Đắc Lắk: Di tích bị bỏ quên giữa rừng

Thứ Sáu, 22/12/2006, 08:52

Tháp Yang Prong còn có tên gọi khác là tháp Chăm, vốn là di tích lịch sử của người Chăm từng sinh sống tại Đắk Lắk vào thế kỷ XVII. Nhưng từ năm 1995 đến nay, tháp này bị bỏ quên giữa rừng và ngày càng xuống cấp trầm trọng.

Tháp Yang Prong được kiến trúc mang dấu ấn đặc trưng của người Chăm, là một di tích lịch sử văn hóa có giá trị. Năm 1995, tháp Yang Prong được Nhà nước công nhận là di tích cấp quốc gia, lễ đón nhận bằng di tích được UBND huyện Ea Súp tổ chức trọng thể. Từ đó đến nay, tháp Yang Prong bị bỏ quên, đang tàn tạ, xuống cấp theo mưa nắng.

Tháp nằm trên địa phận thôn 5, xã Ea Rốc, cách thị trấn Ea Súp hơn 20 cây số. Là một di tích văn hóa cấp quốc gia nhưng không hề có người trông coi hay bảo vệ. Để vào được chân tháp, chúng tôi phải len lỏi dọc con đường độc đạo, không hề có một biển báo, chỉ dẫn nào, cũng không có bất kỳ thông tin gì được giới thiệu tại đây.

Quang cảnh u tịch, vắng vẻ. Thân tháp đã nứt nhiều chỗ, có những viên gạch nứt rơi ra cả bên ngoài. Bởi đã đứng quá lâu giữa rừng già, trên thân tháp, cỏ cây lau lách phủ trùm. Có cảm tưởng như di tích này đang… ngủ quên!

Ông Lê Văn Đức, một người dân sống ở đây hơn 20 năm cho biết: Sau khi trở thành di tích lịch sử quốc gia, tháp cũng được tu sửa lại chút ít, người ta đã lồng thêm cốt sắt vào thân tháp nên nó mới đứng vững đến bây giờ. Nhưng rồi chẳng ai quản lý, ngày rằm, ngày lễ, bà con trong thôn phải vào quét tước dọn dẹp.

Theo ông Bùi Văn Nguyệt, Bí thư Đảng ủy xã Ea Rốc, thì sau khi di tích được công nhận vài ba năm, UBND huyện Ea Súp có văn bản giao cho xã quản lý nhưng không có quy chế hay chế độ chính sách nào khác, kinh phí xã lại hạn hẹp nên giao lại cho hai thôn 5 và 6 trông coi mà không có sự hỗ trợ nào.

Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ea Súp đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị lên các cấp có thẩm quyền của tỉnh đề nghị có kế hoạch đầu tư kinh phí để tu tạo, bảo vệ tháp. Nhưng cho đến nay, các đề nghị này vẫn chưa được quan tâm. Di tích lịch sử văn hóa Yang Prong vẫn tiếp tục bị bỏ quên giữa rừng

Tuấn Thiện
.
.
.