Có một dòng phim của các đạo diễn Việt kiều

Thứ Sáu, 17/02/2006, 07:31
Từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, phim của những Việt kiều bắt đầu được chú ý. Khi làm phim, các đạo diễn thường tự tìm cho mình một lối đi riêng. Đó là con đường mạo hiểm nhưng cảm giác được khám phá luôn là một hạnh phúc khó có thể diễn đạt được. Điều đó làm nên sự khác biệt của hình ảnh phim mang đến cho người thưởng thức.

Nói chung những bộ phim của đạo diễn nước ngoài gốc Việt đều mang đến cho người xem ấn tượng về mặt hình ảnh. Mỗi khuôn hình đẹp như một bức họa.

Trong những đạo diễn Việt kiều, Trần Anh Hùng là một cái tên quen thuộc với điện ảnh trong nước những năm 90. Với “Mùi đu đủ xanh” (1993) của anh sau khi đoạt một số giải thưởng ở Pháp đã về Việt Nam công chiếu. Đạo diễn người Pháp gốc Việt này đã mang đến cho công chúng Việt Nam một cách thưởng thức mới lạ, độc đáo về lĩnh vực nghệ thuật thứ bảy. Tiếp đến là phim “Xích lô” và “Mùa hè chiều thẳng đứng” (1999) cũng của Trần Anh Hùng đều gây xôn xao dư luận. Bộ phim “Xích lô” nói về cuộc sống của người dân ở vùng Sài Gòn.

Còn “Mùa hè chiều thẳng đứng” xoay quanh cuộc sống của ba chị em gái trong một gia đình. Tiết tấu phim chậm, tình cảm con người được thể hiện đôi lúc bình dị, trầm lắng, lúc lại cuộn sóng dâng trào. Tác phẩm đặt ra nhiều vấn đề trong đó có sự bội tín và khát vọng tình yêu đôi lứa. Nhưng sự quan tâm của mọi người cũng chỉ hướng vào sự lạ mà bộ phim được làm bởi một tay đạo diễn Việt kiều chứ bộ phim không phải là một tác phẩm nghệ thuật điện ảnh đích thực.

Đạo diễn là người ít vốn sống, ít hơi thở của dân tộc Việt nên phim không nhận được sự đồng tình của khán giả. Nếu có thể nói một phim không thể chấp nhận được về mặt tư tưởng là phim “Xích lô”. Đó là một bộ phim bạo loạn, cảnh phim hoàn toàn là những cảnh bạo lực, chém giết. Rồi đến “Mùa hè chiều thẳng đứng” tuy được các phương tiện thông tin đại chúng lăngxê nhưng vẫn không mấy hấp dẫn. Trong có những cảnh phim mà ở Việt Nam chẳng bao giờ có.

Bộ phim “Thời xa vắng” được làm bởi một đạo diễn người Việt gốc Thụy Sĩ là Hồ Quang Minh. Phim được chuyển thể từ một cuốn tiểu thuyết cùng tên nổi tiếng của nhà văn Lê Lựu.

Âm nhạc hay, quay phim giỏi đã bắt gặp ý tưởng của đạo diễn tạo được không khí làng quê đậm đặc và tù túng. Bộ phim khắc họa chân thật và ấn tượng về làng quê Việt Nam mà bấy lâu nay nhiều khi chúng ta xao nhãng hay làm mất đi. Bối cảnh phim gợi nhiều suy nghĩ nhưng cũng có những cảnh phim làm chưa tới. Chẳng hạn như nỗi cô đơn của Sài bắt gặp hoàn cảnh của ông lái đò chưa làm rõ được. Hay cách đối phó của ông Hà khi một tên trộm chuối bắt gặp Sài “trăng gió” với Hương. Tất nhiên phim không thể như tiểu thuyết được.

Nói về tay nghề thì phải công nhận đạo diễn Hồ Quang Minh là người tài hoa. Tuy nhiên dưới góc nhìn mang đậm chủ nghĩa giải phóng cá nhân của một đạo diễn sống lâu năm ở nước ngoài, câu chuyện về Giang Minh Sài luôn hồ hởi với trật tự mới và sẵn sàng hy sinh hạnh phúc cá nhân được thể hiện hơi cứng và có phần khiên cưỡng. Thêm vào đó là sự xâu chuỗi giữa các ý tứ chưa được nhuần nhuyễn lắm để làm bật ý tưởng. Vì vậy khán giả xem phim có những chỗ chưa ngẫm ra được.   

“Mùa len trâu” của Nguyễn Võ Nghiêm Minh là phim khá nhất trong số những phim của đạo diễn Việt kiều. Phim từng tham dự nhiều liên hoan quốc tế và giành nhiều giải thưởng uy tín. Trong năm 2006 “Mùa len trâu” còn là ứng cử viên nặng ký cho đề cử hạng mục phim nước ngoài hay nhất tại giải Oscar.

Phim “Mùa len trâu” có một cơ sở vững chắc từ  tập truyện “Hương rừng Cà Mau”. Đạo diễn đã biết kết hợp liền mạch nhiều chi tiết trong các truyện của Sơn Nam để làm nên kịch bản phim “Mùa len trâu”. Tài năng của Nguyễn Võ Nghiêm Minh là ở chỗ đã nâng cao tầm tư tưởng và thẩm mỹ của tác phẩm gốc lên nhiều lần với nhiều chi tiết, nhiều nhân vật, nhiều điểm nhấn không thể tìm thấy trong tác phẩm của nhà văn Sơn Nam. Người xem bị choáng ngợp bởi cảnh sắc hoang dã của thiên nhiên Nam Bộ mùa nước nổi thời thuộc Pháp. Tất cả chìm trong biển nước trắng xóa. Trên bối cảnh đó hiện dần lên số phận những con người nghèo không một tấc đất cắm dùi phải sống và chết cùng nước.

“Mùa len trâu” là sự thống nhất giữa tư tưởng cũng như nghệ thuật của kịch bản và đạo diễn. Nguyễn Võ Nghiêm Minh có những tố chất đáng quý đó là: tài năng và sự nghiêm túc trong nghề. Người xem còn ấn tượng với những cảnh quay của một nhà quay phim người Bỉ, Yves Cap. Có khi choán hết màn hình là hàng trăm con trâu chen chúc trong nước với những cặp sừng cong vênh, có khi là những bàn chân giẫm đạp với những giọt nước bắn tung tóe…

Rồi cả những cảnh Cape lặn xuống đáy quay hình ảnh bên trong lòng nước tĩnh lặng đem đến một cái nhìn chân thực về một thế giới ít được biết đến. Về êkíp diễn viên chính tuy hoàn toàn là nghiệp dư nhưng người xem lại như đang chứng kiến số phận của họ trước cuộc đời. Đó là nhờ vào tài năng chỉ đạo diễn xuất của đạo diễn. Diễn viên Kìm do Lê Thế Lữ thủ vai đã xua trâu, chèo thuyền như cảnh sống quen thuộc của người dân vùng nước nổi. Vai Ban do Kiều Trinh đóng cũng toát lên được hồn vía nhân vật. Hình ảnh nàng Ban cắm con sào đứng đợi người chồng không hôn thú trở về sau mỗi mùa len trâu đã làm nao lòng người xem. Đấy là cái tài của đạo diễn đã biết khơi lên chất đời trong các diễn viên để họ có dịp cống hiến cho điện ảnh. Phần âm nhạc và âm thanh trong phim cũng là một yếu tố đáng để nhắc tới. Những tiếng sáo tha hương của người Khơme đã góp tạo hiệu ứng trong phim. Nói chung “Mùa len trâu” là sự tổng hòa của các yếu tố để làm nên một bộ phim xuất sắc xứng đáng nhận những giải thưởng của điện ảnh trong nước và quốc tế.

Mới đây Viện Goethe đã giúp  Đoàn Minh Phượng công bố bộ phim “Hạt mưa rơi bao lâu” - sản phẩm văn hóa hợp tác Đức - Việt. Bối cảnh bộ phim là vùng đồng bằng Bắc Bộ cách đây 200 năm. Đoàn Minh Phượng đã phá vỡ trật tự thời gian và hoán đổi không gian giữa hai chiều quá khứ và hiện tại. Bộ phim đem đến cho người xem cảm giác về cái lạ ở cách kể chuyện qua hình ảnh, nhân vật nói rất ít mà chủ yếu bằng hành động. Cuộc đời Lý An được tái hiện qua hồi ức của mỗi người đàn ông là một cách kể riêng. Những cảnh quay không rõ nét, các nhân vật đôi lúc mờ nhạt chính là ý đồ của đạo diễn bởi vì đấy chỉ là hồi ức của những người còn sống. Bộ phim kết thúc không phải bằng một sự lý giải rõ ràng về nhân vật. Cuộc đời của Lý An trở nên vô định, mơ hồ. Cuộc truy tìm dấu tích người mẹ của cậu con trai sẽ mãi trở nên vô vọng.

Cảnh phim được thực hiện tại những di tích ở miền Bắc: Hồ Ba Bể, chùa Dâu, … bởi tay máy người nước ngoài. Họ đã biết chọn những góc quay đẹp nhất, tận dụng được hiệu quả ánh sáng, cảnh sắc chắt lọc nên một Việt Nam thời  xưa ở nhiều góc cạnh. Bên cạnh đó cũng không thể bỏ sót yếu tố âm nhạc trong phim. Âm điệu man mác của những ca trù được cất lên đúng lúc đã tạo được hiệu quả sâu sắc.   

Tuy nhiên có những “hạt sạn” đáng tiếc đã làm giảm tính hấp dẫn của bộ phim. Kịch bản viết ẩu dẫn đến sự lúng túng trong vai trò đạo diễn. Có lẽ Đoàn Minh Phượng đã sống quá lâu ở nước ngoài nên không rõ cơ sở văn hóa Việt Nam. Chị lẩy ra được môtíp chửa hoang nhưng không hiểu được đó chính là một sự xúc phạm đất lề quê thói tày đình trong làng xã Việt Nam. Còn chuyện một người phụ nữ sống chung với ba người đàn ông, văn hóa Việt Nam xưa không cho phép điều đó. Khán giả nước ngoài sẽ nghĩ gì về nhân cách người phụ nữ Việt Nam. Trang phục của nhân vật Lý An cũng phải xem lại. Cô mặc yếm đen, váy được pha trộn giữa váy đầm châu Âu và váy đụp Bắc Bộ khiến Lý An trở nên quá sang trọng so với những người phụ nữ trong phim.

Dàn diễn viên đóng phim đều không chuyên nghiệp. Vai chính Lý An do người mẫu Trương Ngọc Ánh đóng. Nhưng với vai gái quê cô không hợp. Cô vào vai thôn nữ mà nét mặt, cách nói năng, dáng di… đều toát lên vẻ đài các. Lẽ ra đây là một vai đầy nội tâm đòi hỏi năng lực “diễn” của diễn viên. Vậy mà với Trương Ngọc Ánh cô vào vai không cảm xúc, không lúc nào thấy nét mặt đau khổ của cô trong suốt bộ phim. Lúc nào cô cũng đẹp ngay cả trong lúc cần sự đau đớn của việc sinh đẻ. Còn nhân vật ba chàng thợ mộc đều do ba họa sĩ thủ vai. Nói chung bộ phim “Hạt mưa rơi bao lâu” mới là một trò chơi hoàn toàn nghiệp dư của một nữ biên kịch lần đầu làm đạo diễn.

Xuất hiện không nhiều tại Việt Nam nên mỗi khi có bộ phim nào của đạo diễn Việt kiều công chiếu thường được giới truyền thông quan tâm nhiều hơn phim trong nước. Chúng ta hy vọng thời gian tới sẽ có những bộ phim chất lượng hơn nữa từ các đạo diễn Việt kiều mang đến sự mới lạ và hay cho công chúng thưởng thức nghệ thuật điện ảnh nước nhà

.
.
.