Còn đâu nữa, gà chọi ơi!

Thứ Ba, 08/02/2005, 07:19

Đá gà là trò chơi dân gian đặc biệt, phản ánh khát vọng chiến thắng thiên nhiên, đánh thắng kẻ thù của con người. Xưa kia, đá gà còn là thú chơi của lớp vương tôn công tử. Tiếc thay, trò chơi mang tính thượng võ này đang mất dần sự hấp dẫn vốn có, thiếu đi nét văn hóa truyền thống trong những phương cách tiếp cận nó, từ gây giống, chọn lọc, huấn luyện và thi đấu, cứ như thể các môn thể thao của con người vậy.

Người xưa chơi gà kỹ lắm. Gà được coi là gà chọi phải có tông có giống, không bao giờ người ta chơi loại gà không rõ xuất xứ mà thường biết chúng thuộc giống gì, ở đâu và hiện do ai quản lý. Gà có ba loại cơ bản: tiểu, trung, đại và khái niệm loại được coi là tầm: tầm tiểu, tầm trung và tầm đại, lần lượt tương ứng với trọng lượng gà là từ 2-2,5kg, 2,5-4 kg và từ 4,5 kg trở lên cho tầm tiểu, trung và đại. Gà tầm tiểu và trung thường đá nhanh hơn tầm đại, ở sới gà người ta gọi là “mau” mà không nói là nhanh.

Gà có nhiều màu. Thông thường là loại màu đơn như Tía, Ô, Bạch nhạn, Xám, Mơ, Bịp và cùng với nó là loại màu kép như Ô tía, Ô mơ, Xám hồng, Xám đen, Tía lửa… Khi xưa, giới gà yêu thích gà Ô Nam Bộ gan lỳ, khoái gà lỗ mồng Bắc Kỳ chơi biến hóa, lại tôn sùng những chiếc vẩy giắt tiên đoán đòn độc nơi các chú gà Xám mơ…

Gà chọi có nhiều đòn thế, loại gà “thứ thiệt” có những đòn hiểm hóc và biến hóa khôn lường. Thông thường chúng sử dụng các chiêu như Dọc hầu, Vỉa, Mé, trong trường hợp đặc biệt, chỉ số rất ít con gà sẽ có thứ đòn lạ tên gọi Đòn Cáo, là thứ “võ” độc và cực kỳ dũng mãnh, chỉ tung ra một lần ở thời điểm nhất định, quyết định ngay ở thể hình và dáng vẻ bên ngoài của nó song không phải ai cũng có thể nhận ra, đó sẽ là thứ đòn quý như vàng bởi con gà nào có đòn ấy, chủ của nó có thể hái ra vàng!

Cách đá của con gà không phải như ta đá quả bóng, từ dưới hất lên (nếu có, đòn ấy sẽ gọi là Đấm), chúng nhảy vụt lên, hai chân tung cao, xòe ra rồi bổ quặp xuống đầu kẻ thù, y như hệt cách người ta dùng đôi néo đập lúa vậy. Hai chiếc cựa ở phía sau, vì thế mới có thể đâm vào con đầu gà kia mà không phải dùng ống quyển để đá.

Nghề đá gà là một nghệ thuật. Xưa kia, ở Hà Nội có những người chơi gà chọi ở mức thượng thừa về nghệ thuật “cầm” gà. Danh từ này để chỉ người được chủ gà nhờ chịu trách nhiệm hoàn toàn về con gà, người cầm gà sẽ tìm ra đối thủ tương xứng, hiệp thương về hình thức đánh cược, sau đó ngồi ôm gà trong cuộc đấu, làm mọi động tác từ khởi động cho đến kích thích trong quá trình thi đấu, kể cả chữa trị thương tích nếu có.

Hà thành từng có những người cầm gà trứ danh, biết mọi thủ thuật và mánh khóe nhà nghề để có thể chuyển bại thành thắng khi cần, lại tiên đoán mọi khả năng tác chiến của chú gà và qua đó, chiến thắng của chủ gà kéo theo những lợi ích vật chất và tinh thần của họ.

Trước đây, ông Nguyễn Viết - chủ Hãng dấm Thủ Đô ở phố Hai Bà Trưng là một người cầm gà như thế. Ông là đại biểu của lớp cuối của thứ văn hóa gà vùng Kinh Bắc, đã từng có tiếng trong nhiều cuộc chọi gà lớn, nhất là trận đấu vô tiền khoáng hậu trong mùa xuân Đinh Dậu tại Ấu Trĩ Viên (tức cung Thiếu nhi bây giờ), vì con gà Mơ mà ông cầm chỉ nặng ngót 3 kg song đã đá chết con gà Tía “Vô địch” nặng trên 5 kg của một ma đầu trong sới gà Hà Nội.

Tôi đã theo ông Viết như đứa trẻ học nghề từ thuở phở Tư lùn còn đương thịnh, đã chứng kiến những động tác không bút nào tả xiết của nghề cầm gà và tính quyết đoán trong cách xử lý tình huống của nhà nghệ sĩ dân gian này. Cũng thật tiếc cho tôi, hay cho thứ văn hóa gà chọi Hà thành, sau khi thế hệ các ông ra đi, sới gà Thủ đô ngày nay chỉ là những thứ cá cược thuần túy và không sao tìm thấy bóng dáng của cái gọi là nghệ thuật gà chọi.

Một ngày xuân, chúng tôi đến từng sới gà, từ Bạch Mai đến Tây Hồ hay Gầm Cầu, kể cả Sóc Sơn và Hà Tây… để chắt chiu những nét đẹp khi xưa của trò chơi dân gian này. Thất vọng. Gà bây giờ hầu hết là gà pha, thoạt trông biết liền. Người xưa có câu “Quản ngắn cần dài, chân hai hàng vẩy, đá chẳng thua ai”, hay “Mắt cú mình trường đuôi lá vả”… song ngày nay, tìm đâu ra những cái đó? Tôi nhớ lại, VTV từng có vài bộ phim về gà chọi, cơ khổ, vừa thoáng nhìn con gà nhảy đá mà hai ống chân (quản) dài ngoằng và vàng chóe như là chân gà thiến, tôi không sao đủ can đảm xem hết phóng sự ấy.

Và điều đáng thất vọng nhất với tôi lại là việc, chính những người con trai của các ông Viết, Cần - những nghệ nhân chơi gà chọi được mô tả một cách đầy ngưỡng mộ trong truyện Đòn Cáo của tôi, nay đã coi thường gia tài mà các ông để lại. Họ cũng đá gà đấy, song đó là thứ gà thiến biết đá và chơi chẳng theo một luật lệ nào hết. Tết nào thì đám người ấy cũng kéo nhau đi chơi ở đâu đó, với hành trang thấp kém như thế. Bạn chơi của họ cũng chỉ có trình độ tương đương nhau trong những cuộc vui thiếu bài bản lại thừa thãi sự ngô ngọng. Và đau hơn, đáng giận hơn nữa khi gần đây, để thỏa mãn sự tò mò khác thường của ai đó, người ta khám phá ra một món ăn kỳ dị để bổ sung cho thực đơn của sự điên rồ, là thịt gà chọi!

Tết này, tha thẩn quanh khu vực Hồ Gươm, người ham gà chọi đi tìm thú chơi xưa khó như thể cụ nhà thơ đi tìm tấm chiếu điều của những ông đồ năm nào. Tản mạn cùng suy tư, tôi mơ ước Hà Nội ngàn năm sẽ khôi phục được thú chọi gà cổ điển đầy tính văn hóa, chính nó sẽ làm cho thủ đô ta thêm bất tử trong mắt mọi người dân của hôm nay và của cả ngày mai

Nguyễn Lưu
.
.
.