Cuộc thi hát thính phòng - nhạc kịch lần 4: Cần nhận thức đúng hơn

Thứ Bảy, 25/04/2009, 10:32
Từ ngày 24/4 đến ngày 29/4, Cục Nghệ thuật biểu diễn - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức cuộc thi hát thính phòng - nhạc kịch lần thứ 4. Đây là một cuộc thi nhằm động viên, khuyến khích và tôn vinh những tài năng âm nhạc trẻ, có nhiều tâm huyết và sáng tạo đối với thể loại âm nhạc cao cấp này, có thể gọi là một concourt trong thể loại thanh nhạc.

Thiếu sót từ quy chế

Theo ông Lê Ngọc Cường, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, đây là một cuộc thi có số lượng thí sinh tham dự đông đảo nhất từ trước đến nay (49 người thuộc 9 đơn vị) ở các học viện âm nhạc và các nhà hát chuyên nghiệp. Điều đó cho thấy những tín hiệu đáng mừng về chất lượng cuộc thi.

Ông Cường cho biết, quy chế cuộc thi cũng đang tiếp cận với chuẩn mực của các cuộc thi quốc tế, giúp các thí sinh bớt bỡ ngỡ khi tham gia ở trường thi quốc tế.

Nhưng ngay từ quy chế cuộc thi, theo ông Đỗ Hồng Quân, Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ban tổ chức đã có những nhầm lẫn, không hiểu do "tự ti" hay do "thiếu nhận thức". Ban tổ chức yêu cầu vòng một mỗi thí sinh tham gia phải trình bày một Aria của thế kỷ 17, 18, một Aria tự chọn và một ca khúc Việt Nam, thêm vào một Romance ở vòng hai và hai ca khúc Việt Nam tự chọn.

Theo ông Đỗ Hồng Quân, sẽ là thiếu sót nếu các thí sinh trình bày nhạc Việt chỉ là các ca khúc (song) chứ không phải Aria hay Romance, bởi trong thuật ngữ chuyên môn, hai loại hình này hoàn toàn khác nhau. Thí sinh tham dự các cuộc thi nhạc thính phòng khi trình bày nhất định phải là các Aria và Romance chứ không thể là các ca khúc đơn thuần.

Có hay không dòng âm nhạc đỉnh cao Việt Nam

Trong quy chế cuộc thi, Ban soạn thảo đã không hề nhắc đến các Aria, hay Romance của Việt Nam mà chỉ dùng từ "ca khúc", vô tình, Ban soạn thảo "chưa nhận thức" đầy đủ hay "tự ti" khi cho rằng Việt Nam chưa có tác phẩm nào đáng để gọi là Aria hay Romance.

Theo ông Đỗ Hồng Quân, nền âm nhạc Việt Nam có những tác phẩm đỉnh cao đã được thế giới công nhận, đó chính là di sản quý báu cần được giữ gìn và tôn vinh. Ông khẳng định, Việt Nam có khoảng 10 Aria, đó là những Aria bất hủ trong các vở opera của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Người tạc tượng, Aria Cô Sao gắn liền với tên tuổi của nhiều nghệ sĩ hát nhạc kịch thính phòng và từng đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới.

Rồi Bông sen trắng của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Bên bờ K"rông pa của nhạc sĩ Nhật Lai. Còn Romance, chúng ta phải có đến hàng trăm, Du kích sông Thao của Đỗ Nhuận, Tình ca của Hoàng Việt, Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi… Phải khẳng định rằng Việt Nam thực sự có một nền âm nhạc đỉnh cao, đó là những di sản quý giá cần được nhìn nhận đánh giá đúng mức và cần được bảo tồn, bắt đầu từ nhận thức về một cuộc thi âm nhạc quan trọng và mang tính chuyên nghiệp cao như thế này.

Điều đáng nói trong cuộc thi này, theo ông Đỗ Hồng Quân, trước hết các thí sinh cần phải trình bày thành công các bản Aria, Romance Việt Nam trước khi trình bày các nhạc phẩm của thế giới. Đó cũng là một cách để chúng ta quảng bá, giới thiệu với thế giới vốn liếng của mình.

Ông Đỗ Hồng Quân khẳng định, Việt Nam có một nền âm nhạc đỉnh cao, đó là một dòng chảy thao thiết cần được khẳng định và coi trọng. Thập kỷ 80, chúng ta từng tự hào đến sững sờ trước một Đặng Thái Sơn, đó là sự khởi đầu của những hy vọng và chính hy vọng đó đang được nhen lên qua cuộc thi này để có những định hướng đúng hơn cho nền âm nhạc Việt Nam.

Giữa dòng chảy của nhạc Việt

Khác với các liên hoan, các hội diễn, thậm chí là các cuộc thi âm nhạc thường niên, cuộc thi này đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, các thí sinh tham dự hầu hết đều được đào tạo ở các trường như Học viện Âm nhạc Hà Nội, TP HCM.

Mỗi thí sinh dự thi đều phải trình bày các nhạc phẩm lừng danh thế giới đã được mặc định trong danh mục tác phẩm dự thi, và có những quy định ngặt nghèo về cách trình bày, phải hát đúng giọng, đúng ngôn ngữ gốc, không được nâng cao hoặc hạ thấp. Đối với các nhạc phẩm Việt Nam bắt buộc phải có phần đệm đàn piano và không được dùng thiết bị tăng âm.

Với những yêu cầu khắt khe như vậy, những thí sinh đạt giải trong các cuộc thi này sẽ trở thành những tài sản hiếm có của đất nước. Chúng ta đã bỏ công sức, tiền của ra để đào tạo, tôn vinh họ nhưng trên thực tế, đã qua ba cuộc thi, các gương mặt đạt giải cũng rơi vào quên lãng, chưa thực sự được coi trọng và có đóng góp gì đáng kể cho nền âm nhạc nước nhà.

Đó là một thực trạng đáng buồn. Trong khi đó, chiếm lĩnh, làm khuấy động đời sống âm nhạc Việt Nam hiện nay lại là phần lớn những người được gọi là ca sĩ với vài ba bài hát không có gì đặc biệt, kỹ thuật thanh nhạc thấp, không được đào tạo bài bản. Tình trạng đó dẫn đến một sự mất cân đối trong đời sống âm nhạc hiện nay. Giữa dòng chảy của nhạc Việt, thể loại âm nhạc bác học này vẫn còn là một khái niệm xa lạ.

 Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, trách nhiệm này một phần thuộc về các nhà chuyên môn, các nhà quản lý. Chúng ta có thể thay đổi điều đó bắt đầu từ nhận thức, không nên "xã hội hóa" những hoạt động mang tính chuyên nghiệp cao như cuộc thi này. Hơn nữa cần có những nhận thức đúng hơn để định hình vị thế của hoạt động này trong đời sống âm nhạc trong nước, góp phần tôn vinh những di sản của nền âm nhạc Việt Nam

Khánh Linh
.
.
.