Công bố Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa là Di tích lịch sử quốc gia

Thứ Năm, 17/07/2014, 20:17
Tại TP Nha Trang ngày 17/7, Bộ VHTT-DL và UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức lễ công bố, đón nhận 2 bằng di tích lịch sử quốc gia: Địa điểm lưu niệm chiếc tàu không số C235 đường Hồ Chí Minh trên biển ở xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa và Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa tại hai đảo Song Tử Tây, Nam Yết thuộc huyện đảo Trường Sa.

Tàu C235 thuộc đoàn tàu không số vượt đường Hồ Chí Minh trên biển vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Đêm 29/2/1968, tàu 235 gồm 20 CBCS vận chuyển vũ khí vào bến Hòn Hèo. Sau khi thả 14 tấn vũ khí ở Ninh Phước rạng sáng ngày 1/3/1968, tàu C235 bị 7 chiếc tàu tuần tra của địch cùng máy bay bao vây. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh chỉ huy kích hoạt chất nổ phá hủy tàu 235 trước khi bơi vào bờ. Trong cuộc chiến đấu không cân sức trên biển, trên bờ, 14 CBCS tàu C235 hy sinh, trong đó có thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh. 6 người còn lại dìu nhau vào núi hơn 10 ngày, đến ngày thứ 12 thuyền phó Đoàn Văn Nhi mất tích. 5 người may mắn sống sót vượt đường Trường Sơn ra miền Bắc trở về với đơn vị. Ngày 25/8/1970, Liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tên của anh được đặt tên một đảo ở huyện đảo Trường Sa. Ngày 26/4/2014, Bộ VHTT-DL quyết định xếp hạng địa điểm lưu niệm sự kiện tàu C235 là Di tích lịch sử quốc gia

Bộ trưởng Bộ VHTT-DL Hoàng Tuấn Anh trao Bằng công nhận Di tích lịch sử quốc gia Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa.

Bộ trưởng Bộ VHTT-DL Hoàng Tuấn Anh trao Bằng công nhận Di tích lịch sử quốc gia địa điểm lưu niệm chiếc tàu không số C235.

Xúc động trước tấm ảnh ghi lại những mảnh vỡ tàu C235.

Một nữ đoàn viên bên tấm ảnh bia tưởng niệm CBCS tàu C235.

Thế hệ trẻ Hải quân hôm nay luôn tưởng niệm, tri ân CBCS tàu C235.

Di tích Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa tại hai đảo Song Tử Tây, Nam Yết thuộc địa phận hai xã Song Tử Tây và Sinh Tồn. Lịch sử đã ghi nhận hai quần đảo Hoàng Sa, Trưởng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam trên nhiều bản đồ cổ do Việt Nam và các nước phương Tây xuất bản từ thế kỷ 17 đến 19. Ngày 22/8/1956, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã đặt bia chủ quyền trên các đảo chính của quần đảo Trường Sa, đến nay còn tồn tại hai bia chủ quyền ở hai đảo Song Tử Tây, Nam Yết. Trên bia có khắc nội dung “Quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy. Phái bộ quân sự thị sát nghiên cứu đến viếng quần đảo này ngày 22/8/1956 dưới sự hướng dẫn của Hải quân Việt Nam”. Ngày 13/6/2014, Bộ VHTT-DL quyết định xếp hạng Di tích Bia chủ quyền quần đảo Trường Sa tại đảo Song Tử Tây và Nam Yết là Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Người xem triển lãm quan tâm đến nhịp sống người lính Trường Sa qua ảnh.

Đảo Nam Yết và Đảo Sinh Tồn - Nơi có bia chủ quyền Trường Sa đã được công nhận di tích lịch sử quốc gia.

Hai bia chủ quyền quần đảo Trường Sa.

Lễ công bố, đón nhận hai di tích lịch sử quốc gia ở Khánh Hòa là một sự kiện văn hóa có ý nghĩa sâu sắc, góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, đồng thời khẳng định giá trị khoa học lịch sử và chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhận dịp này, Sở VHTT-DL Khánh Hòa đã tổ chức triển lãm 48 tác phẩm ảnh tôn vinh giá trị lịch sử văn hóa hai di tích quốc gia nêu trên 

HỮU TOÀN
.
.
.