“Đa ngôn, đa quá”

Thứ Tư, 23/07/2008, 12:31
Tục ngữ Việt Nam có câu: "Đa ngôn, đa quá!", nghĩa là nói nhiều thì lầm lỗi cũng nhiều. Đôi khi người nói nhiều, có thể chỉ để khỏa lấp sự trống rỗng kiến thức mọi mặt của mình. Biết trân trọng những người im lặng, bởi im lặng, khiêm nhường chưa hẳn đã là người kém cỏi.

Trên một chuyến tàu khách đang lao với tốc độ nhanh, tôi lấy túi bông gòn vê viên nhét vào hai lỗ tai, rồi đưa cho anh bạn ngồi đối diện, hai tay đang bịt hai tai. Anh bạn lắc đầu, cảm ơn, xong ghé sát đầu tôi, nói:

- Tôi không sợ tiếng bánh tàu siết trên đường ray ầm ầm như giông bão, mà sợ tiếng nói liên thanh như tra tấn của người điên kia kìa!

Anh bạn nháy mắt, hất hàm về phía một phụ nữ chừng 30 tuổi, béo tròn, mặc bộ đồ ngủ vằn da hổ, đang vươn cổ qua lối đi giữa hai hàng ghế, nói với mấy người bạn: "A, chồng con đếch gì nó! Của nợ thì có. Chuyến tàu cuối cùng vào ga lúc 3h sáng mới dẫn xác về nhà. Áo nửa tháng không giặt, hôi như tổ cú, vắt vai; người bóng nhoáng, khét mù mồ hôi dầu; chẳng nói chẳng rằng, đổ ập vào vợ đòi ấy. Hí hí... hố hố!". Rồi chị ta cười sằng sặc và mô tả cụ thể động tác ái ân của chồng.

Mấy chị bạn cau mặt khó chịu, nói: "Chị chẳng nói người ta cũng biết. Hay hớm gì chuyện đi nói xấu chồng chốn đông người. Nói thật nhé, không có anh chồng cô đêm nào cũng đi bốc vác tới sáng thì lấy tiền đâu mà đổ vào bốn cái tàu há mồm. Ngày nào cũng như ngày nào, 1 mẹ và 3 con chuyên vào hợp tác xã đan quạt (ý nói là đánh bài), lại còn cong mỏ chê chồng cửu vạn!".

"Này, tôi nói cho các người biết, gái này đếch chịu kém ai đâu nhé...", chị ta chồm lên, một tay chống nạnh, một tay xỉa xói vào mấy người bạn, miệng không ngớt chứng minh rằng, mình là người đoan chính, đảm đang, khiến hành khách quanh chị nhăn mặt, lắc đầu khó chịu.

Còn anh bạn tôi thì đưa ngay cho tôi một tờ giấy, trên đó ghi vội mấy dòng chữ: Tôi sẽ viết một bài báo lấy đầu đề: "Hãy cứu lấy những người lắm lời, buôn dưa lê", ký tên: Lê Văn Trí, hiện công tác tại giàn khoan Aprôra 01, ĐTDĐ 09041959xx.

Tôi mỉm cười gật đầu tỏ ý đồng tình với ý tưởng của anh. Anh bảo, bệnh nói nhiều hiện nay đang lan nhanh như một nạn dịch. Chỗ anh ở có một chị nói nhiều đến nỗi bà con khối phố bảo chị nên đi bệnh viện tâm thần khám bệnh. Chị ta phản ứng tức thì: "Tôi không điên! Tôi không điên! Chính các người mới điên!". Người say rượu thì bảo: Tôi không say! Người tâm thần thì gào lên: Tôi không điên. Thật chẳng ra làm sao!

Tôi nghĩ, anh Trí nói cũng có ý đúng. Liên hệ với gia đình tôi cũng vậy. Hồi cháu gái tôi đi lao động ở Đài Loan về, mặc quần soóc trắng, đi giày Adidas, mở miệng là chê người Việt Nam lạc hậu đủ điều, khen người Đài Loan văn minh mọi nhẽ, nói năng bạt mạng, chẳng coi ai ra gì.

"Ông ạ, thằng chủ cháu nó cáo lắm. Nó bảo mẹ nó rằng, vì sợ phải nộp tiền thuế nhu nhập cá nhân, sợ bọn môi giới ăn chặn đầu, chặn đuôi, nên người giúp việc nhà ta mới trốn khỏi công ty. Nay thuê nó về trông nom cho mẹ, mẹ đừng cho nó ra ngoài kẻo Cảnh sát nó bắt được thì không những sẽ bị phạt cả hai, mà người giúp việc còn bị trục xuất về nước. Cháu bảo với thằng chủ, tao là người tự do, mày không thể đối xử với tao như một tù nhân. Mày xui tao trốn khỏi công ty về làm vợ mày, ăn sung mặc sướng. Giờ mày biến tao thành con ở, v.v và v.v...”.

Cứ "mày - tao" như thế trước mặt ông già, bà cả, bà con hàng xóm tới thăm hỏi. Tôi ngượng chín cả mặt. Buổi tối, tôi bảo cháu lên gác thượng, hai ông cháu tâm sự. Tôi nói, người Việt mình rất giỏi sử dụng đại từ nhân xưng. Cháu cứ để ý bé Tôm nhà mình mà xem. Tuy mới 5 tuổi, nhưng trước khi ăn cơm, bé đều khoanh tay, lễ độ thưa: "Cháu mời ông bà nội xơi cơm, con mời bố mẹ xơi cơm, em mời anh chị xơi cơm, chị mời em Cún ăn cơm". Từ "mày - tao" chỉ nói với bạn bè thân thiết, mà cũng rất hạn chế, và có thể thay thế bằng từ "cậu - mình" nghe văn minh, lịch sự hơn.

Còn với người chủ của con bên Đài Loan, thì cháu nên gọi (chuyển ngữ) thành ông, ngài, anh; còn cháu xưng là tôi, cháu, em, tùy theo tuổi tác, tình cảm, hoàn cảnh cụ thể mà xưng hô, sao cho người nghe cảm nhận được truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt, cách ứng xử văn minh của người Việt ta.

Tục ngữ Việt Nam có câu: "Đa ngôn, đa quá!", nghĩa là nói nhiều thì lầm lỗi cũng nhiều. Đôi khi người nói nhiều, có thể chỉ để khỏa lấp sự trống rỗng kiến thức mọi mặt của mình. Biết trân trọng những người im lặng, bởi im lặng, khiêm nhường chưa hẳn đã là người kém cỏi.

Ông đi đâu, thường im lặng chịu chuyện, bí mật tung ra lưỡi câu vô hình để "móc" lấy càng nhiều kiến thức của người khác càng tốt, rồi ghi vào bộ nhớ của mình làm vốn. Nếu ai hỏi thì vui vẻ, khiêm tốn trả lời, câu nào đích đáng câu ấy, vừa đủ để người nghe hiểu rằng, người đang trò chuyện thật tế nhị, lịch sự và có văn hóa.

Hãy đặt mình vào vị trí người nghe, nhìn vào đôi mắt người nghe, nếu cảm thấy họ không còn hứng thú nghe nữa, thì người nói phải ngừng ngay. Đừng tra tấn người nghe bằng những lời nói vô bổ và thiếu văn hóa, nhất là ở những nơi đông người.

Ông cha ta từng dạy: Học ăn, học nói, học gói, học mở, cũng là với ý nghĩa sâu xa: "Rượu nhạt uống lắm cũng say/ Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm"

Tâm Giao
.
.
.