"Cô Cảnh sát và sắc hoa tigôn": Thấm đẫm tình người

Thứ Sáu, 21/10/2011, 15:28
Đọc thơ Phạm Mai Dựng (tác giả của tập thơ "Cô Cảnh sát và sắc hoa tigôn") mỗi bài thơ như mở ra một bức tranh đẹp về tình yêu thương con người, đó là lòng "nhân ái", đã giúp chị và đồng đội gắn bó mãi với nghề Công an, thấy ý nghĩa hơn khi mình góp sức làm cho những tâm hồn giá băng, cằn cỗi, thức tỉnh đâm chồi, nảy lộc để vươn về nơi ánh sáng…

Tôi có thiện cảm với chị ngay từ lần đầu tiên gặp gỡ, dường như, những suy nghĩ của tôi về chị, người phụ nữ có cái tên khá đặc biệt Phạm Mai Dựng đã trở nên bị ám ảnh khi tôi đọc được những vần thơ của chị trong tập thơ "Cô Cảnh sát và sắc hoa Tigôn".

Bình thường gặp chị, tôi thấy chị thoăn thoắt giải quyết bao nhiêu công việc trong tư cách của một Trưởng phòng Tổ chức cán bộ - Cục Tham mưu, Chính trị - Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII). Nhưng đọc thơ chị, lại toát lên hình ảnh của một người phụ nữ nhẹ nhàng, tinh tế và lãng mạn trong những giây phút thăng hoa sau những công việc bộn bề của công việc và cuộc sống.

Trong bài thơ viết tặng các đồng chí nữ Cảnh sát trại giam "Đừng chê em", chị Mai Dựng viết: "Anh cứ bảo là em vụng dại/ Chẳng biết chiều chồng, chẳng biết vỗ về con/ Anh cứ bảo là em khô cứng/ Chẳng biết nói ngọt ngào, chẳng biết làm thơ/ Chẳng biết làm duyên, chẳng biết "mốt" bao giờ/ Em là thế? Không, không phải em là thế/ Em cũng biết chia sẻ cùng anh/ những niềm vui và nỗi buồn/ cũng "chia lửa" cùng anh trong "trận chiến âm thầm"/ Để giữ bình yên cho bao gia đình hạnh phúc…".

Nghề nào cũng có cái vất vả riêng, nhưng dường như, những người nữ Cảnh sát trại giam là những người chịu nhiều vất vả nhất. Phụ nữ chân yếu tay mềm, làm tròn được nhiệm vụ làm vợ, làm mẹ đã là một kỳ tích, họ lại là những người chiến sĩ quản lý phạm nhân ở những địa bàn xa trung tâm thành phố, xa ánh sáng đô thị, thay vì được điệu đà, nũng nịu, được sự chiều chuộng của "phái mạnh", thì các chị phải luôn bản lĩnh, cứng rắn và cương quyết với những mảnh đời tội lỗi, giúp họ cải tạo tốt để trở lại sống với cuộc đời lương thiện.

Chị Mai Dựng, trong những chuyến đi ấy đã chia sẻ những đồng cảm của mình về sự vất vả của các chị em bằng những vần thơ đầy tâm trạng: "Chẳng có lúc nào thư thả ngắm sao đêm/ Trăng sáng buông lơi, sương nhẹ phủ êm đềm/ Nỗi nhớ con thơ cứ âm thầm sâu lắng/ Rừng xanh ơi! Ghi tình em sâu nặng/ Trách nhiệm này đâu phải của riêng ai?/ Biết em còn vất vả lắm em ơi/ Thương con học xa vì mình cần "cái chữ"/ Thương ba mẹ già những ngày trời trở gió/ Ba đau nhiều ai chăm sóc, ai trông?"…

Nhà thơ Hồng Thanh Quang, Phó Tổng biên tập Báo Công an nhân dân đọc tập thơ của chị đã chia sẻ: "Tôi vẫn luôn tin rằng, khi tất cả bất lực thì thơ lên tiếng, khi chúng ta không còn biết dùng cách gì để diễn tả cho đúng, cho đủ những rung động, những tâm tư đang trào dâng trong lòng mình thì những câu thơ xuất hiện. Đọc những bài thơ của đồng chí Thượng tá Phạm Mai Dựng, tôi càng tin hơn điều đó. Có thể nhận thấy rất rõ những bận bịu công vụ và điều kiện làm việc có lẽ rất khắc nghiệt của người nữ sĩ quan đã từng hơn 30 năm công tác trong ngành Cảnh sát quản lý giáo dục, cải tạo phạm nhân, đã không làm mất đi những khoảnh khắc thơ trong cuộc sống của chị. Và vì thế, đã có những bài thơ xuất hiện một cách tự nhiên, mộc mạc, chân thành, về đồng đội, về người thân, về cả những điều thô ráp của cái nghề tưởng chừng như rất khó viết thành thơ".

Trong tập thơ "Cô Cảnh sát và sắc hoa Tigôn", phần lớn là những bài thơ chị Mai Dựng viết về quê hương, gia đình, về các con. Trong bài thơ "Cây ổi", chị đã thực sự có những câu thơ đầy sâu lắng khi viết về quê hương: "Nhớ những ngày thơ bé xa quê/ Con đi học xa nhà, chỉ về quê vào những ngày chủ nhật/ Qua cổng nhỏ mùi ổi thơm ngan ngát/ Như có phép mầu dẫn lối con đi/ Sau bao năm lưu lạc con về/ Đời lính dãi dầu nắng mưa, sương gió/ Vẫn cây ổi đứng đợi con đầu ngõ/ Như bóng cha già mong mỏi chờ con…/ Dù có đi đâu nhưng thương nhớ rất nhiều/ Hình ảnh quê hương giữa mùa ổi chín".

Nói về bài thơ này, chị Mai Dựng đã chia sẻ: "Quê tôi ở Thái Bình nhưng tôi rời quê hương trở thành lính từ những năm tuổi mới đôi mươi, xa quê đằng đẵng, xa gia đình, mẹ cha, không được sớm hôm chăm sóc để đáp đền công lao sinh dưỡng của các bậc sinh thành, đôi khi lòng bỗng bộn bề… Chỉ còn cách gửi đến quê hương những vần thơ viết với cả nỗi lòng chân thật…".

Thơ của chị Phạm Mai Dựng không cầu kỳ bởi chữ nghĩa, không dụng công trong cách đi tìm vần điệu, cũng không làm dáng bởi những ngôn từ hoa mỹ. Thơ chị là những xúc cảm được lưu cữu trong tâm hồn người phụ nữ vốn đa cảm và tinh tế trong cách cảm nhận thiên nhiên, con người, để rồi sau những giây phút thăng hoa, chị đã có những câu thơ vụt sáng và xúc động, chia sẻ được cùng người đọc, cùng bè bạn, gia đình.

Nói như lời những người bình chọn trong cuốn sách của chị: Suy tư của chị gieo tự nhiên trên cánh đồng chữ, không cầu kỳ, trau chuốt câu chữ, chưa chứa đựng nồng nàn cảm xúc mà chị có được từ tháng năm công tác trong ngành Công an quản lý trại giam, những yêu thương, những chia sẻ, nếm trải, những vất vả khó khăn mà mình và đồng đội đi qua… Tất cả đã dồn nén, đong đầy thành những trăn trở trong thơ của chị như lời tâm tình động viên bạn bè, đồng đội.

Đọc thơ chị, mỗi bài thơ như mở ra một bức tranh đẹp về tình yêu thương con người, đó là lòng "nhân ái", đã giúp chị và đồng đội gắn bó mãi với nghề Công an, thấy ý nghĩa hơn khi mình góp sức làm cho những tâm hồn giá băng, cằn cỗi, thức tỉnh đâm chồi, nảy lộc để vươn về nơi ánh sáng…

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.
.