Có một người "cứu rỗi"...

Thứ Năm, 17/03/2011, 11:13
Tôi không nghĩ là mình ngoa ngôn khi đặt hai chữ "cứu rỗi" ở bên cạnh tên anh - én nhỏ Hoàng Đình Tùng của CLB Thanh Hóa. Nhưng quả thật là tôi có phần ngại ngùng, vì sợ rằng hai chữ đó - dù có đích xác chăng nữa sẽ đưa anh vào vực xoáy của sự ảo tưởng giống như phần lớn những người làm nghề "quần đùi áo số" ở cái xứ sở này.

1. Có một cái mệnh đề chán ngắt mà cánh viết lách thể thao hay nhắc đi nhắc lại: "Kể từ sau khi Hồ Văn Lợi đoạt vua phá lưới cách đây hơn chục năm, thì vua phá lưới V.League đã không còn thuộc về những chân sút nội". Biết là chán, nhưng người ta vẫn cứ phải nhắc, vì đơn giản là vấn đề quả nhiên diễn ra như vậy. Rằng, các tiền đạo nội, kể cả tiền đạo cỡ Công Vinh cũng không thể cạnh tranh nổi với những tiền đạo ngoại đến từ Phi châu, Thái Lan, hay bây giờ là Nam Mỹ. Rằng, những đội bóng V.League vẫn cứ phải chiều chuộng những chân sút ngoại hết mình, bất luận những chân sút hơn đã từng hơn một lần làm mình làm mẩy.

Bạn không tin ư? Tymothy đấy, Samson đấy, Almeida đấy, Edenne đấy - tất cả đều đã làm những CLB chủ quản của mình phải khốn khổ với những vụ đòi tăng lương hoặc cái thói vô tổ chức trong sinh hoạt. Nhưng thực tế là đến bây giờ thì cũng chính những cái tên ấy lại đang làm mưa làm gió trước những khung thành. Và cũng chính những cái tên ấy đã tạo ra một sự "đàn áp vĩ đại" đối với những tiền đạo nội ở trên bảng tổng sắp những cầu thủ ghi bàn V.League hiện nay.

Sự thắng thế của những chân sút ngoại một phần đến từ những kỹ năng vượt trội của họ, một phần đến từ sự xuống dốc đồng loạt của những chân sút Việt Nam.

Hãy điểm lại mà xem: Công Vinh thì đang phải đánh đu với chấn thương - và nghe đâu là với cả những phức tạp về "quan hệ" trong nội bộ HN.T&T; Việt Thắng kể từ khi chuyển về chơi cho Ninh Bình dường như cũng đánh mất luôn những vũ khí của một "sát thủ", Quang Hải trong màu áo Navibank Sài Gòn thì đến vòng đấu thứ 6 mới có nổi bàn thắng đầu tiên. Và nhìn chung là những cầu thủ tiền đạo gạo cội, hoặc tạm coi là gạo cội như thế đều đang chìm đắm trong một hiện thực tồi tệ hơn những gì người ta tưởng rất nhiều.

2. Trong cái vực xoáy hai chiều được tạo ra bởi sự lên hương của những chân sút ngoại, cộng với sự sa sút khó hiểu của những chân sút nội thì rõ ràng là anh - Hoàng Đình Tùng đột nhiên hiện lên với một vai trò "cứu rỗi" không lẫn đi đâu được. Vai trò ấy không những được thể hiện ở tổng cộng 4 bàn thắng anh ghi được từ đầu mùa giải, cũng không chỉ được thể hiện ở một lối chơi tốc độ, xông xáo - cái bản lề làm nên cảm hứng cho cả đội Thanh Hóa nói chung. Mà nó - vai trò ấy còn được thể hiện ở vẻ đẹp trong mỗi bàn thắng xuất phát từ cái chân của Đình Tùng.

Chỉ xin "cận cảnh" lại bàn thắng mà anh ghi được vào lưới HN.T&T: Nhận bóng ngoài vòng cấm, gần như không cần quan sát, Đình Tùng lập tức dùng lòng trong chân phải cứa vào mép bóng. Thế là quả bóng vọt lên không trung theo một quĩ đạo hình cong - nó lại vừa đủ độ liệng, đổ xoáy để nhắm trúng vào góc lưới đối phương. Mà người cản phá trong bất lực cú sút ấy là "quái kiệt" Dương Hồng Sơn, chứ không phải là một tay mơ nào khác… Cựu tiền đạo Đặng Phương Nam đã rất hóm hỉnh và cũng rất lãng mạn khi ví cú sút được tạo bởi quỹ đạo "hình cong" này với nhạc phẩm "Đường cong" đang được cô ca sĩ trẻ Uyên Linh thể hiện trong sự ngưỡng mộ của đông đảo công chúng.

3. Với tất cả những điều như vậy, rõ ràng không ngoa ngôn một chút nào nếu bảo chính Hoàng Đình Tùng, chứ không phải Lê Công Vinh, càng không phải những Việt Thắng, Quang Hải hay Anh Đức mới là người "cứu rỗi" lại niềm kiêu hãnh cho những chân sút nội. Chính Hoàng Đình Tùng với những trận đấu lóe sáng của mình đã làm các "thượng đế V.League" nhìn vào những tiền đạo Việt Nam với những hy vọng nhất định, thay vì chỉ là sự thất vọng tràn trề như vốn có.

Chỉ có một góp ý nho nhỏ này thôi: Ngay cả khi được ca ngợi là một "kẻ cứu rỗi" thì Đình Tùng cũng phải đủ lạnh để giữ cho mình trạng thái cân bằng. Bởi trong bóng đá, trong âm nhạc, và trong cuộc đời luôn như thế cả: Sau thời điểm vụt sáng, những ai không có khả năng giữ cân bằng tâm lý, người đấy trước sau gì cũng phải sống trong bi kịch

Trịnh Phan Phan
.
.
.