Chuyện xúc động trên chặng đường làm báo

Thứ Tư, 31/10/2018, 20:00
Nghề báo cho tôi cơ hội được tiếp xúc với nhiều người. Trong vô vàn cuộc gặp, có người chỉ thoảng qua nhưng có những nhân vật đã để lại kỷ niệm không thể quên trong đời làm báo. Niềm vui sau mỗi bài viết thành công giúp tôi có thêm động lực để bước tiếp.


1. “Cộc, cộc, cộc...”, sau tiếng gõ cửa, một cô gái xinh đẹp với bộ váy vàng óng bước vào phòng. Tôi thoáng chút ngỡ ngàng rồi nhận ra, đó là em, cô gái đáng thương trong bài viết của tôi mười mấy năm về trước. Em bảo, em tìm đến trụ sở cũ, người ta chỉ cho em về đây. Vẫn nụ cười duyên, đôi mắt bồ câu thu hút mọi ánh nhìn. Tôi nhận bó hoa chúc mừng sinh nhật từ tay em, lại thêm một lần ngỡ ngàng. Có lẽ, đây là món quà ý nghĩa nhất mà tôi nhận được vào dịp kỷ niệm này. Bởi, chỉ riêng việc em nhớ đến tôi đã khiến tôi cảm thấy hạnh phúc rồi.

Nhiều bài báo đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của nhân vật. Ảnh: Thiện Nhân

Tôi nhớ như in bức thư em viết nắn nót bằng bút mực gửi tới Báo CAND, ký tên Trần Thị Luyến ở quận Long Biên, Hà Nội. Nội dung bức thư kể về hoàn cảnh gia đình với người cha nhiễm chất độc da cam, tâm thần bất ổn, mẹ mắc tiểu đường mà có cả thảy tới 9 đứa con, mấy đứa không bệnh nọ thì bệnh kia. Cuộc sống gia đình Luyến vô cùng khó khăn, khổ cực, không nguồn thu mà người cha lại chưa được hưởng chế độ trợ cấp cho người bị chất độc da cam.

Tìm đến nhà em, tôi bất ngờ bởi ở một nơi ven sông Hồng thuộc Thủ đô Hà Nội lại có một túp lều lụp xụp giữa đám cỏ lau mọc um tùm, phía trước là ao, hố lõng bõng nước. Người đàn ông lẽ ra trụ cột gia đình thì lại không kiểm soát được hành vi. Người mẹ đi buôn thúng bán mẹt nuôi chồng và 9 đứa con đau ốm. Bản thân cô gái xinh đẹp và có vẻ hiểu biết nhất cũng mắc chứng đau đầu từ nhỏ.

Tôi đã tìm hiểu những căn cứ để khẳng định người cha từng chiến đấu và bị ảnh hưởng của chất độc da cam, lần ra chỗ “tắc” trên đường đi của bộ hồ sơ đề nghị được hưởng chế độ... Cuối cùng thì bài báo của tôi viết về gia đình những đứa trẻ đáng thương đã giúp họ được hưởng chế độ da cam theo đúng quy định của Nhà nước. Số tiền trợ cấp tuy không nhiều nhưng đã giảm bớt cuộc sống khó khăn.

Phóng viên Báo CAND xác minh thông tin về việc người lính già ở Thái Bình chưa được công nhận thương binh

Có bạn đọc của Báo CAND ngỏ lời muốn nhận Luyến vào làm một công việc lao động giản đơn ở khách sạn (lúc đó em đã học xong cấp 3, chưa có việc làm). Tuy nhiên, công việc đó không phù hợp với sức khỏe nên em không dám nhận. Sau này, cô gái đó vẫn thường xuyên thông tin cho tôi về tình hình của các thành viên trong gia đình. Ngày em làm lễ cưới, tôi có mặt chung vui với em. Giờ em đã có một gia đình hạnh phúc, 2 thiên thần của em cũng đã bắt đầu đến trường. Nhiều năm không gặp, em đã trở thành người phụ nữ trưởng thành, chín chắn và nghị lực.

2.Trong danh sách bạn bè trên mạng xã hội của tôi, nick Thanh Ngân luôn có những bài viết tràn ngập năng lượng và cảm xúc tích cực. Tôi thích đọc những dòng trạng thái của em bởi tôi tìm thấy nhiều điều thú vị. Ngân là giảng viên tiếng nước ngoài của một trường đại học ở Hà Nội. Mỗi lần hình ảnh của em hiện trên dòng thời gian là một lần em gây ấn tượng cho tôi. Một vẻ đẹp tâm hồn, một lối sống tích cực, trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng đã khiến tôi cảm động và tự hào.

Cơ duyên để tôi gặp Ngân cũng bắt đầu từ một lá thư trình bày hoàn cảnh. Theo thư, tôi tìm gặp em và người mẹ mắc trọng bệnh trong Bệnh viện Bạch Mai và thực sự xúc động trước nghị lực của các cô gái Ninh Bình. Bàn học kê bên hành lang bệnh viện. Các chị em thay nhau chăm mẹ, học bài. Mặc dù mắc bệnh hiểm nghèo nhưng tôi coi bà mẹ ấy là một bà mẹ hạnh phúc nhất thế gian khi có các cô con gái chăm chỉ, hiếu thảo.

Cả gia đình đã có quãng thời gian vô cùng khó khăn, vật lộn với từng bữa cơm, với tiền đóng học và mua thuốc chữa bệnh. Những cô gái nhỏ sẵn sàng làm bất cứ công việc lao động chân chính nào, dù vất vả, cực nhọc nhất. Tôi đã viết bài báo về các em, về bệnh tật của người mẹ để mong tìm sự đồng cảm, giúp đỡ cho gia đình em. Ngày đó, một số bạn đọc của báo đã gửi tiền giúp đỡ mẹ con em nhưng không nhiều. Tôi đại diện báo, trao cho em sự trợ giúp nhỏ nhoi mà cảm thấy áy náy. Bẵng đi thời gian dài, vào một ngày mùa thu 2017, em gọi tôi, hẹn cà phê.

Vợ chồng người lính già ở Thái Bình vui mừng nhận quyết định hưởng chế độ thương binh sau khi có sự vào cuộc của Báo CAND

Gặp em, tôi ngỡ ngàng trước sự bứt phá kỳ diệu của các cô gái năm nào. Chị và em của Ngân đều tốt nghiệp đại học và có công việc mà nhiều người mơ ước. Người mẹ đã hồi phục sức khỏe và hạnh phúc với sự thành đạt của các con. Trong khi chờ tôi, em ngồi nghiền sách. Sách là một phần không thể thiếu với em.

Cuộc gặp với tôi hôm đó, em coi như cách bày tỏ sự tri ân với việc làm của tôi năm nào. Tôi bối rối trước món quà nhỏ em tặng, thấy ngượng ngùng khi em bảo: “Chị đã giúp em rất nhiều!”. Tôi không dám nhận sự biết ơn đó nhưng em nháy mắt tinh nghịch: “Chị không biết mình đã giúp em được những gì đâu”. Có lẽ những lời động viên trong bài báo đã góp phần khích lệ các cô gái có thêm nỗ lực và niềm tin vào cuộc sống, hơn cả những giá trị vật chất đem lại.  

3.Năm 2007, tôi nhận được thông tin ở một xã thuộc huyện ngoại thành Hà Nội có gia đình mà cả 3 đứa con không được đi học vì không có giấy khai sinh. Tìm đến địa chỉ có câu chuyện thật tưởng như bịa ở ngay Thủ đô Hà Nội, tôi thấy 2 đứa trẻ 9 và 11 tuổi quanh quẩn ở nhà trông cậu em út 5 tuổi cho mẹ đi làm đồng. Nhà gần trường mà bọn trẻ hằng ngày phải thèm thuồng nhìn chúng bạn cắp sách đi học. Bố mẹ chúng đến thuyết phục bà hiệu trưởng nhận con nhưng không được, lý do đơn giản là... bọn trẻ không có giấy khai sinh!

Chị T là người Nghệ An, lên Hà Nội kiếm sống rồi kết hôn. Trước đó, anh đi bộ đội, chuyển hộ khẩu theo, rồi khi ra quân không chuyển về. Không hộ khẩu, họ không có đăng ký kết hôn. Bọn trẻ lần lượt ra đời và thứ giấy tờ duy nhất chứng minh cho xã hội biết sự tồn tại của chúng là giấy chứng sinh. Bố mẹ bọn trẻ chỉ làm nông, hiểu biết không nhiều nên họ ngậm ngùi chấp nhận để con ở nhà.

Bài viết mang tựa đề “11 tuổi không được đi học vì thiếu... giấy khai sinh” của tôi trở thành câu chuyện gây chấn động trong ngành giáo dục Thủ đô lúc đó. Trường học, địa phương không thể còn thờ ơ. Ngay lập tức, những đứa trẻ được đến trường. Nhà trường bố trí hẳn cô giáo kèm riêng để 2 đứa trẻ theo kịp kiến thức với các bạn. Bọn trẻ tiếp thu nhanh, học khá, khiến bố mẹ vô cùng phấn khởi. Gia đình họ lại có quyền hy vọng vào tương lai của những đứa con mà trước đó họ chưa dám nghĩ tới.

4. Đúng dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27-7-2018, tôi nhận được cuộc điện thoại của người lính già ở tỉnh Thái Bình, giọng run run: “Tôi được cầm thẻ thương binh rồi cô ạ!”. Trong tôi ngập tràn niềm vui sướng, bởi hành trình chúng tôi cùng ông đi tìm công lý đã kết thúc có hậu. Sau gần nửa thế kỷ bị thương, ông đã đàng hoàng mà nói với mọi người rằng: “Tôi là thương binh”.

Thời trẻ, ông tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở nhiều mặt trận. Khi trở về, ông chẳng giữ được giấy tờ gì cho mình để nghĩ đến chế độ sau này. Mảnh đạn thì vẫn găm trong đầu, hành hạ ông mỗi ngày. Người ta bị thương thì được chế độ thương binh, còn ông thì không. Chế độ trợ cấp hằng tháng với ông không hẳn quan trọng nhất. Điều quan trọng hơn là danh dự của một người lính.

Khi chính sách đãi ngộ người có công cởi mở hơn, tạo điều kiện cho người bị mất giấy tờ không bị thiệt thòi, ông làm lại hồ sơ theo hướng dẫn rồi nộp lên xã, xã chuyển lên huyện... Chờ đợi mỏi mòn mấy năm trời mà không tin tức gì, ông chẳng biết kêu ai.

Khi chúng tôi vào cuộc mới phát hiện ra, hồ sơ của ông bị cất vào ngăn tủ vì thiếu nhiều thứ. Vậy mà chẳng ai hướng dẫn để ông làm lại. Sự thờ ơ, vô cảm của những người có trách nhiệm ở địa phương khiến người lính già mất niềm tin. Chúng tôi đã đồng hành cùng ông trên hành trình khá tốn công sức, viết nhiều bài báo, thúc giục cơ quan chức năng làm đúng quy định.

Và cuối cùng, sau 2 năm đồng hành cùng chúng tôi, ông đã có trong tay tấm thẻ mà ông trăn trở, day dứt mấy chục năm nay. Với ông, đó là danh dự, cũng là niềm tự hào khi được ghi nhận sự cống hiến cho độc lập dân tộc.

Với người làm báo như chúng tôi, chẳng gì vui hơn sự thành công sau những bài viết như thế.

Nguyễn Minh Phương
.
.
.