Góc nhìn của tôi:

Cuộc chiến châu Âu – Nam Mỹ

Thứ Sáu, 02/07/2010, 12:20
Vòng tứ kết World Cup năm nay vô tình lại trở thành "cuộc chiến" châu Âu - Nam Mỹ, khi mà 3 đại diện châu Âu là Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha lần lượt đối đầu với 3 đại diện Nam Mỹ là Brazil, Argentina, Paraguay (trận tứ kết còn lại là cuộc đối đầu Bắc Mỹ - châu Phi với các đại diện là Mexico - Ghana).

Và thế là người ta đang chờ xem, trong cuộc chiến cam go này, giữa châu Âu và Nam Mỹ liệu sẽ có bao nhiêu khác biệt?

Thật ra thì từ đầu World Cup tới giờ, ai cũng đã thấy là các đội bóng Nam Mỹ chơi tốt hơn hẳn so với các đội bóng châu Âu. Mà bằng chứng rõ nhất là trong khi tất cả các đội Nam Mỹ đều chơi tưng bừng, và phần lớn đều lọt vào vòng hai thì những "ông kẹ châu Âu" như Pháp hay Italia thậm chí còn không qua nổi vòng đấu bảng. Đấy chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay bắt nguồn từ những lý do nào đó?

Theo cá nhân người viết, ở đây có hai lý do căn bản. Thứ nhất là các trận đấu ở Nam Phi phần lớn đều diễn ra ở những SVĐ có độ cao trên 1500m so với mặt nước biển. Cái độ cao mà các đội bóng Nam Mỹ vẫn thường xuyên thi đấu, và vì thế đã trở nên quá quen thuộc thì với các đội bóng châu Âu, đấy chẳng khác gì một độ cao tử thần.

Thứ hai, các cầu thủ châu Âu khi khoác áo các CLB đã tham dự quá nhiều các trận đấu, và nhờ công nghệ truyền hình mà gần như tất cả những trận đấu ấy đều được phát đi rộng rãi trên toàn thế giới. Nhờ vậy, cầu thủ Nam Mỹ có nhắm mắt lại cũng có thể hiểu được các cầu thủ châu Âu, nhất là cầu thủ hàng "sao" đi bóng như thế nào, phối hợp đồng đội như thế nào, và sút bóng ra sao. Ở đây, cũng phải thấy rằng, có những ngôi sao Nam Mỹ khoác áo các CLB châu Âu cũng phải chịu chung cái thực trạng rất dễ bị "bắt bài" như vậy. Song khỏi nói ai cũng biết, số lượng các cầu thủ Nam Mỹ thi đấu ở các CLB châu Âu chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ so với số lượng các cầu thủ châu Âu đá bóng ở châu lục của mình.

Ngoài hai lý do trên, nếu cần thiết phải "vẽ" ra thêm một lý do nào nữa thì những người tin vào tâm linh cũng hoàn toàn có thể lý giải vấn đề ở góc độ này. Người ta bảo châu Phi là một mảnh đất huyền bí, và cái sự huyền bí ấy xem ra ăn khớp với mảnh đất Nam Mỹ vốn cũng có rất nhiều huyền bí hơn là mảnh đất châu Âu từ lâu vốn đã tôn thờ thứ tư duy thực dụng.

Rõ ràng là, có thể kể ra nhiều lý do giải thích cho sự thắng thế của bóng đá Nam Mỹ so với bóng đá châu Âu kể từ đầu World Cup tới giờ. Tuy nhiên, tất cả những lý do như thế này sẽ lập tức trở nên "vô duyên" nếu ở vòng tứ kết tới đây đồng loạt 3 đội bóng châu Âu quật ngã 3 đại biểu Nam Mỹ. Nhưng đấy liệu có phải là một viễn cảnh quá xa xỉ hay không?

Thôi thì hãy cứ chờ xem, và trong lúc chờ đợi thì hãy cứ nhớ rằng, người Nam Mỹ đang tạm dẫn trước người châu Âu... "một  bàn"…!

Phan Đăng
.
.
.