Cựu Giám đốc Sở TDTT Nghệ An: Vinh quang và cay đắng

Thứ Hai, 09/01/2006, 06:52

Sau các đợt sóng dư luận về Quốc Vượng - Văn Quyến - Phi Hùng đến HLV Hữu Thắng, dư luận ở Thành Vinh lại hướng tới cựu Giám đốc Sở TDTT Nghệ An: ông Nguyễn Hoàng Thụ. Ông Thụ sẽ liên quan thế nào đối với CLB Sông Lam? Nghi án nếu thành vụ án, ông Thụ có trở thành bị cáo?

Con đường thăng tiến ...

Những xì xèo về ông Nguyễn Hoàng Thụ nhiều lắm, nhưng dư luận ở thành Vinh ghi nhận: Ông Nguyễn Hoàng Thụ là người có chuyên môn và có nghị lực phấn đấu tốt nên con đường thăng tiến khá nhanh, mặc dù ông không có ô, có choải.

Sinh năm 1950 tại làng Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, có năng khiếu thể thao từ bé, học hết cấp 3, ông thi vào Trường Đại học TDTT Từ Sơn. Năm 1973, sau khi tốt nghiệp đại học, ông về công tác tại Sở TDTT Nghệ An. Chỉ sau 7 năm làm HLV đội bóng chuyền nam, nữ Nghệ Tĩnh, năm 1980, khi mới 30 tuổi, ông đã được đề bạt làm Phó hiệu trưởng, kiêm Trưởng bộ môn Bóng chuyền Trường Năng khiếu TDTT tỉnh. Năm 1986, ông làm Quyền Hiệu trưởng. Năm 1987, mới 37 tuổi, ông đã là Phó Giám đốc Sở TDTT Nghệ Tĩnh, kiêm Hiệu trưởng Trường Năng khiếu TDTT. Năm 1993, tròn 20 năm công tác, chiếc ghế Giám đốc Sở TDTT đã thuộc về ông, ấy là quãng thời gian được dư luận ngay chính nội bộ ngành TDTT đánh giá ông trong sáng, nhiệt huyết, vô tư và mẫu mực.

Ông đã có những đóng góp không nhỏ đối với sự nghiệp phát triển TDTT xứ Nghệ (Nghệ An và Hà Tĩnh), cả TDTT phong trào và đỉnh cao, nên chiếc ghế Giám đốc xứng đáng dành cho ông. Không ít người hồi đó hậm hực bởi sự thăng tiến tự nhiên, không rào cản của ông, nhưng ông Thụ đã ngồi vững trên ghế Giám đốc Sở tới 13 năm. Lịch sử Sở TDTT Nghệ An chưa có ai giữ được ghế lâu như ông.

Những năm làm Giám đốc, ông tập trung chỉ đạo Đoàn bóng đá Sông Lam, sau này là CLB Sông Lam, mặc dù điểm xuất phát của ông là bóng chuyền. Ông từng là Phó Ban chỉ đạo bóng đá của tỉnh Nghệ An (Trưởng ban là Phó Chủ tịch phụ trách văn xã của tỉnh) nên quyền bính đối với bóng đá thực tế nằm trong tay ông.

Với khát khao chiến thắng của lãnh đạo tỉnh và người hâm mộ xứ Nghệ nên Giám đốc Sở TDTT Nguyễn Hoàng Thụ thường trực tiếp tham gia chỉ đạo các cuộc họp bàn về đấu pháp, quản lý cầu thủ, trực tiếp cùng Ban Huấn luyện đưa đội bóng đi thi đấu... CLB Sông Lam ngày một lớn mạnh, uy tín của ông Thụ càng lớn. Điều này được chứng minh: Sau hai nhiệm kỳ Giám đốc Sở, ông nằm trong quy hoạch phát triển lên Phó Chủ nhiệm Ủy ban TDTT (hàm Thứ trưởng). Đó là thời kỳ vinh quang ngời sáng của ông.

... Và cay đắng

Năm 2003, tròn 10 năm làm Giám đốc, thông tin khởi nguồn từ nội bộ ngành TDTT khiến dư luận xới lên chuyện ông Thụ được chia tiền thưởng tới 172 triệu đồng từ đội bóng; để đội Sông Lam ngày càng bê bối, ông Thụ phải có trách nhiệm liên quan về quản lý Nhà nước... Dư luận còn xới lên chuyện chất lượng công trình dự án đầu tư xây dựng sân Vinh 10 tỷ đồng và dự án xây dựng Nhà thi đấu Nghệ An 6,5 tỷ đồng do ông Thụ làm chủ đầu tư.

Cũng năm 2003, chẳng hiểu do hằn thù cá nhân hay vì ông chống tiêu cực trong bóng đá quyết liệt mà ông bị cảnh cáo bằng một bức trướng và vòng hoa viếng ông, đặt tại ngõ 196 Phan Chu Trinh nhà ông. Đây là đòn khủng bố tinh thần khiến ông Thụ căng thẳng, mỏi mệt và cay đắng, chưa kể những cuộc điện thoại, nhắn tin từ các số điện thoại lạ hoắc, bất kể ngày đêm, đe dọa khủng bố ông khiến về đêm, ông phải tắt máy... Những chuyện đại loại như thế khiến ông Thụ phải ở lại Nghệ An, lỡ chớn đối với chiếc ghế Phó Chủ nhiệm Ủy ban TDTT đã chờ sẵn.

Cuộc "đại phẫu" Sông Lam giữa năm 2004, nhiều tờ báo đã trói trách nhiệm cho ông, nhưng rồi tất cả xem ra được sắp xếp ổn thỏa: Đầu năm 2005, ông Thụ có thông báo nhậm chức Chánh văn phòng Ủy ban TDTT. Ông đã khăn gói ra Hà Nội thuê nhà, chuẩn bị cho một cuộc di dời đưa cả nhà ra định cư ở Thủ đô. Trước khi chia tay với Nghệ An, ông Thụ đăng cai một cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì để ông nói lời từ biệt với giới báo chí Nghệ An. Nào ngờ tại cuộc họp này, nhiều nhà báo chất vấn ông, quy trách nhiệm đối với ông và mong muốn Nghệ An phải làm rõ những vấn đề liên quan đến ông. Trước áp lực ấy, ông Thụ đã phải tiếp tục ở lại Nghệ An hầu Thanh tra Nhà nước tỉnh, hãy còn chuyện lình xình, chiếc ghế Chánh văn phòng Ủy ban TDTT đã không còn cơ hội cho ông.

Mãi đến tháng 11/2005, mọi việc đâu vào đấy, dư luận về khoản tiền thưởng 172 triệu không hợp lý, nhưng được coi là hợp lệ bởi ông có công chỉ đạo và số tiền đó đâu chỉ mình ông hưởng mà còn chia chác với bề trên nên được tha thứ, ông dứt hẳn được cái ghế Giám đốc Sở đầy vinh quang và cay đắng ông đã ngồi 13 năm, sau khi vừa bảo vệ xong luận án tiến sỹ thể thao với đề tài đưa bóng đá vào trường học. Không ồn ào, lần này ông đã lặng lẽ đi làm chân Phó vụ trưởng.

Một cán bộ Sở TDTT Nghệ An tiết lộ: "Với ông Thụ giờ đây, nỏ cần Thứ trưởng, Chánh văn phòng chi nữa, ông chỉ cần rời Nghệ An là được", nhưng xem ra cuộc đời đã không mỉm cười với ông. Vụ bán độ của Quốc Vượng - Văn Quyến (cầu thủ của Sông Lam) tại SEA Games 23 và những bức xúc của ông Nguyễn Thành Vinh, nguyên HLV CLB Sông Lam từ Trại tạm giam T16 đã khơi mào cho nghi án bê bối của Sông Lam suốt 5 năm qua. Ngoài Hữu Thắng, Nguyễn Hồng Thanh và một số người liên quan, cựu Giám đốc Nguyễn Hoàng Thụ cũng được mời đến cơ quan điều tra làm rõ những vấn đề của nghi án bán độ, "đấu pháp" mua độ để dàn xếp tỷ số, sự hư hỏng, thao túng nền bóng đá Việt Nam có nguồn gốc liên quan từ đội bóng xứ Nghệ, khoản ăn chia tiền thưởng 1,5 tỷ đồng của CLB Sông Lam mà ông đã cho kiểm tra nhưng rồi êm ái cho qua chuyện...

Lặng lẽ ngôi nhà 196 Phan Chu Trinh, Tp. Vinh

Gia cảnh của ông Thụ xem ra cũng giản dị, quê ở Nam Đàn, nhưng ông làm rể quê hương cụ Nguyễn Du. Vợ ông, sau nhiều năm làm việc ở Nhà máy Xi măng Cầu Đước TP Vinh đã nghỉ hưu. Hai con trai ông Thụ đã thành đạt. Một là thạc sỹ thể thao, cùng cô vợ trẻ đang công tác tại Sở TDTT Nghệ An đã có nhà riêng, con trai thứ hai đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Ngôi nhà hai tầng số 196 đường Phan Chu Trinh giờ đây đóng cửa im lìm bởi ông và vợ đã ra Hà Nội. Cô con gái út đang học đại học ở cùng với ông bà, nghe nói là phường Khương Thượng.

Một cán bộ Sở TDTT cho hay: "Về của chìm thì không biết, còn bề nổi, ông Thụ cũng thường thường bậc trung. Ngay cả ngôi nhà 196 Phan Chu Trinh, TP Vinh hiện bề thế, lặng lẽ ấy cũng phải mất 3 lần sửa chữa, nâng cấp".

Quả là ông Thụ đã trải bao vinh quang và cay đắng. Vinh quang thì ông cứ tận hưởng, còn cay đắng đâu chỉ mình ông mà liên quan đến sự nghiệp TDTT của cả xứ Nghệ. Dư luận thành Vinh đang nóng lòng: Cựu Giám đốc Nguyễn Hoàng Thụ sẽ liên quan thế nào đối với CLB Sông Lam? Nghi án nếu thành vụ án, ông Thụ có trở thành bị cáo?

Hải Ninh
.
.
.