Chuyện về già làng Tây Nguyên ba lần được gặp Bác Hồ

Thứ Bảy, 26/08/2006, 08:39

“Những ngày tháng ấy không thể quên được, mình phải nhớ, kể lại cho con cháu, mai này chúng nó còn kể lại cho thế hệ nối tiếp, để nhắc nhở nhau sống sao cho xứng đáng với niềm tin của Đảng, của Bác Hồ”, già làng Ama Phương (tên khai sinh là YBhin Mlô) người đã 3 lần được gặp Bác Hồ, tâm sự.

Một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ

Sinh ra trên mảnh đất Tây Nguyên bất khuất, cậu bé YBhin Mlô đã sớm nhận ra bộ mặt tàn ác của giặc ngoại xâm. Mười mùa rẫy, cậu đã biết theo người lớn lên rừng vót chông làm ná đánh Pháp. Dũng cảm, lanh lợi, YBhin nhanh chóng trở thành liên lạc cho đơn vị bộ đội chủ lực, lập được nhiều chiến công ngay trên mảnh đất quê hương. Năm 1954, chàng trai Ê Đê tập kết ra miền Bắc, học tập, rèn luyện để tiếp tục trở về chiến đấu giải phóng buôn làng.

Lần đầu tiên được gặp Bác Hồ, thỏa bao nhiêu ngày đêm mong ước. Đấy là vào năm 1958, Sư đoàn của YBhin đang làm thủy lợi ở công trình Bắc Hưng Hải thì được đón Bác tới thăm. Bác ân cần hỏi thăm từng chiến sỹ, Bác hỏi YBhin: "Chú là người dân tộc nào?" "Dạ, thưa Bác! Cháu là người dân tộc Ê Đê ở Tây Nguyên ạ!".

Bác căn dặn: "Chú là người con của đồng bào Tây Nguyên, như hạt bắp giống của nương rẫy, phải cố gắng học cho thật giỏi để sau này đem hạt giống ấy về gieo trồng, làm giàu đẹp cho quê hương mình". Nghe những lời ân cần ấy, YBhin đã khóc, khóc vì nhớ quê hương buôn làng, vì biết ơn tấm lòng của Bác Hồ, của Đảng bao giờ cũng hướng về đồng bào Tây Nguyên ruột thịt.

Già làng Ama Phương (người ngồi đầu tiên bên trái) ra thăm Lăng Bác Hồ cùng với đoàn đại biểu lão thành cách mạng.
Nhắc lại chuyện này, già Ama Phương, buôn Năng, xã Ea Hồ, Krông Năng, Đắk Lắk, lặng đi vì xúc động. Đến năm 1960, được cử đi học tại Trường Dân tộc Trung ương, YBhin lại được đón tiếp Bác Hồ đến thăm trường. Sự quan tâm, ân cần của vị cha già đã động viên rất nhiều, tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sỹ tập kết ngày ấy vượt qua gian khổ.

Năm 1967, sau khi trở về lăn lộn với các phong trào đấu tranh giải phóng miền Nam, YBhin lại có mặt trong đoàn đại biểu tiên tiến của tỉnh Đắk Lắk được ra thăm miền Bắc. Và thật may mắn, lần thứ 3 YBhin lại được ở bên Người. Ama Phương bảo rằng: Có lẽ mình là người Tây Nguyên may mắn được gặp Bác Hồ nhiều nhất, và lần nào cũng xúc động bồi hồi! Chính những lời răn dạy của Bác Hồ đã giúp mình vượt qua nhiều hiểm nguy gian khó để đứng vững đến bây giờ.

Giọng trầm xuống, già kể một câu chuyện khác: Những năm 80, khi ấy, mình là Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Búk, có một tên chủ xưởng gỗ đem hối lộ mình một bọc tiền to bằng bắp đùi này này, đổi lại, phải cấp cho nó một cái giấy phép khai thác vận chuyển gỗ. Mình dứt khoát từ chối, nó không hiểu, thắc mắc: Tại sao nghèo đến nỗi xe đạp không có mà đi lại chê tiền!? Mình cười: Ta là hạt giống làm giàu đẹp buôn làng, không lẽ nào lại đi làm điều xấu được, Bác Hồ dạy ta thế đấy!

Khát vọng Tây Nguyên

Về lại với buôn làng, già Ama Phương là Bí thư Chi bộ buôn Năng liên tiếp 3 nhiệm kỳ. Nay thì già nghỉ, nhường công việc lại cho lớp trẻ. Già tâm sự: Thanh niên bây giờ thừa nhiệt huyết nhưng lại thiếu kinh nghiệm, vì thế, có việc gì khó khăn, mình lại giúp chúng nó tháo gỡ.

Theo già, đồng bào Ê Đê vốn cần cù chịu khó nhưng chưa có những kế sách hay để làm giàu. Mà gốc rễ của mọi vấn đề là kinh tế. Kinh nghiệm của một Bí thư chi bộ lão thành cho thấy, nếu giải quyết được cái ăn cái mặc, các nhu cầu sinh hoạt cho đồng bào thì mọi vấn đề khác sẽ tháo gỡ được ngay. Như cái Tin Lành Đề Ga chẳng hạn.

Già nói với con cháu trong buôn rằng: Nhà nước ta không cấm theo đạo nhưng cấm tuyệt đối những ai lợi dụng tôn giáo để làm điều xấu. Không ai đem lại cơm no áo ấm cho mình nếu mình không chịu lao động, ai nói không làm mà vẫn có ăn là lừa phỉnh, là xuyên tạc. Làm sao để đồng bào mình không nghe lời bọn xấu, yên tâm làm ăn? Đó là câu hỏi thôi thúc tâm can già khiến nhiều đêm già không ngủ được.

Tháng 7 vừa rồi, khi cùng đồng chí Chủ tịch tỉnh về TP Hồ Chí Minh tham dự Hội nghị phát triển kinh tế - xã hội - quốc phòng khu vực Tây Nguyên, già cũng đã đề đạt nguyện vọng của mình lên đồng chí Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, rằng: Đồng bào Tây Nguyên đã được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đã được nhiều ưu tiên ưu đãi, những vẫn cần những chính sách cụ thể, hiệu quả và thiết thực hơn nữa, tạo điều kiện cho bà con làm giàu trên mảnh đất của mình.

Tôi hiểu, đó không chỉ là mong ước của riêng già mà còn là mơ ước của tất cả đồng bào sinh sống trên mảnh đất Tây Nguyên. Già nhận lấy trách nhiệm nói thay lời nói của bà con mình, khát vọng của đồng bào mình. Những lời tâm huyết ấy chắc chắn sẽ được Đảng, Nhà nước lắng nghe và hồi âm lại bằng những chính sách đầu tư hiệu quả, để thỏa ước nguyện của đồng bào Tây Nguyên, đồng bào cả nước và nhất là thỏa mãn khát khao của Bác Hồ: Đó là, "nhân dân ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành"

Tuấn Thiện
.
.
.