Cô gái “lai” đam mê nghệ thuật ca trù

Thứ Tư, 03/05/2017, 17:09
Lần đến xem chương trình biểu diễn ca trù của CLB Ca trù Thăng Long ở đền Quan Đế (Hàng Buồm, Hà Nội), tôi rất ấn tượng với cô bé MC, không chỉ bởi vẻ đẹp thuần Việt, giọng nói truyền cảm, tiếng Anh chuẩn, mà còn vì kiến thức và tình yêu của cô với ca trù trong mỗi lời giới thiệu, trong từng tiết mục mà cô biểu diễn.

Cứ nghĩ đó là cô gái ở một vùng quê nào của Việt Nam, nên tôi đã ngạc nhiên hơn khi biết cô gái mang 2 dòng máu Việt Nam và Malaysia, với cái tên “lai” là Khairunnisa Thùy Dương Taat.

16 tuổi và đang là học sinh Trường quốc tế Pháp, nhưng Thùy Dương đã có 4 năm làm MC tình nguyện ở giáo phường Thăng Long.

Với những thế mạnh hội tụ, Thùy Dương để lại ấn tượng tốt đẹp trong mỗi chương trình biểu diễn. Bởi thế, rất nhiều du khách nước ngoài đã quay trở lại xem và đưa bạn bè đến xem các canh hát của CLB Ca trù Thăng Long, một phần bởi cô MC duyên dáng.

MC Khairunnisa Thùy Dương Taat – một nhịp cầu đưa ca trù đến với khán giả nước ngoài.

Chuyện Thùy Dương làm MC tình nguyện cho giáo phường Thăng Long thật tình cờ. Năm 2013, một lần đi qua ngôi nhà cổ 87 Mã Mây, mấy mẹ con Thùy Dương cùng vào xem biểu diễn ca trù.

Không ngờ lần “chạm mặt” với ca trù, giọng ca thanh, vang, tiếng phách, tiếng trống chầu và tiếng đàn đáy độc đáo đã lập tức hút hồn cô bé 12 tuổi. Ngay hôm sau, với sự giúp đỡ của mẹ, Thùy Dương đã đến xin làm tình nguyện viên cho các nghệ nhân với công việc ban đầu là xếp ghế, đón khách vv…

Chăm chỉ, nhiệt tình, đặc biệt là rất yêu loại hình nghệ thuật bác học kén người nghe này, Thùy Dương nhanh chóng chiếm được cảm tình của nghệ nhân Phạm Thị Huệ, Chủ nhiệm CLB Ca trù Thăng Long, để rồi, chỉ mấy tháng sau đã được cô Huệ cho dẫn chương trình.

Tối nào CLB biểu diễn, dù bận rộn đến mấy, Thùy Dương đều được mẹ đưa đến từ sớm, chuẩn bị chu đáo cho buổi diễn. Có tối diễn 2-3 suất liền nhưng cô bé không bỏ buổi nào.

Trân trọng tình yêu của con với nghệ thuật dân tộc, nhất là khi nhiều trẻ em Việt Nam còn xa lạ với loại hình này, mẹ Thùy  Dương đã lặng lẽ và kiên trì ủng hộ con suốt 4 năm qua. Không chỉ đón đưa Thùy Dương, mẹ còn chăm chút, sắm cho con từng bộ trang phục phù hợp để con biểu diễn.

Có lần xem Thuỳ Dương vừa giới thiệu vừa biểu diễn, một giáo sư âm nhạc người Mỹ đã ngồi lại hỏi kỹ càng ý nghĩa của từng câu, từng bài hát một cách say mê.

Với những thế mạnh hội tụ, Thùy Dương để lại ấn tượng tốt đẹp trong mỗi chương trình biểu diễn. 

Những kiến thức về ca trù của cô gái nhỏ đã làm hài lòng chuyên gia âm nhạc. Vị khách đi cùng là một nhạc sĩ và nhà sản xuất âm nhạc cũng đã nhiều lần quay lại để thưởng thức cho biết, muốn hợp tác với CLB Thăng Long để làm cho ca trù mới lạ thêm.

Những lần như thế, Thuỳ Dương càng ý thức được vai trò là một nhịp cầu góp phần đưa ca trù ra thế giới, để tiếp tục học hỏi, tìm hiểu sâu hơn về ca trù, hy vọng đáp ứng được mong muốn tìm hiểu của khán giả nước ngoài. Với tình yêu nghệ thuật truyền thống sâu đậm, Thuỳ Dương còn theo học đàn tỳ bà ở Học viện Âm nhạc Quốc gia.

Cô là học sinh duy nhất của Trường Quốc tế Pháp học môn này. Cảm nhận được sự đam mê và tâm huyết của cô bé, NSND Mai Phương đã hết lòng dạy dỗ, truyền nghề để Thùy Dương luôn có điểm thi 9,3 - 9,7/10.

Nghệ nhân Phạm Thị Huệ cũng cho hay, dù nhỏ tuổi, nhưng phong cách, thái độ ứng xử của Thuỳ Dương trong công việc luôn nghiêm túc nên mọi người quý mến.

Có năng khiếu âm nhạc nhưng tiếc là cháu không đi theo con đường trở thành một ca nương đích thực, mà chỉ hỗ trợ, giúp đỡ bằng tất cả tình yêu với ca trù. “Thuỳ Dương là một cô gái rất đặc biệt!” Nghệ nhân Phạm Thị Huệ nhắc đi nhắc lại câu nói đó, như một cách bày tỏ sự quý mến dành cho cô bé đam mê ca trù.

Thanh Hằng
.
.
.