Cuộc cờ “người” ở hội chùa Đại Bi

Thứ Sáu, 18/03/2005, 16:41
Cuộc cờ người tại chùa Đại Bi kết thúc. “Con cờ” hai bên cùng kết thúc bằng một màn đồng diễn ấn tượng ngay tại sân cờ. Hai vị tướng già giao tay, trong lòng vẫn thầm cảm phục lẫn nhau.

Ngày 20 tháng Giêng hàng năm, người dân Nam Trực (Nam Định) lại tưng bừng tổ chức lễ hội chùa Đại Bi. Trong lễ hội, diễn ra tiết mục chơi "cờ người" - một nét văn hóa đặc sắc của nền văn hóa vùng châu thổ sông Hồng...

Cờ tướng với cờ người là một. Cờ tướng là cốt của cờ người. Sở dĩ cờ người đặc sắc và có sức hấp dẫn bởi cờ người sinh động với những quân cờ rất thật. Cũng vẫn với 32 quân cờ chia đều cho hai bên với Tướng, Sĩ, Tượng, Xe, Pháo, Mã, Tốt và cũng theo luật lệ của cờ tướng nguyên thủy. Từng người sẽ mặc sắc phục quần áo, vũ khí của từng quân cờ cụ thể. Ngay cả sắc diện của người được chọn cho vị trí quân cờ cũng phải phù hợp.

Trước cửa chùa, người ta dành một khoảnh đất lớn làm bàn cờ. Khoảnh đất được giữ cẩn thận suốt một năm để chỉ dùng trong một ngày. Khoảnh đất được chia thành 64 ô vuông nhỏ. Trên mỗi ô vuông có ghi tên vị trí của từng quân cờ (bằng chữ Hán). Mỗi người với áo mũ, sắc phục, vũ khí của tùy từng loại quân đứng theo vị trí của mình ở từng ô.

Cờ người là một cuộc đấu trí giữa các làng với nhau. Bởi vậy, ngay từ trong năm, mỗi làng sẽ mở riêng một cuộc thi cờ để chọn ra người giỏi cờ nhất. Ông Trần Đình Toản, lão làng kiêm kiện tướng cờ thôn Phan, người năm nào cũng được làng chọn làm đại biểu của làng, cho biết:

“Trước theo lệ làng, người dự thi cờ phải thuộc hàng lão làng trở lên. Bởi vì, ván cờ người trong Hội là cuộc chơi của các bậc trưởng lão tiền bối đại diện cho một làng. Nay chế độ mới, chúng tôi đã nới rộng quy chế của lệ làng. Để khuyến khích tài năng của lớp trẻ, ai cũng có thể tham dự thi cờ”.

Thi đấu cờ người.

Sau khi đã tìm ra được vị “nguyên soái”, mọi người sẽ tiếp tục công việc tuyển quân cho bàn cờ. Đầu tiên và quan trọng không kém vị “nguyên soái” là chọn người làm Tướng. Trong cờ người, có Tướng Ông và Tướng Bà.

Những người được chọn làm Tướng Ông hay Tướng Bà đều phải là những nam thanh nữ tú có dung mạo nổi trội trong làng và là những người đồng trinh... Nhà nào có con được chọn làm Tướng, nếu kinh tế khá giả sẽ làm vài mâm cỗ thết đãi làng xóm, nhà nào khó khăn cũng hương hoa khấn tạ tổ tiên, trời phật. Nhà nào có con gái được chọn làm Tướng Bà, có thể sang năm mới sẽ có tin vui.

Đội quân đầy đủ chủ tướng của từng làng sẽ được tổ chức đấu với nhau trước lễ hội vài tháng. Đấy là vòng đấu loại, vòng tròn theo bảng. Cũng như vòng loại bóng đá, lượt về của cuộc đấu cờ cũng đấu loại trực tiếp. Hai đội cờ của hai làng vô địch vòng đấu loại sẽ được tham gia “trận chung kết” tại ngày hội.

Buổi sáng ngày cuối tháng Giêng, trời se lạnh. Gió heo may thổi nhẹ. Cờ ngũ sắc, cờ đại ngày hội bay trong gió xuân. Mọi người nườm nượp đổ về bên bàn cờ.

Sáng ngày 20 tháng Giêng. Khu đất bàn cờ tề tựu đủ 32 quân cờ mặt hoa da phấn, xinh tươi mơn mởn. Có quân cờ áo tứ thân lưng thướt tha. Nếu không trông hàm răng trắng, mái tóc quăn, cứ ngỡ thời Đại Nam, Đại Việt. Hai đội quân cờ người thôn Phan và thôn Chiền đã dàn trận sẵn sàng.

Chủ soái thôn Phan là ông Toản tuy tóc đã bạc, nhưng da dẻ hồng hào, rắn rỏi, khuôn mặt cương nghị. Chủ soái thôn Chiền là ông Kế, trẻ hơn ông Toản, tóc chưa điểm sợi bạc. Trong bộ áo dài khăn xếp, nhìn ông thanh mảnh, đạo mạo khác người.

Nước cờ bất chợt của ông Kế đẩy ông Toản vào thế bí. Giữ thế thì mất quân. Chạy quân lại hết thế. Chỉ vì sơ ý để ông Kế ra Tướng. Ông Toản vân vê cằm, đi đi lại lại nhìn tổng quan thế cờ.  Chợt cậu Mã xanh của ông khẽ nói: “Ông quá giang bắt Tướng Bà chứ? Cháu theo ông, sang đưa “nàng về”.

Cậu Mã xanh đó là một sinh viên đang học trên Hà Nội. Cũng nổi tiếng hay cờ, về quê tranh thủ tham gia trận cờ quê hương. “Giỏi! Thằng này giỏi! Đúng là hậu sinh khả úy!”. Tiếng khen chưa kịp dứt, cây cờ ngũ sắc trong tay ông Toản phất mạnh. Vượt sông! Vị tướng già khiển cậu Mã xanh xuất thần, rồi gí liền mấy con Tốt qua sông vừa chiếu Tướng vừa dồn Mã địch vào thế bí...

Trống thúc dồn. Thế cờ đã hoàn toàn đảo ngược. Ông Toản lại chiếm thế thượng phong. Ông Kế bèn đi nước Mã hồi gỡ bí. Đám sành cờ kích động, bàn tán sôi nổi: “Cờ tàn rồi!”. Mấy cụ bô lão tự bỏ quên mình, còn ngồi ngẫm ngợi về ván cờ vừa rồi...

Trần Văn
.
.
.