Cuộc chơi mới của NSND Doãn Hoàng Giang

Thứ Hai, 16/05/2005, 07:16

Tái xuất trong vở kịch “Cô gái ăn cắp”, chuyển thể từ tiểu thuyết “Bỉ vỏ” của cố nhà văn Nguyên Hồng, NSND Doãn Hoàng Giang đã thành công khi đưa những Tám Bính, Năm Sài Gòn, Tư Lập Lờ… từ trang sách lên sân khấu.

Để xác nhận lại lời tuyên bố từ hồi mới thành lập sân khấu Kịch Phú Nhuận (cách nay 4 năm), là sẽ tập trung khai thác các tác phẩm có giá trị của dòng văn học hiện thực phê phán để dàn dựng thành những vở sân khấu chất lượng cao, như một phong cách riêng, bà "bầu" - NSƯT Hồng Vân đã quyết định đầu tư và cho ra mắt vở “Cô gái ăn cắp” giữa tháng 5 này.

Người xem sẽ có dịp gặp lại đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang với hàng loạt "bảo bối" quen thuộc trong thủ pháp dàn dựng: Rầm rộ diễn viên, rất nhiều tuyến nhân vật chính, phụ; những bục bệ, cầu thang đồ sộ chia ngang dọc không gian sân khấu, những khoảng trống đối xứng; bàn ghế, đèn lồng, nến, mái tranh, màn voan tả thực điểm xuyết trên nền bối cảnh nhà cửa, gầm cầu, thanh lâu, tửu quán… tượng trưng, cách điệu. Ngôn ngữ và trang phục pha trộn Bắc, Nam. Âm nhạc "tổng hợp": có hát ả đào, cải lương, nhạc mới, có cả Mùa thu lá bay lẫn Con thuyền không bến

Lý lẽ của những người làm vở là chuyển tải một tác phẩm nặng ký tới khán giả bằng hình thức nhẹ nhàng và dễ chịu. Nói thẳng ra, dù có là bi kịch tới đâu thì cũng vẫn phải… bán được vé. Bởi thế, họ đã quyết định "dịch" tựa đề từ Bỉ vỏ thành Cô gái ăn cắp để cho khán giả dễ hiểu (?), rồi chấm phá thêm một chút "tươi mát" trong những màn vũ đạo ở chốn lầu xanh, một vài mảng miếng hài duyên dáng của Bảo Quốc, Anh Vũ, Thúy Nga…, và "trang trí" bảng phân vai với tên tuổi của hàng loạt diễn viên hàng "sao". Tất cả được xây trên nền móng vững chắc của một cốt truyện văn học rất đậm, mạnh và sâu, có nhiều tình tiết bi thảm nhưng hấp dẫn và có tầm tư tưởng khái quát cao, xoay quanh cuộc đời của hai nhân vật chính Tám Bính và Năm Sài Gòn.

Có lẽ vì tiếc những nhân vật vệ tinh trong nguyên tác Bỉ vỏ và hơi "tham" mảng miếng nên các tác giả đã tỏ ra khá ôm đồm. Với thời lượng khá dài (gần ba giờ đồng hồ) và nhiều cắt cảnh nhanh, gọn nhưng vở vẫn bị dàn trải, những nhấn nhá đẩy tới cao trào chưa tải hết chiều sâu số phận của những Tư Lập Lơ (Đức Thịnh), Chín Hiếc (Phú Quý), Cu Lỏi (Hòa Hiệp), Hai Liên (Vân Anh)… Dù vậy, khán giả vẫn có được những lý do khác để chia sẻ cảm tình với Cô gái ăn cắp.

Nhiều diễn viên của "thế hệ mới" đã có được cơ hội góp mặt trong vở diễn, để từ đó bật sáng lên lấp lánh bên cạnh các "sao" đã thành danh, như: Thanh Thúy, Kim Huyền, Vân Anh, Mỹ Uyên… Ấn tượng nhất phải kể tới Đức Thịnh trong vai Tư Lập Lơ. Nét diễn thoải mái, dễ chịu và cách nhấn nhá thông minh của anh, đặc biệt là lớp diễn Tư bị Năm Sài Gòn giận dữ nổi cơn ghen và nghi ngờ oan ức, đã ghi dấu ấn rất đẹp trong lòng khán giả.

Với Tám Bính, Cát Phượng có thêm một vai hay. Chị dường như đã đầu tư công sức và tâm huyết rất nhiều cho vai diễn này. Nhưng cách thể hiện của Thái Hòa thì có vẻ hơi "nhẹ" so với đẳng cấp của một tướng cướp khét tiếng - rất phong trần, từng trải và hảo hớn cỡ Năm Sài Gòn.

Trong buổi họp báo ra mắt hai vở Cô gái ăn cắpTrôi theo dòng đời (tác giả: Minh Hoàng, đạo diễn: NSƯT Trần Minh Ngọc), NSƯT Hồng Vân cho biết, sắp tới Kịch Phú Nhuận sẽ tách khỏi 5B (tức Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ), chuyển đổi thành công ty cổ phần và hoạt động hoàn toàn độc lập, tương tự mô hình xã hội hóa sân khấu của Kịch Sài Gòn và Kịch IDECAF hiện nay

Phương Anh
.
.
.