp của Đức Phật, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh phát sinh từ tình bằng hữu, lòng từ bi và sự công minh của một người lãnh đạo cũng như lòng khoan dung, vị tha của mọi người".

Hồng y Giovanni Cardinal Lajolo, Toà thánh Vatican bày tỏ: "Những chủ đề được bàn luận trong Đại lễ lần này có ý nghĩa vô cùng quan trọng và rất thực tiễn đối với thực trạng xã hội hiện nay. Sự thật, chúng ta đang sống trong môi trường mà sự sai biệt về văn hoá còn khá lớn, cho nên làm thế nào để tất cả chúng ta có thể sống trong hòa bình, cảm thông và tôn trọng lẫn nhau mới là điều đáng quý".

Hoạt động tại Đại lễ.

Trả lời phỏng vấn báo chí về Đại lễ, Đại đức Thích Nhật Từ, Tổng thư ký Ban Tổ chức Đại lễ cho biết: Phật giáo Việt Nam thật vinh hạnh được tổ chức Đại lễ Phật đản trên bình diện quốc tế. Hơn 2.000 năm qua, Phật giáo song hành với lịch sử Việt Nam và hôm nay Phật tử vô cùng hoan hỷ trong Đại lễ Phật đản thiêng liêng được tổ chức lần đầu tiên ở đất nước mình.

Nhân chuyến viếng thăm Việt Nam của nhiều nhà lãnh đạo thế giới và phật tử, người Việt Nam chúng ta có cơ hội giới thiệu ảnh hưởng to lớn của Phật giáo trong văn hóa, du lịch và giáo dục Việt Nam.

Song song các hoạt động tại Đại lễ, Ban Tổ chức khai trương trung tâm hội chợ triển lãm trưng bày các sản phẩm văn hoá Phật giáo Việt Nam (đặt trong khuôn viên Trung tâm Hội nghị quốc gia). Người dân và các tăng ni, phật tử về đây tham quan với hàng trăm gian hàng được trưng bày, bố trí rất đa dạng, đẹp mắt.

Trong ngày 14, 15/5 đã có hàng nghìn lượt người tới tham quan. Tại trung tâm triển lãm có mặt các gian hàng của chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Phật Quang, Drukpa Việt Nam, các công ty gò hàn đồng pháp khí, chế tác tượng Phật, đồ thờ bằng chất liệu gỗ sơn son thiếp vàng…

Đáng chú ý, ngoài sự trưng bày lịch sự, đẹp mắt các sản phẩm thì những người phục vụ ở đây cũng ý thức rất rõ văn hoá Phật giáo nên các hoạt động giao tiếp, ứng xử đều nhẹ nhàng, lịch sự…

Hơn 300 tình nguyện viên là sinh viên các Trường Kinh tế quốc dân, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ vốn là người không theo tôn giáo nào nhưng trong những ngày diễn ra Đại lễ, các tri thức trẻ thể hiện những hiểu biết và văn hoá ứng xử rất Phật giáo, từ cử chỉ vái chào, đáp lễ các đoàn khách đến việc phiên dịch, hướng dẫn, đưa, đón đại biểu ra vào các phòng họp.

"Chúng em đã có hơn 1 tháng được tập sự chuẩn bị sự kiện lớn này, cùng tìm hiểu văn hoá Phật giáo, kiến thức lịch sử và cung cách giao tiếp, ứng xử, vì vậy kể cả những vị khách khó tính cũng thấy hài lòng khi hỏi chuyện chúng em" - một tình nguyện viên tiết lộ. Những nhân viên đầu bếp nấu, bày biện cơm chay tại Đại lễ cũng ăn mặc lịch sự và đón chào các vị khách bằng cử chỉ văn hoá.

Trong khi đó, các hoạt động bảo vệ do lực lượng của Bộ Công an và Công an Hà Nội cũng thường trực tại các khu vực trong và ngoài Trung tâm Hội nghị quốc gia. Riêng về hoạt động đưa đón đoàn, Phòng CSGT Công an Hà Nội chia các tổ, mỗi tổ từ 2-3 CSGT tham gia dẫn đoàn từ nơi nghỉ của đại biểu đến nơi làm việc và ngược lại.

Trong thời gian đại biểu làm việc, các tổ CSGT vẫn thường trực sẵn ở khu vườn hoa trong khuôn viên trung tâm, họ có thời gian đọc, tìm hiểu văn hoá Phật giáo, các điều cần biết khi giao tiếp, ứng xử. Hoạt động của lực lượng CSBV tuy khá cứng rắn trong sắc phục và nghiêm túc chấp hành quy định nhưng họ đã thấm nhuần phong cách ứng xử lịch sự.

Ngay lối soát thẻ, kiểm tra an ninh từ cổng số 3 vào khu triển lãm văn hoá Phật giáo đến các điểm kiểm tra an ninh phía trong, các sĩ quan An ninh, CSBV, Cảnh vệ thể hiện tác phong nhanh nhẹn, cởi mở, hài hòa bản sắc của ngày hội Phật giáo. Sĩ quan An ninh, Cảnh vệ hay tình nguyện viên, trước đại biểu là các chức sắc tôn giáo, các tăng ni, phật tử, họ đáp chào theo đúng nghi thức đạo Phật.

"Nhiều vị đại biểu không rõ quy trình, chúng tôi đáp chào rồi hướng dẫn rất cụ thể hoặc nhờ tình nguyện viên nói bằng tiếng Anh và chỉ dẫn, đưa đón đại biểu đến đúng địa chỉ cần tìm" - một Cảnh vệ cho biết. Và dù là lực lượng nào, tham gia đón tiếp hay phục vụ, bảo vệ an ninh tại Đại lễ, họ cũng tham dự cơm chay theo đúng văn hoá ẩm thực Phật giáo được Ban Tổ chức bố trí chu đáo ngay trong khuôn viên Trung tâm…

Thêm những kỷ lục mới của phật giáo được xác lập

Trong khuôn khổ Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008 (Vesak 2008), từ ngày 15/5 đến 18/5, Ban Tôân giáo Chính phủ, Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc và Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam - VietKings đã xác lập và chính thức công bố 12 kỷ lục Phật giáo Việt Nam.

Trong đó, ngôi chùa thả nhiều hoa đăng chào mừng lễ Phật đản lớn nhất Việt Nam thuộc về chùa Thành - Diên Khánh tự của Lạng Sơn, với 10.000 hoa đăng được thả xuống dòng sông Kỳ Cùng tối 18/5.

Lễ thắp nến cầu nguyện hòa bình lớn nhất do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức, có sự tham dự của 20.000 người, thuộc 75 quốc gia trên thế giới, với 20.000 cây nến được đồng loạt thắp nên vào tối 16/5.

Lễ trồng cây Bồ Đề nhiều nhất với 100 cây được chiết từ cây Bồ Đề Ấn Độ, tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình, vào ngày 17/5.

Cặp đèn lớn nhất, mỗi đèn cao 12m, nặng 10 tấn, làm bằng sắt bọc vải, của chùa Hoằng Pháp, TP Hồ Chí Minh.

Hội thảo Phật giáo lớn nhất, do Ủy ban Tổ chức Vesak thực hiện, có 5.000 người, thuộc 600 phái đoàn của 75 quốc gia tham gia.

Ngoài ra còn có các kỷ lục: Khinh khí cầu Đức Phật đản sanh lớn nhất, lá cờ Phật giáo lớn nhất, cuộc triển lãm ảnh Phật giáo nhiều nhất, vở cải lương về cuộc đời Đức Phật lớn nhất và có nhiều ấn tống nhất, chương trình nhạc giao hưởng Phật giáo lớn nhất, Hội thảo có người ăn chay nhiều nhất và Đại lễ Phật đản lớn nhất.

(PV)

Phan Đăng
.
.
.