40 năm Ngày truyền thống đội nữ lái xe Trường Sơn (18/12/1968-18/12/2008):

Còn mãi niềm tự hào

Thứ Năm, 18/12/2008, 10:00
Có lẽ, đó là một cuộc họp mặt truyền thống khá đặc biệt trong dịp kỷ niệm ngày thành lập QĐND 22/12 năm nay. 100% đại biểu là nữ từ nhiều miền đất nước tụ về Hà Nội vào ngày 17/12. Các lẵng hoa chúc mừng đều là phong lan, gợi nhớ đại ngàn Trường Sơn một thuở. Bởi ngày 18/12 là tròn 40 năm ngày truyền thống của họ - đội nữ lái xe Trường Sơn.

Hiếm có cuộc gặp mặt nào cảm động như thế. Họ mừng mừng tủi tủi khi thấy tóc trên đầu ai cũng đã pha sương, nếp nhăn hằn sâu trên những gương mặt đã qua tuổi thanh xuân. Người mất, người còn.

Chị Phạm Thị Phàn, Binh trạm 12, Đoàn 559 ôm chầm lấy thầy giáo dạy lái xe sau tròn 40 năm mới gặp lại. Khi ông Nguyễn Việt Phương - Chính ủy Binh trạm 12, đã ở tuổi 89, chống gậy lên tặng chị em một tập sáng tác của ông, không khí vui mừng như gặp lại người thân thật cảm động: "Chính ủy Phương! Chính ủy Phương!"

Họ cùng nhau ôn lại những tháng năm gian khổ mà vô cùng vinh quang thuở ấy. Vào những năm 1967-1968, quân đội ta chuyển sang vận chuyển bằng xe cơ giới. Dù đã phải hạ thời gian huấn luyện từ hơn 1 năm xuống còn 45 ngày, nhưng vẫn không đủ lái xe.

Thế là 35 chị em TNXP của Binh trạm 9, Binh trạm 12 tình nguyện học lái. Họ tự học tại kho, trạm, do các chiến sĩ nam dạy rồi được điều ra lái xe tại các binh trạm dọc đường Trường Sơn, chở hàng, chở bộ đội, chuyển thương binh vv…  Chị Huề - một "tay lái lụa" đường Trường Sơn ngày ấy nhớ lại: "Chỉ kịp học cách xử lý tình huống chứ không kịp học… Luật Giao thông."

Binh trạm 12 phụ trách 2 tuyến: Từ Ka Tang theo đường 15 vào Đá Đẽo, Xuân Sơn chừng 100km và từ Khe Ve theo đường 12, qua Cổng Trời, Cha Lo chừng gần 60km, đều là những khu vực bị đánh phá ác liệt, đặc biệt là cửa khẩu Cha Lo. Gần như 24/24h máy bay Mỹ ném bom đánh phá dọc tuyến.

Các lái xe phải tranh thủ từng phút, từng đoạn đường để làm nhiệm vụ. Trung đội nữ lái xe do chị Viễn phụ trách đã cùng các nam lái xe vào trận. Người giỏi một mình 1 xe, người yếu hai người 1 xe, họ cũng xuyên rừng, vượt đèo trên những tuyến đường Trường Sơn núi cao, vực sâu và còn trở thành nguồn động viên các chiến sĩ nam lái xe vững vàng tiến lên.

Không chỉ phải vượt qua các trọng điểm bom đạn, các chị còn phải tự sửa xe khi bị hỏng giữa rừng, tự chống pan khi lầy lội, một mình một xe trong rừng nếu tắc đường vì bom phá. Rồi vận chuyển, bốc hàng, làm hộ lý chăm sóc thương binh trên đường về trạm. Nhưng họ đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Chị Nguyễn Thị Thủy, trong một lần xung phong qua cửa khẩu, đã hy sinh ngay trên tay lái. Nhắc đến tấm gương dũng cảm của Trung đội trưởng Viễn, ông Nguyễn Việt Phương còn nguyên lòng khâm phục: Mỗi lần vượt trọng điểm, chị Viễn phải phóng rất nhanh để tránh máy bay địch.

Có lần, bị máy bay rượt đuổi, chị lao xe qua đèo rồi bất ngờ cua gấp lại vào rừng, kịp thoát khỏi lưới bom, bảo vệ người và xe an toàn. Về sau, khúc cua đó được bộ đội gọi là "Cua bà Viễn" với lòng khâm phục sự nhanh trí và dũng cảm của chị.

Chị Phạm Thị Phàn mang theo chiếc đồng hồ Liên Xô số hiệu 4018401 không có dây đeo được thưởng năm 1969 về cuộc họp mặt. Không riêng với chị, đây còn là ký ức đáng tự hào cả đội nữ lái xe Trường Sơn. Chị Phàn kể, ngày đó, lái xe phải đi trong đêm: 5h chiều lên đường để vượt trọng điểm, chở hàng vào địa điểm tập kết, hoàn thành nhiệm vụ trở về đã 5h sáng.

Chị Phàn bé nhỏ, chỉ chừng 42-43 kg, nên mỗi lần lái xe, lại phải kê thêm 2 chiếc bi-đông sau lưng cho cao lên, chân mới với tới được bàn ga, số. Dốc Cổng Trời dựng đứng, 2 bên là vực sâu, nhưng vẫn phải đi bằng đèn gầm để máy bay địch không phát hiện.

Thế mà có đêm, chị còn đi được 2 chuyến, anh em binh trạm vui mừng ra tận gầm Cha Lo đón chị. Có chuyến, xe hỏng giữa rừng Lào, một mình chị nằm lại trong hang, ăn lương khô, uống nước hố bom, đợi đồng đội mang vật liệu đến sửa mới về được. Thế vẫn chưa thấm gì với lần xe của chị bị bom bi bắn trúng cabin.

Chính trị viên phó Nam ngồi bên cạnh bị trúng bom đã hy sinh ở tuổi 39 khi chưa kịp có gia đình. Trong đêm, chị lại lái xe đưa đồng đội quay về để an táng. 3 năm sau, chị Phàn trở về hậu phương với những viên bi còn sót lại trong người và chất độc da cam dính trên đường công tác.

Các điểm lửa ở ngã ba Lằng Khằng, Cha Lo, Cổng Trời… địch đánh kiểu hủy diệt, nhưng lòng dũng cảm và sự mưu trí đã giúp các chị đêm nào cũng vượt qua mà vẫn an toàn tính mạng, hơn thế, còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trung đội nữ lái xe Trường Sơn đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, được Bác Tôn tặng lẵng hoa, Bộ Tư lệnh duyệt binh tặng Bằng khen. Cuối năm 1975, nhiệm vụ hoàn thành, các chị người về đơn vị, người chuyển ngành, người về địa phương với đồng ruộng.

Với lời dặn của Trung đội trưởng Viễn trước lúc mất, các nữ lái xe Trường Sơn ngày ấy đã dần tìm lại được nhau. Giờ đây mỗi người một hoàn cảnh: 4 chị đã qua đời, 19 chị là thương binh, 2 chị gửi lại tuổi xuân trong những cánh rừng Trường Sơn nên đến nay vẫn còn đơn chiếc. Có tới 6 chị có hoàn cảnh khó khăn.

Nhưng bản chất của bộ đội cụ Hồ vẫn được phát huy nên các chị đã sống và vượt lên số phận, đoàn kết đùm bọc lẫn nhau và vận động các tổ chức, địa phương giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, 2 chị đã được chính quyền tặng nhà Đại đoàn kết.

Bác Đồng Sĩ Nguyên đã tặng mỗi chị em một bộ quân phục. Cuộc gặp mặt hôm nay do Viettel tài trợ toàn bộ. Mỗi lần họp mặt, các chị còn khó khăn lại được giúp đỡ tiền đi về, được tặng quà. 4 năm qua, đơn vị nữ lái xe Trường Sơn đã giúp đỡ lẫn nhau gần 20 triệu đồng.

Chiến tranh đã đi qua, nhưng những đóng góp của các nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn năm nào vẫn còn mãi trong trái tim mọi người. Chính họ đã góp phần xứng đáng vào chiến thắng của dân tộc. Đất nước không bao giờ quên ơn họ, cũng như mãi tôn vinh sự cống hiến và hy sinh của họ

Thanh Hằng
.
.
.