Đại đức hát khúc ca “mùa xuân đầu tiên” ở Trường Sa

Thứ Hai, 11/02/2013, 12:19
Đại đức Thích Giác Nghĩa đang trụ trì 2 ngôi chùa lớn ở Nha Trang, Khánh Hòa là Vạn Đức và Phật Trí. Thế mà sau 3 lần ra Trường Sa, tháng 5/2012 ông phát nguyện ra đây để trụ trì chùa Trường Sa Lớn. Tết Quý Tỵ 2013, lần đầu tiên ông đón xuân cùng quân và dân ở quần đảo Trường Sa.

Trong cuộc gặp gỡ mới đây, ông có chia sẻ về tâm nguyện đem giáo lý nhà Phật ra Trường Sa cũng như trách nhiệm công dân trong việc bảo vệ vùng biển đảo này với phóng viên Báo CAND.

Phóng viên (PV): Thưa Đại đức, ông ra Trường Sa tu hành từ bao giờ ạ?

Đại đức Thích Giác Nghĩa: Tôi chính thức ra trụ trì chùa Trường Sa Lớn vào tháng 5/2012. Trước đó, tôi có 3 lần ra quần đảo Trường Sa để làm lễ cầu siêu cho các Anh hùng liệt sỹ - Những người đã ngã xuống để bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

PV: Chúng tôi được biết, sau khi có mặt ở Trường Sa, Đại đức và các huynh đệ của mình đã tổ chức nhiều chương trình có ý nghĩa.

Đại đức Thích Giác Nghĩa: Chúng tôi đã tổ chức nhiều nghi thức Phật giáo như dịp Rằm tháng Tư, lễ Vu lan, lễ Phật đản, lễ cầu an, cầu siêu cho các Anh hùng liệt sỹ... Ngoài ra, nhà chùa còn tổ chức phát quà cho các con em trên đảo. Trước khi về dự Đại hội Phật giáo lần thứ VII (tháng 11/2012) tại Hà Nội, chúng tôi đã trao tặng 300 suất quà cho các chiến sỹ trên đảo. Tôi rất vui khi thấy từ khi mình và các huynh đệ ra tu ở Trường Sa đã đem đến cho đảo sinh khí mới.

Đại đức Thích Giác Nghĩa.

PV: Nghĩa là từ khi xuất hiện các nhà tu hành, Trường Sa càng trở nên gần gũi và mang hình ảnh của làng quê Việt Nam phải không Đại đức?

Đại đức Thích Giác Nghĩa: Hình ảnh nhà sư, tiếng tụng kinh gõ mõ, tiếng chuông chùa ngân vang... Rồi những buổi lễ chấp pháp, giảng giải giáo lý nhà Phật... có sự tham gia của rất đông quân, dân đang sống trên đảo giúp xóa đi cảm giác đang ở giữa trùng khơi. Bản thân tôi sau một thời gian sống ở Trường Sa và nhiều lần đi đi về về với đất liền cũng cảm thấy, “Trường Sa không xa” nữa.

Ngay trong dịp Tết nguyên đán này, nhà chùa cũng “bị kéo” vào không khí chộn rộn, vui tươi của quân dân khi đón xuân về. Chúng tôi cũng gói bánh chưng, sắp phong lì xì và nhiều việc lễ đầu năm... Đây là cái Tết đầu tiên của tôi Trường Sa và hẳn là cái Tết đáng nhớ trong đời. Bởi tôi được sống, được cống hiến ở mảnh đất thiêng, giữa những con người gắn bó với Trường Sa. Ở đất liền vào lúc giao thừa, nhiều người thường đến chùa hành lễ, cầu bình an. Giao thừa năm nay, ở giữa muôn trùng sóng, những chiến sỹ Hải quân và cả những cư dân trên đảo cũng sẽ đi lễ chùa... Tôi thấy ấm lòng khi mình đã đem cái bình dị, thân quen và gần gũi ấy đến với Trường Sa.

PV: Qua trò chuyện với Đại đức, tôi cảm nhận được tình yêu tha thiết của ông với Trường Sa. Duyên cớ nào khiến ông gắn bó với nơi này?

Đại đức Thích Giác Nghĩa: Tôi vẫn nhớ như in chuyến đi đầu tiên ra Trường Sa. Lần đó, tôi đi cầu siêu tại các đảo trên quần đảo. Tôi thấy, ở giữa biển trời nước mênh mông nhoi lên những hòn đảo. Nơi có những con em mình đang ở độ tuổi thanh xuân ngày đêm canh giữ, bảo vệ. Tại sao con em mình vật lộn với sóng gió, bảo vệ trời biển, vùng phên dậu của đất nước, mình lại không đồng hành?

Bản chất của đạo pháp Việt Nam từ mấy ngàn năm là đồng hành cùng dân tộc. Xưa có các vị quốc sư làm trợ quốc tham quân, hiến kế cho các quân vương chống ngoại xâm, giữ yên bờ cõi, phát triển đất nước. Tinh thần hộ quốc an dân, bảo vệ dân tộc của Phật giáo rất rõ ràng. Phật giáo thịnh, quốc gia thịnh... Cho nên hôm nay, tôi phát nguyện hy sinh đời trai của mình, đóng góp một phần công sức nhỏ bé cho công cuộc hộ quốc an dân bằng cách thiết thực nhất là ra ở Trường Sa. Đồng hành cùng anh em, chia sẻ ngọt bùi để bảo vệ chủ quyền Việt Nam.

PV: Khi quyết định ra Trường Sa, hẳn là Đại đức đã lường trước được khó khăn?

Đại đức Thích Giác Nghĩa: Đang trụ trì hai ngôi chùa lớn ở thành phố Nha Trang, nơi có cơ sở vật chất rất tốt và nhiều đệ tử nhưng tôi vẫn quyết tâm ra Trường Sa. Tôi cũng nhìn thấy những khó khăn như điều kiện địa lý, điều kiện ăn ở... Ví như hiện nay, chư tăng chúng tôi vẫn đang ở nhờ nhà khách của UBND huyện Trường Sa... Rồi việc đi lại cũng rất khó khăn, gian khổ. Mỗi lần đi, về mất cả chục ngày lênh đênh trên biển. Thế nhưng do chúng tôi được tu luyện, cộng với ý chí nên không bị sóng đánh ngã (say sóng), không bị gió nhấn chìm...

PV: Đại đức có dự kiến xây dựng thêm hạng mục mới cho chùa Trường Sa Lớn không ạ?

Đại đức Thích Giác Nghĩa viết thư pháp trên sỏi để tặng những người bạn đến với Trường Sa. Ảnh: Long Hưng.

Đại đức Thích Giác Nghĩa: Bản chất của tôi ít coi trọng việc xây dựng cơ sở vật chất mà quan tâm nhất đến việc xây dựng nhân tố con người. Gần một năm ra Trường Sa, chúng tôi hướng dẫn, chia sẻ với chiến sỹ về tình cảm con người, quy y cho khoảng 100 người, hướng dẫn họ biết ăn chay niệm Phật, biết đi lễ chùa... Ban ngày, người lính cầm súng bảo vệ biển đảo, rèn luyện. Chúng tôi còn kể cho các cháu học sinh về lịch sử Việt Nam, về truyền thống hiếu đạo của người Việt, về giáo lý nhà Phật, về văn hóa dân tộc... Tôi nghĩ, chúng tôi đã xây dựng được cấu trúc cơ bản với Trường Sa. Về cơ sở vật chất, chúng tôi cũng sẽ xây dựng. Đó là công trình nhà tăng, nhà thờ tổ... để dần hoàn thiện ngôi chùa Trường Sa Lớn.

PV: Tôi được biết, Đại đức sẽ lấy Phật hoàng Trần Nhân Tông làm tổ các chùa ở Trường Sa...

Đại đức Thích Giác Nghĩa: Đúng thế. Phật hoàng Trần Nhân Tông là một vị vua anh minh. Chúng tôi chọn ông là tổ của các chùa ở Trường Sa vì đấy là một người Việt Nam, người sáng lập ra một thiền phái thuần túy Việt Nam. Chúng ta tự hào có văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo Việt Nam. Chúng ta phải tự hào về văn hóa của mình để tôn thờ văn hóa của chính mình.

PV: Hành trình tìm đến cửa Phật của Đại đức đúng là câu chuyện thật đáng nhớ.

Đại đức Thích Giác Nghĩa: Thủa nhỏ, cha tôi có hỏi các con, lớn lên sẽ làm nghề gì. Tôi trả lời, “con muốn đi tu”. Nghe vậy, ông không nói gì. Năm 1981, tôi theo người nhà lên thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) chơi và gặp các sư cô ở một ngôi chùa tại Nha Trang lên bán nhang. Sau một thời gian lang thang, tôi đã vào Nha Trang và tìm đến gặp các sư cô. Nhưng đó là chùa sư nữ nên họ đưa tôi lên chùa Từ Văn ở Cam Ranh, Khánh Hòa. Sau một thời gian tu tại đây, tôi được đưa đi học ở chùa Trúc Lâm, Huế. Năm 1994, người dân và chính quyền ở đây tin tưởng giao cho tôi trông coi chùa Vạn Đức. Khi đó, tôi 24 tuổi...

PV: Tôi được biết, thay vì cố gắng để xây dựng ngôi chùa ngày một khang trang, Đại đức đã tập trung nuôi người phải không ạ?

Đại đức Thích Giác Nghĩa: Vạn Đức khi đó là một ngôi chùa nhiều năm gián đoạn chư tăng, đang bị để hoang phế. Thời đó rất khó khăn, lại là một tăng sinh mới 24 tuổi... Nhưng may nhờ phật tử, bà con cho cái nọ, giúp cái kia nên cuộc sống dần ổn định. Tôi không trùng tu lớn, chỗ nào dột thì vá nên đến giờ ngôi chùa vẫn còn nguyên vẹn. Tôi tập trung nuôi học trò, tôi không xây chùa to, tượng lớn. Vì nuôi người thì đó mới là ngôi chùa sống. Khó khăn đến mức phải đi xin ăn nhưng tôi nuôi liền 10 chú tiểu.

Khi chùa dột, thầy trò lại phải ngủ dưới đất nên mới có chuyện sáng ra các chú kình nhau xem ai... đái dầm. Nhiều đêm mưa, tôi ẵm các chú từ chỗ này lên chỗ kia. Còn chuyện mưa, lụt ngập đường, tôi cõng các chú đến trường là thường. Các chú tiểu đó giờ người là Đại đức, người đi du học... Người học trò đầu tiên của tôi giờ đang học Thạc sỹ y khoa ở thành phố Hồ Chí Minh, người thứ hai đang là du học sinh chuyên ngành Ngôn ngữ học ở Singapore, ở Học viện Phật giáo hiện nay có khoảng 10 người đang theo học...

PV: Và Đại đức vẫn duy trì cách nghĩ, cách làm trên khi ra tiếp quản chùa Trường Sa Lớn phải không ạ?

Đại đức Thích Giác Nghĩa: Nhiều người hỏi tôi về khác biệt giữa việc tu ở chùa lớn trong đất liền và ở Trường Sa. Tôi trả lời, có thể ai đó cho rằng đó là khoảng cách. Nhưng Phật giáo Việt Nam 3.000 năm đồng hành với dân tộc. Hình thức bên ngoài có thể khác nhưng trong tâm, ai cũng phật thánh. Chúng tôi lấy tình người, tình thương yêu Phật pháp để đến với nhau. Từ đó, không có sự khác biệt giữa quân, dân, chư tăng... Những ai đang có mặt ở Trường Sa, từ nhà khoa học, chức sắc tôn giáo, ngư dân..., mỗi người đều có đóng góp cho Trường Sa theo cách của mình. Chúng tôi đến với nhau bằng tình cảm chứ không phải tôn giáo.

PV: Cảm ơn Đại đức về cuộc trao đổi này. Chúc ông có một “Mùa xuân đầu tiên” ở Trường Sa thật đẹp

Cao Hồng (Báo CAND Tết 2013)
.
.
.