Cỏ non Thành Cổ - Một nén tâm hương, muôn vạn tấm lòng thương nhớ

Chủ Nhật, 26/07/2015, 19:47
Một ca khúc với ca từ giản dị đến mẫu mực nhưng sức đồng vọng của nó lan tỏa và đọng lại theo thời gian. Không chỉ da diết, sâu lắng về giai điệu, cũng không hoàn toàn là nghệ thuật tổ chức ca từ chắt lọc đến mức bình dị, “Cỏ non Thành Cổ” ngay từ khi ra đời đã là tiếng lòng, là cảm xúc tận cùng trái tim của hàng triệu gia đình Việt Nam sau chiến tranh…

Cho đời xanh như cỏ!

Câu nói giản dị của Chính trị viên Đại đội 267 - Đại đoàn Việt Bắc trước giờ hành quân: “Đời chúng ta là đời chiến sĩ, đâu có giặc là ta cứ đi” không chỉ gợi tứ cho khúc quân hành “Hành quân xa” (Đỗ Nhuận) ra đời mà như là lời tâm nguyện của tất thảy người Việt Nam yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì Mẹ Tổ quốc thân yêu. Hẳn rằng, khi cầm súng chiến đấu vô cùng dũng cảm và coi sự hy sinh nhẹ tựa hồng mao, các chiến sĩ còn rất trẻ bước vào trận quyết chiến để bảo vệ bằng được Thành Cổ Quảng Trị đã mang theo mình tinh thần của ca khúc “Hành quân xa” cùng tâm thức “Cũng có thể Tổ quốc được bắt đầu/Từ bài hát mẹ ru ta âu yếm/Từ những cái ta quyết giữ vẹn toàn/Cả trong những giờ khó khăn nguy hiểm”.

Sự kì lạ của hai câu nhạc mở đầu là dẫn người nghe đến với khung cảnh yên bình, giàu sức sống của vùng đất vừa đi qua chiến tranh với mức độ vô cùng khốc liệt: “Cỏ non Thành Cổ một màu xanh non tơ/Bình minh Thành Cổ cỏ mềm theo gió đung đưa”. Có thể thấy rất rõ sự phối hợp ăn ý, tài hoa giữa tính hình tượng trong văn học và giai điệu đi lên đi xuống khi âm nhạc viết ở quãng ba thứ tạo cảm giác dặt dìu, nhẹ êm lan tỏa trong hồn người. Nhưng, đến câu nhạc nhắc lại “Cỏ non Thành Cổ một màu xanh non tơ” thì sự láy lại của quãng ba thứ đi lên tạo nên giai điệu da diết, ám ảnh khiến thanh âm câu hát như chất chứa sự dồn nén của cảm xúc, thấp thoáng một cảm giác bồn chồn, một nỗi buồn mênh mang mở đường cho sự bùng nổ của hiện thực chiến tranh đang hiện diện dưới “màu xanh non tơ” của cỏ, trên dáng vẻ vô tư của “cỏ mềm theo gió đung đưa”.

Trong chiến tranh, hi sinh, tổn thất là điều không thể tránh khỏi, người lính ra trận có thể coi cái chết là “không đáng kể” bởi phía trước họ là bầu trời Tổ quốc, sau lưng họ là hình ảnh quê hương “nắng dài bãi cát/Gió lộng xôn xao sóng biển đu đưa”, dẫu biết vậy nhưng sao tim vẫn nhói đau: “Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ/Người vợ nào, người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ khi chồng con không trở về”. Câu cảm hòa điệu trong lời hỏi khiến lời hát như dừng lại, giọt âm thanh như ngừng lặng xoáy quặn vào lòng người nỗi đau mất mát “sao xót xa như rụng bàn tay”.

Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, có biết bao người mẹ mất con, vợ mất chồng, người em gái mất người thương! Không thể thống kê, không thể trả lời, hiện thực khốc liệt của chiến tranh “nơi đây một thời máu đổ” chen lẫn cảm xúc thực tại tạo nên độ nhòe giữa không gian hiện tại và không gian hồi tưởng, giai điệu trầm hùng, bi tráng của ca khúc tựa lời Tổ quốc và nhân dân tiễn biệt những đứa con của quê hương đi vào cõi bất tử! Bài hát mang phẩm chất anh hùng ngay trong nỗi buồn, đó là cái đặc biệt, cái tài tình của cố nhạc sĩ Tân Huyền.

Câu một của đoạn hai nhịp điệu trở về tiết tấu dập dìu, đều đặn, man mác buồn, trở thành nhịp nối cảm xúc hồi tưởng với tâm thế “Cho tôi hôm nay vào Thành Cổ/Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ/Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ xin chớ vô tình với người hi sinh trên mảnh đất quê mình”. Cả Thành Cổ trở thành mảnh đất thiêng, mảnh đất của tâm linh bởi ở đó xương máu của các anh, những liệt sĩ có danh và vô danh đã tan hòa vào màu nâu đất Mẹ, biến thành màu xanh non tơ của cỏ.

Trong ca khúc hình ảnh cỏ non xuất hiện khá nhiều (6 lần) như là nhân vật trữ tình để nhạc sĩ Tân Huyền trò chuyện và ký gửi tâm tình: Các anh đã về trong lòng Đất Mẹ. Sự hy sinh xương máu và tuổi xuân của các anh cho đời xanh như cỏ, cho đất nước mãi là mùa xuân, cho thế hệ mai sau long lanh tươi tắn như ngọn cỏ mùa xuân. Xin hãy đừng quên! Một nén tâm hương, một bức thông điệp giản dị như chân lý vốn có của đời sống, vì vậy ca khúc ‘Cỏ non Thành Cổ” và địa danh Thành Cổ Quảng Trị trở thành cõi nhớ trong tâm thức người Việt, mãi là niềm thương nhớ, tưởng nhớ của muôn triệu tấm lòng Việt Nam.

Đến sự ra đời của bài hát…

Một chuyến đi thực tế taị Quảng Trị gió Lào và cát trắng. Một sáng mưa xuân năm 1990 tại Thành Cổ Quảng Trị vẫn còn trong đổ nát, hoang tàn vì vết thương chiến tranh, một sắc xanh kì lạ của cỏ nơi đây, một câu nói nặng trĩu lòng về sự hi sinh của hàng triệu chiến sĩ đã ngã xuống vì sự vẹn nguyên Thành Cổ của Nhà văn Nguyễn Quang Lập: “Dưới lớp cỏ xanh này hiện có rất nhiều hài cốt chiến sĩ mình hi sinh trong 81 ngày đêm, anh xem sáng tác về bài hát này đi”… dường như tất thảy hòa vào làm một tạo nên dòng thác cảm xúc để rồi nhạc sĩ Tân Huyền mải miết viết những nét nhạc đầu tiên: “Cỏ non Thành Cổ một màu xanh non tơ/Bình minh Thành Cổ cỏ mềm theo gió đung đưa. Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ/Người vợ nào, người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ khi chồng con không trở về”…

Một bài hát giản dị chỉ hai đoạn nhạc ngắn. Hát mãi. Hết bài thì hát quay trở lại. Giản dị mà sâu lắng, trầm hùng mà da diết, lẫm liệt mà bi tráng. Người ta có thể cảm nhận gương mặt tươi trẻ, nụ cười  sáng ngời, tư thế chiến đấu và hi sinh lẫm liệt của các chiến sĩ Thành Cổ bởi sức gợi của ca khúc được bung tỏa từ giai điệu bi hùng. Bản chất của bộ đội Cụ Hồ được thể hiện sắc gọn: giản dị, dũng mãnh mà kiê hùng! Có những bài hát được viết ra như thế. Hình như nó vẫn vang sẵn trong lòng nhạc sĩ rồi đến lúc nào đó gặp một tia lửa nhỏ, nó nổ bừng lên và nhạc sĩ chỉ có viết lên thành nhạc, thành lời.

Bài hát “Cỏ non Thành Cổ” không chỉ là bài hát hay theo nghĩa thông thường mà là cảm xúc, là tấm lòng tri ân, là nén tâm hương của muôn triệu người Việt Nam dành cho những liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc. Có thể xem đây là sáng tác xuất thần trọn vẹn cả về tư tưởng và nghệ thuật - một điển hình về sự chân thành, giản dị đến không cùng khi người nghệ sĩ biết chắt lọc cái tinh hoa nhất của đời sống.

Phạm Quỳnh Hoa
.
.
.