Kỷ niệm 68 năm cách mạng tháng tám và quốc khánh 2-9:

Cờ đỏ sao vàng lấp lánh Quốc ca

Chủ Nhật, 01/09/2013, 16:17
Tôi hát Thiên Thai, Suối Mơ… mơ gặp nhạc sĩ Văn Cao trước ngày anh là tác giả Quốc ca. Và tôi yêu nhạc sĩ, thi sĩ, họa sĩ… Văn Cao trước khi chúng tôi thành đôi bạn chí thân. Cái duyên bằng hữu, chúng tôi xe kết từ trong hoạn nạn, trong tìm tòi sáng tạo. Chúng tôi đến với nhau trong cái thuở chẳng có mấy ai dám đến chơi nhà, nơm nớp sợ điều “liên quan”…

Là một phóng viên mặt trận, tôi ngã xuống chiến hào miền Đông Nam Bộ, được “chuyển thương” qua Trường Sơn, đưa về Hà Nội. Anh Văn Cao là một trong năm người bạn đầu tiên tìm đến một ngõ hẻm thăm tôi đang đối mặt với những vết thương do giặc Huê Kỳ. Không thể đếm được số lần vết thương sọ não gây cơn co giật, tôi ngả vào lòng nhạc sĩ Văn Cao! Nằm trong vòng tay anh, phảng phất hương rượu ngang, tôi mê mê tỉnh tỉnh như “lạc tới Đào Nguyên… Kìa đường lên tiên!”… Và có lúc lại cảm giác như đang “… Ngựa phi nơi xa kìa nghe súng vang bên trời… Mong xác trong da ngựa bọc thân thể trai… Bừng nghe dư âm khúc anh hùng ca”.

Lúc tỉnh táo, tôi nâng chén rượu bằng ba ngón tay trái còn lành lặn đụng với chén anh Văn Cao, hỏi anh:

- Tôi ngã xuống, máu thấm vào đất nơi sinh ra lá cờ Tổ quốc. Khi anh sáng tác Tiến quân ca đã thành Quốc ca, anh có được nhìn thấy cờ đỏ sao vàng không?

- Mình tưởng tượng chứ chưa hề trông thấy hay nghe nói về cờ đỏ sao vàng.

- Anh được nhìn lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng từ lúc nào?

Anh Văn Cao ủ chén rượu trong hai bàn tay:

- Tháng tám – năm bốn lăm, Hà Nội một không khí cách mạng sôi sục thì mình bị ốm, giao vũ khí cho đồng chí khác thay thế để chữa bệnh. Khi bệnh đã thuyên giảm, được anh em tổ công tác bí mật cho biết ngày 17/8/1945 sẽ có cuộc mít tinh lớn tại quảng trường Nhà hát lớn. Mình đến dự, quan sát từ vòng ngoài của biển người… Bất thần từ trên bao lơn nhà hát hiện ra một lá cờ đỏ sao vàng, cỡ lớn! Tiếng hát “Tiến quân ca” vang lên! Mình khóc! Lần đầu tiên mình được khóc với niềm hạnh phúc!

Anh vẫn ủ chén rượu trong hai bàn tay, giọng anh trầm ấm:

- Phúc thường có ủ họa ở bên trong, Sơn Tùng ạ!...

Tôi ngẫm nghĩ… và nói với anh điều mình chiêm nghiệm:

- Anh không chủ định làm một Quốc ca. Mà khí thiêng sông núi nhập vào tâm hồn anh trong những thời điểm anh sáng tạo. Lúc đất nước có thời vận, thì ca khúc của anh được nhân dân thừa nhận, sự thừa nhận cao cả nhất, thiêng liêng nhất là Quốc ca. Năm 1942, anh sáng tác ca khúc “Gò Đống Đa”, lời ca… “Từng đoàn dân chúng trên đế đô tưng bừng đi. Tìm về thăm chốn non nước thiêng… Dòng máu ái quốc lưu luyến trong bao đấng hùng… thề quyết phấn đấu, đồng tâm hy sinh làm sao cho hơn đời xưa. Rồi cất sức sống ngày mai máu đào đồng bào kết hòa cùng máu Quốc kỳ”… Năm 1943, anh sáng tác “Thăng Long hành khúc”… Lời bài ca này “Cùng tiến bước về phương Thăng Long thành cao đứng… Cột cờ còn kia. Cột cờ còn đó… Tháp đây gương thần đâu dưới nước biếc”. Có chăng bao người bao nhiêu luyến tiếc… Thăng Long thành xưa, Thăng Long ngày nao cờ khoe sắc phấp phới?... Đến tháng 10/1944, anh sáng tác “Tiến quân ca”. Thì lời ca: “Đoàn quân Việt Minh đi chung lòng cứu quốc. Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa. Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước… Đoàn quân Việt Nam đi sao vàng phấp phới. Dắt giống nòi quê hương, qua nơi lầm than”… Bằng con mắt thường anh chưa nhìn thấy, nhưng tâm linh anh đã “thấu thị” được cờ đỏ sao vàng.

Nhạc sỹ Văn Cao và nhà văn Sơn Tùng trong lần gặp mặt năm 1992. Ảnh do gia đình nhà văn Sơn Tùng cung cấp.

Văn Cao ngước nhìn xa, đặt chén rượu vào môi, chòm râu rung động! Nhắp tý rượu đặt chén xuống, bàn tay anh ấp trên miệng chén giữ lấy hương rượu, không chuyển hướng nhìn.

- Bác – tôi nói – Bác Hồ cũng nhận ra cờ đỏ sao vàng bằng tâm linh. Anh Văn Cao vẻ ngạc nhiên nhìn vào tôi – có lẽ!... Đúng vậy đó anh, Bác đi, Bác nhìn, đi nhìn khắp thế giới từ tuổi hai mươi đến tuổi năm mươi, Người tìm kiếm cho được cái phương tiện để đạt mục đích quét sạch thực dân xâm lược, dựng lại độc lập, xây nền dân chủ cho nước nhà. Trên đường trở về nước, cuối năm 1940 tới Hoa Nam, Bác nhận được tin qua sóng đài về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ, cờ đỏ sao vàng vừa xuất hiện liền bị dìm trong máu khủng bố trắng của thực dân Pháp. Bác may ngay một lá cờ nền bằng lụa đỏ, ngôi sao năm cánh bằng giấy vàng đính giữa. Lúc bấy giờ Bác không mua được lụa hoặc vải màu vàng.

Tháng 12/1940, Bác mang bí danh Hồ Quang cùng một số cán bộ, trong đó có đồng chí Dương Hoài Nam (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) từ Quế Lâm về làng Nậm Quang, huyện Tĩnh Tây, tỉnh Quảng Tây sát biên giới Trung – Việt. Tại đây, Bác mở lớp huấn luyện cán bộ từ trong nước gửi sang để chuẩn bị việc thành lập một Mặt trận đại đoàn kết dân tộc dân chủ. Bác viết cuốn sách Con đường giải phóng làm tài liệu huấn luyện. Đồng chí Dương Hoài Nam được Bác giao nhiệm vụ phụ trách lớp và Bác trao cho đồng chí Hoài Nam lá cờ đỏ sao vàng treo trên bàn thờ Tổ quốc trong lớp học. Lá cờ ấy Bác mang theo về nước. Ngày 19/5/1941, lá cờ được treo lên giữa hang Pác Bó, khai mạc Hội nghị thành lập Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Ngay lúc bấy giờ, Bác ghi điều dự báo: “1945 Việt Nam Độc lập” vào tập diễn ca 208 câu của Người: “Lịch sử nước ta”. Và phải chăng vận Dịch Sấm Trạng Trình: “Đầu can Võ tướng ra binh”… Người quyết định ngày 8 tháng Tý năm Giáp Thân, tức ngày 22/12/1944, Người tín trọng trao lá cờ đỏ sao vàng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp làm lễ khai sinh Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân gồm 34 đội viên. Giữa rừng thiêng Sam Cao mang tên vị Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, đồng chí Võ Nguyên Giáp đứng trước hàng quân dưới cờ đỏ sao vàng đọc Lời thề danh dự.

Ngày 16/8/1945, Hồ Chủ tịch chọn bài “Tiến quân ca” làm Quốc ca, cờ đỏ sao vàng làm Quốc kỳ trình với Đại hội đại biểu quốc dân tại Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang và được Đại hội long trọng thừa nhận

S.T.
.
.
.