Cuộc vận động viết báo "Chúng con luôn bên mẹ"

Thứ Năm, 23/04/2009, 13:34
"Chúng con luôn bên mẹ" là tên gọi của cuộc vận động viết báo và chương trình xã hội do Báo Gia đình & Xã hội phối hợp với Quỹ Thiện tâm của Tập đoàn Technocom tổ chức phát động vào chiều 22/4.
Với ý nghĩa to lớn của chương trình, lễ phát động đã được đón ông Nguyễn Bá Thủy - Thứ trưởng Bộ Y tế cùng đại diện một số ban, ngành của TW và địa phương. Đặc biệt là sự có mặt của các vị tướng lĩnh trong LLVTND: các Trung tướng Phạm Hồng Cư, Nguyễn Quốc Thước, Phạm Tuân, Phạm Xuân Thệ, Vũ Trọng Kính, Thiếu tướng-nhà văn Hữu Ước - TBT Báo CAND v.v…

Ông Lê Cảnh Nhạc - TBT Báo Gia đình & Xã hội, Trưởng BTC cuộc vận động đã bày tỏ tình cảm và suy nghĩ chân thành: Để có được hòa bình hôm nay, hàng vạn bà mẹ đã không được đón những đứa con thân yêu trở về trong ngày chiến thắng.

Các vị tướng giao lưu trong lễ phát động.

Hơn ai hết, những người phụ nữ Việt Nam đã chịu đựng mọi hy sinh, gian khổ, nước mắt luôn lặn vào tim chỉ để cho mong muốn đất nước được độc lập tự do. Có những người mẹ đã 11 lần phải thắp hương trên bàn thờ cho chồng, con như BMVNAH Nguyễn Thị Thứ… Đó là những người mà đất nước luôn khắc ghi ơn sâu nghĩa nặng.

Vì thế, cuộc vận động viết báo "Chúng con luôn bên mẹ" ra đời, như một sự báo ân thiết thực với sự hy sinh của các mẹ, các chị. Ban Chỉ đạo cuộc vận động do chính ông Nguyễn Quốc Triệu - Bộ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng ban và thành viên là Thứ trưởng các Bộ Y tế, Bộ TT&TT, Bộ LĐ-TB&XH, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam v.v…

Đây cũng là hoạt động kỷ niệm 35 năm ngày đất nước toàn thắng, nhưng điểm nhấn là phát động phong trào "Uống nước nhớ nguồn", tôn vinh những đơn vị, cá nhân có nhiều công lao chăm sóc BMVNAH, mẹ thương binh, liệt sĩ, người có công là phụ nữ. Cuộc vận động cũng nhằm để phát hiện ra các mẹ, các chị còn gặp khó khăn và kêu gọi cộng đồng giúp đỡ, sẻ chia.

Ông Lê Cảnh Nhạc cho biết thêm: BTC chấp nhận các thể loại phóng sự, ghi chép, bút ký nhưng phải là phản ánh người thật, việc thật. Cuộc vận động sẽ kết thúc vào ngày 30/4/2010. BTC sẽ tặng thưởng cho các tác phẩm xuất sắc: 1 giải A trị giá 20 triệu đồng; 2 giải B trị giá 10 triệu đồng/giải và 5 giải C trị giá 5 triệu đồng/giải.

Tại buổi lễ, các vị tướng đã cùng giao lưu với khán giả, cùng ôn lại những kỷ niệm đầy xúc động về người mẹ kính yêu. Trung tướng Phạm Hồng Cư nhắc nhớ về mẹ - người mẹ của những vị tướng lĩnh - trong ký ức nghẹn ngào: Mẹ, một cán bộ cách mạng, một người mẹ chiến sĩ, đã động viên các con lên đường ra trận. Nhưng mẹ cũng phải mang nỗi đau xé lòng khi người con trai lớn, ông Lê Đỗ Khôi đã hy sinh ngay bên tượng đài chiến thắng Điện Biên chỉ vài giờ trước khi quân Pháp kéo cờ trắng ra hàng.

Nỗi đau chưa kịp nguôi, mẹ lại phải chứng kiến sự ra đi của người con gái nơi hậu phương, để những giọt nước mắt lặng thầm của mẹ đi vào bài thơ "Màu tím hoa sim" nổi tiếng của Hữu Loan. Nhưng suốt cuộc đời, mẹ vẫn là niềm động viên lớn nhất cho Trung tướng Phạm Hồng Cư trên mọi nẻo đường.

Cũng chung tâm trạng ấy, Trung tướng Phạm Xuân Thệ, người đã đặt bước vào dinh Độc Lập rất sớm để cùng đồng đội đưa Tổng thống Dương Văn Minh đến Đài phát thanh đọc tuyên bố đầu hàng ngày 30/4/1975, mang đến người nghe những kỷ niệm về mẹ. Mẹ đã động viên cả 2 con ra trận. Khi con trai muốn tái ngũ, mẹ lại một lần nữa gạt nước mắt tiễn con đi. Mẹ luôn là niềm khích lệ cho mọi bước con đi.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cũng xúc động khi nhớ về lần ông ra Bắc nhận nhiệm vụ trước chiến dịch Tây Nguyên 1975, mẹ đã yêu cầu ông nằm bên mẹ một đêm, để được âu yếm con trai như ngày thơ bé, vì hiểu rằng, chưa biết con có trở về hay không. Mẹ đã không khóc, không làm chùn bước chân con, mà những tình cảm của mẹ là động lực lớn lao cho con bước vào cuộc chiến và giành chiến thắng.

Trung tướng Phạm Tuân và Trung tướng Vũ Trọng Kính lại dành tình cảm yêu thương cho những người mẹ, đồng đội nữ, dù họ không phải là ruột thịt, nhưng đã là động lực tinh thần, nguồn cội chiến thắng cho người lính. Sự có mặt của họ khiến không khí căng thẳng, sự ác liệt của chiến tranh lùi về phía sau, khích lệ tinh thần và tạo sức mạnh cho những cánh bay trên bầu trời chiến thắng. Mãi mãi, những người mẹ Việt Nam là biểu tượng của sự hy sinh cao cả cho đất nước

Thanh Hằng
.
.
.