Cô gái hát trên mâm pháo

Thứ Tư, 06/04/2005, 07:52

Trong kí ức của những người đã đi qua cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, một giai đoạn lịch sử đau thương nhưng vĩ đại, giọng ca Lệ Thu đã trở nên quen thuộc. Cùng những nghệ sĩ khác chị dùng tiếng hát át tiếng bom, phục vụ các anh em chiến sỹ, đồng bào. Sân khấu của chị thường ở ngay giữa chiến trường, trên những mâm pháo.

Năm 1965, 25 tuổi, Lệ Thu bắt đầu vào chiến trường Bình Trị Thiên với tư cách là một ca sĩ xung kích của Đoàn ca múa Hà Nội (mũi xung kích nữa là nhạc sĩ Trần Tiến). Khi đó, chị là một trong những gương mặt đơn ca chính của đoàn, bên cạnh những Minh Đỗ, Thẩm Thanh Hiếu, Huyền Nga... những giọng ca vang bóng một thời. Đến đâu có lực lượng thanh niên xung phong và bộ đội làm nhiệm vụ là đoàn của chị tổ chức ngay một đêm văn nghệ. Mà điểm hát thường là: Bến phà Gianh, sông Nhật Lệ, đèo Đá Đẽo, phà Quán Hàu... "Tôi thanh xuân như họ, cũng vô tư như họ. Nhiều người đã hy sinh, mình cũng có thể hy sinh, tôi chỉ nghĩ rằng, có thể lúc đó tôi sẽ chết vì bom đạn, nhưng còn sống thì còn hát". Lệ Thu tâm sự.

Một lần, có một chuyến xe chở cô giáo và học sinh từ Vĩnh Linh ra Nghệ Tĩnh sơ tán bị trúng bom Mỹ, cô giáo hy sinh, nhiều cháu không cứu được, một số cháu sống sót bò lên mép hố bom tìm sự sống. Đêm hôm đó, Lệ Thu không thể cất nổi lời hát. Người bạn diễn, ca sĩ, nhạc sĩ Trần Tiến động viên: "Chị can đảm lên đi. Nhiệm vụ của mình là hát, hát cho những người đang làm nhiệm vụ kia mà!". Rồi 2 người, cũng là 2 mũi xung kích của Đoàn ca múa Hà Nội ôm cây ghi ta gỗ bắt đầu hát, vừa hát vừa khóc.

Năm 1968, Lệ Thu cùng đoàn Hội nhạc sĩ Việt Nam đi chiến trường Lào, chiến trường B. Chị luyện tập và hát điệu Lăm tơi dân ca Lào như ca sĩ Lào hát thật. Chị vinh dự được hát cho vợ chồng Xu-pa-nu-vông tại hầm công sự. Rồi sau chuyến đi này, Lệ Thu về Hà Nội. 12 ngày đêm bom lửa đất Thủ đô là 12 ngày đêm quân và dân được nghe tiếng hát chị. Khi thì trên cầu Long Biên, khi thì sân bay Gia Lâm, rồi Nhà máy điện Yên Phụ... chị thường xuyên đứng hát trên các mâm pháo, hết mâm pháo nọ đến mâm pháo kia. Có khi đang hát, máy bay Mỹ nhào đến. Một đồng chí hô lớn: "Chị Lệ Thu nằm xuống!" rồi lấy thân mình che cho chị. "Những kỷ niệm, những con người như thế cứ ám ảnh Lệ Thu mãi để rồi chị tự nhủ, mình phải hát hết bầu tâm huyết và với tất cả tình yêu cuộc sống.

Bước sang tuổi 40 là cái tuổi mà xuân và sắc cơ hồ không dành cho người nghệ sĩ nữa, nhưng một lần đi lưu diễn ở Algeria, nghe người dân đệm đàn hát Chào mẹ con đi lấy chồng, một bài dân ca nổi tiếng mà người con gái nào của Algeria cũng thuộc, chị lân la học và chỉ trong 3 ngày chị đã lên sân khấu nước này biểu diễn và hát câu nào thì khán giả Algeria vỗ tay câu đó. Rồi đến nước Nga, nhiều người cho rằng sức chị không còn đủ lên những đoạn xacato của Cánh chim báo tin vui, một người trong đoàn quả quyết: "Tôi lấy cái đầu tôi ra mà cược là Lệ Thu hát được". Chị hát vẫn nồng nàn và như thăng hoa trong sự tấm tắc của khán giả nước bạn.

Hòa bình, chị về làm giảng viên trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội, gắn bó với nghề cho đến tận bây giờ và có nhiều học trò đã thành danh. 65 tuổi, chị đứng trên bục giảng sửa cho học trò từng thanh âm, cách lấy hơi, nhả chữ cho tròn, vẫn được các thế hệ học trò sau này tin yêu. Bài ca hy vọng của Văn Ký vẫn được cất cao đầy hào hứng, những đoạn xacato của Cánh chim báo tin vui vẫn thánh thót như tiếng chim, hay những giai điệu dân ca vẫn ngọt ngào truyền cảm. Không quá, khi đánh giá rằng, giọng ca đó không có tuổi, và hát vẫn tràn đầy nhiệt huyết và chứa chan niềm yêu đời đến lạ..

Hoàng Nguyên Vũ
.
.
.