Cuộc chiến giành khán giả của gameshow thuần Việt

Thứ Sáu, 10/07/2015, 08:56
Giữa làn sóng gameshow mua bản quyền nước ngoài tràn lan trên sóng truyền hình, gameshow thuần Việt ngày càng bị lép vế và o ép. Thế nhưng giữa sự cạnh tranh khốc liệt, các gameshow thuần Việt đã có không ít đổi mới và thử nghiệm để tìm cách sống còn và khẳng định mình.

Cuộc thi “Sao Mai” đã kết thúc các vòng chung kết khu vực và bắt đầu chuẩn bị vòng chung kết toàn quốc diễn ra vào cuối tháng 7 tới. Đã đến chặng cuối nhưng thông tin về “Sao Mai” vẫn vô cùng im ắng trên các trang báo cũng như mạng xã hội. Từng có dự đoán mùa giải “Sao Mai” 2015 không thể đi tiếp vì thiếu nhà tài trợ, địa điểm tổ chức lẫn kênh phát sóng. 10 năm ra đời và phát triển, “Sao Mai” bị cho là đã quá già so với những “người nước ngoài” trẻ trung, tươi mới như “Vietnam Idol”, “The Voice”, “The X-Factor”... 

Dù là “con ruột” của VTV nhưng năm nay, “Sao Mai” cũng phải chịu bó hẹp mình khi chỉ được phát sóng trên VTV2. Đêm chung kết mới được tường thuật trực tiếp trên VTV1 – nơi vốn là sân nhà.

Tương tự, so với “The Voice Kids - Giọng hát Việt nhí”, chương trình “Đồ Rê Mí” được coi là đàn anh khi đã lên tuổi thứ 9. Dù vẫn được ưu tiên phát sóng trên VTV3 nhưng giờ phát sóng của “Đồ Rê Mí” 2015 gây nhiều tranh cãi khi nhà đài chọn 21 giờ. Một khung giờ hoàn toàn không phù hợp với đối tượng khán giả là trẻ em.

Trải qua 10 mùa giải, “Sao Mai” vẫn chật vật tồn tại giữa làn sóng chương trình ca hát format ngoại (Trong ảnh: Chung kết “Sao Mai” 2015 khu vực miền Trung - Tây Nguyên).

Dưới sự cạnh tranh của làn sóng gameshow ngoại lai hấp dẫn chiếm sóng giờ vàng, các chương trì kỳ cựu như “Đồ Rê Mí”, “Bài hát Việt”, “Đường lên đỉnh Olympia”, “Chúng tôi là chiến sĩ” đã có không ít các thay đổi về cách thức chơi để tồn tại. Chẳng hạn “Đồ Rê Mí” thêm phần thi “Đồ Rê Mí đôi”, dàn giám khảo là những ngôi sao nổi tiếng, “Chúng tôi là chiến sĩ” có phần “Tình yêu chiến sĩ” được thay đổi bằng cách cho hai chiến sĩ chinh phục một cô gái...

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó  trưởng Ban Thanh – Thiếu niên, Đài Truyền hình Việt Nam thừa nhận: “Hầu hết các chương trình mua bản quyền nước ngoài đã đo được thị hiếu và có thời gian thử nghiệm độ thành công ở các nước qua một thời gian dài nên khi mua bản quyền, nhà đài khá an tâm. Nó đã được bảo chứng, công nghệ sản xuất hiện đại lại có thêm sức cộng hưởng từ truyền thông. Đưa về Việt Nam, nhà sản xuất chỉ cần chọn người chơi và ban giám khảo theo format định sẵn. Họ không phải nhọc công nhiều dù chi phí mua rất tốn kém”. Cũng theo ông Hòa, hạn chế của chương trình thuần Việt hiện nay là chưa hay, chưa chuyên nghiệp và còn khá cũ kỹ, lạc hậu dù rằng chúng ta có những trò chơi vui nhộn, đa đạng hợp với phong tục, đời sống và tâm lý của người Việt. Nhưng đưa vào thực tế  thì độ rủi ro cao vì nhà sản xuất phải tự mày mò, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Gần đây, khi các chương trình tìm kiếm tài năng đã dần khan hiếm nhân tố mới, kiểu thể hiện na ná nhau, gương mặt giám khảo, MC và thậm chí người chơi lặp đi lặp lại,  nhàm chán thì xuất hiện nhiều chương trình mang tính gắn kết gia đình, tinh thần đồng đội, thậm chí pha chút mạo hiểm như “Điệp vụ tuyệt mật”, “Bố ơi, mình đi đâu thế?”, “Người xuyên tường”... Sự chuyển tông này cho thấy các gameshow ngoại bắt đầu có sự gần gũi và na ná gameshow Việt khi yếu tố vui vẻ, tình cảm được đề cao hơn là tính cạnh tranh khốc liệt.

Gần đây, nhiều chương trình thuần Việt đã đem lại phong vị mới trên màn ảnh nhỏ như: “Tiếng hát mãi xanh”, “Những bài hát còn xanh”, “Cười xuyên Việt”, “Bài hát yêu thích”, “Giọng ca nhí - Hò, Xự, Xang, Xê, Cống”, “Vợ chồng mình hát”, “Solo cùng Bolero”... Không ít các chương trình trên học hỏi cách tổ chức của gameshow ngoại như mời ban giám khảo, MC thậm chí người chơi là những ngôi sao đình đám. Mới đây, Công ty BHD cũng sản xuất chương trình “Be The Man - Phái mạnh Việt” 100% “made in Việt Nam” có sự tham gia của các ngôi sao đình đám như ca sĩ Minh Hằng.  Nội dung thi thố của nhiều chương trình lại chính là “cây nhà lá vườn” như: dòng nhạc bolero, đờn ca tài tử... Chương trình “Những bài hát còn xanh” và “Tiếng hát mãi xanh” chọn những bài hát bất hủ của các nhạc sĩ Việt Nam để thể hiện, làm mới chứ không có chỗ cho ca khúc ngoại như các chương trình format nước ngoài. Nguyên liệu Việt phối hợp cùng cách thể hiện hiện đại của nước ngoài giúp gameshow Việt tạo được sức hút. Các chương trình thuần Việt thường “sạch”, không chiêu trò lẫn scandal để lôi kéo khán giả như các chương trình format ngoại. Nhiều chương trình ngoại bê nguyên xi cách ứng xử văn hóa của nước ngoài vào văn hóa Việt Nam khiến khán giả khó chịu. Chẳng hạn như chương trình Vietnams Next Top Model, khán giả vẫn không quen với kiểu nhận xét chua ngoa, tàn nhẫn như tát nước vào mặt thí sinh của dàn giám khảo.

Sự thành công của gameshow “Chìa khoá thành công- CEO” (chương trình mới tiếp theo của “Làm giàu không khó”) hay chương trình “Bài hát yêu thích” đã chứng tỏ gameshow Việt Nam không hề thua kém các chương trình bản quyền nước ngoài về sự sáng tạo. Ekip thực hiện “Chìa khóa thành công - CEO” cho biết đây là chương trình khác biệt, hữu ích với người xem và chưa hề có format tương tự ở nước ngoài. Chương trình có sự góp mặt của gần 100 chuyên gia cố vấn, người chơi là những giám đốc điều hành của các công ty lớn, nhỏ...

Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Giám đốc Công ty BHD nhận định: “Thật ra công chúng không quan tâm chương trình bản quyền nước ngoài hay chương trình thuần Việt, miễn sao chương trình hay, thu hút, họ sẽ xem. Các chương trình thuần Việt đang xuất hiện nhiều hơn trước và khẳng định được sức hút với công chúng. Chắc chắn tương lai gameshow thuần Việt sẽ làm nên chuyện nếu được đầu tư kỹ lưỡng, áp dụng công nghệ hiện đại và có sự sáng tạo cao vì nó thường gần gũi công chúng, tránh được những cú sốc văn hóa như các chương trình format ngoại”.

Quỳnh Nga
.
.
.