Chuyện trò với người hay trò chuyện

Chủ Nhật, 06/05/2012, 00:19
Lúc này, hơn bao giờ hết, nhà báo rất cần tâm thế nhà thơ để mọi người yêu thương nhau hơn, thông cảm và tha thứ cho nhau. Tôi nghĩ không ít nhà báo hiện nay đang bị chi phối bởi tâm thế phá phách, bóc mẽ, cuồng nộ... Tôi tôn trọng những góc nhìn về nghề như thế, nhưng tôi không làm theo những cách đó, bởi tôi là một nhà thơ, nhà thơ, nhà báo Hồng Thanh Quang bộc bạch.

Thực tình tôi rất ngại đọc những bài phỏng vấn (PV) của nhà thơ Hồng Thanh Quang trên báo An ninh thế giới giữa tháng và cuối tháng bởi nó quá dài, dễ có đến 4 - 5 nghìn chữ. Nhưng tôi lại cũng không cưỡng lại được chuyên mục đó mỗi khi cầm tờ báo bởi ở đó không phải là sự hấp dẫn của câu chữ, mà ở sự hoạt ngôn của người dẫn dắt trong câu chuyện với người đối thoại.

Một lần gặp anh, tôi bảo: anh là người hay đi PV người khác, anh có vui lòng khi người khác PV lại không? Anh cười ha hả: Mình muốn người khác đối xử với mình thế nào thì mình cũng phải đối xử với người khác như thế. Tôi luôn sẵn sàng.

Cho đến bây giờ anh có nhớ mình đã làm bao nhiêu bài PV rồi không?

Tôi chắc không ai đếm từng ngày mình sống, từng việc mình làm. Thực sự chưa bao giờ tôi biết mình đã làm bao nhiêu bài thơ, viết bao nhiêu bài báo, làm bao nhiêu bài PV, thậm chí là cả yêu bao nhiêu người. Tôi rất thích một câu mà ai đó đã nói rằng: bước đầu tiên của đứa bé vào đời là bước thứ nhất để đến gần cái chết. Thế nên cuộc đời tính đếm làm gì, miễn là mỗi hoạt động của chúng ta đều có ý nghĩa.

Phải nói là những bài PV đó đã tạo nên một lối đi riêng của nhà báo Hồng Thanh Quang, qua những cuộc trò chuyện đó, người được PV như được trải lòng, không chỉ trong công việc mà cả trong cuộc sống thường ngày. Có thể gọi tên phong cách PV của anh là gì?

Tôi quan niệm đó là những cuộc trò chuyện. Có một số người không thích đâu, khi đọc những bài PV của tôi, họ bảo Hồng Thanh Quang hay khoe mình, nhưng khi làm, tôi chẳng bao giờ nghĩ thế. Tôi không có dụng ý cá nhân hay điều gì khuất tất trong những bài PV ấy cả. Cám ơn chị đồng cảm được phong cách của tôi. Còn nếu ai chê bai thì tôi cũng không trách vì trong cuộc đời mình nên lắng nghe những lời chê để mình biết dè chừng và sống tử tế hơn.

Đúng, những bài PV của anh không phải ai cũng thích đâu. Nhiều bài của anh người đọc bảo có thể gút lại một nửa. Là người làm báo, anh hiểu người đọc rất cần lượng thông tin. Hơn nữa anh còn là nhà thơ, câu chữ thường súc tích, ngắn gọn. Ở đây người hỏi lại nói nhiều hơn người trả lời khiến có người bực mình bảo: biết rồi thì còn hỏi làm gì. Phải chăng vì anh có trong tay tờ báo nên cho mình quyền làm như vậy?

Nhà báo Hồng Thanh Quang (trái) trò chuyện với NSND Trọng Khôi. Ảnh: Minh Trí.

Thể loại của tôi không phải là bài PV theo kiểu hỏi - đáp. Tôi muốn qua những cuộc trò chuyện, mang những điều tôi biết và kiểm nghiệm bằng những người mà tôi coi trọng, theo quan điểm của tòa soạn, của tôi. Tôi muốn họ lý giải, đồng tình hay phản đối với quan điểm mà chúng tôi đưa ra. Vì thế, trong những cuộc trò chuyện, tôi thường trình bày quan điểm của tôi, họ tán thành hay không tán thành thì đó là một giá trị lớn hơn rất nhiều những sự lý giải khác.

Tôi nghĩ rằng, trong nghề báo của mình, có nhiều người không dân chủ, đi PV là chỉ để nghe. Tôi thì khác, khi tôi đến trò chuyện với ai là tôi có chủ ý rồi, tôi muốn gặp những người tôi tôn trọng, những người tôi thấy ý kiến của họ có giá trị với xã hội. Hoặc cũng có những người khi đến gặp mình muốn nghe họ nói, nhưng mình lại phải hướng họ đến những điều mình muốn nghe. Chính vì thế, có những lúc câu hỏi dài hơn câu trả lời.

Dù thế nào thì mỗi bài PV của anh cũng có dấu ấn riêng, khắc họa được chân dung của nhân vật mà anh PV.

Tôi không chủ quan, nhưng có thể nói trước tôi, không có mấy người có phương thức hành nghề báo chí một cách chân thành với độc giả. Sau nhiều năm làm nghề, tôi thấy rằng có lẽ tôi là một trong số ít người có phương thức hành nghề báo chí một cách gần gũi, coi độc giả như mình chứ không tạo khoảng cách. Tôi hành nghề báo chí với tư cách độc giả và tôi muốn độc giả đọc báo như một nhà báo chuyên nghiệp.

Tất cả những thao tác báo chí ấy đều được hình thành từ cái thiện chí rất lớn là để làm sao cùng mọi người tiếp cận sự thật. Trong từng tình huống cụ thể, có lúc thành công, có lúc không, nhưng đến hôm nay tôi vẫn nói, con đường tôi đi là đúng.

Cứ có cảm giác anh gửi gắm nhiều tâm sự của mình qua những cuộc trò chuyện với nhân vật. Điều đó có đúng không?

Tôi không thích sự đãi bôi. Như chị ngồi với tôi, với cái tâm thế của chúng ta, với những mối quan hệ đồng nghiệp thì may ra mới tiếp cận được điều chúng ta muốn biết. Trong cái khuôn thước của mình, tôi muốn tôn vinh từng cá nhân, cả người đi PV và người được PV. Chỉ có sự thiện chí cùng giá trị của từng cá nhân thì may ra mới làm được việc có ích.

Có người bảo thích đọc những bài PV của anh vì anh thường PV những nhân vật VIP, những người nổi tiếng. Vì sao anh lại chọn lựa như vậy trong khi xã hội có rất nhiều người bình thường nhưng cuộc đời cũng rất thú vị và họ cũng làm được nhiều điều phi thường?

Cái khó nhất của bài PV là chọn ai để trò chuyện và PV với tâm thế nào. Tại sao phải chọn người nổi tiếng? Bởi họ là những giá trị đã được khẳng định. Không có mình, họ đã giá trị rồi, nhưng họ giúp mình để khẳng định giá trị cần truyền bá đến xã hội, giúp mình lấy được thông tin xã hội đang cần.

Và đó là chủ trương của anh?

Đúng, tất nhiên cũng có một dòng báo chí phát hiện những cái chưa được biết, phản ánh những chuyện đời thường. Nhưng muốn tờ báo được quan tâm phải để ý nghe những giá trị được thẩm định. Một tờ báo muốn thành công thì hai dòng chảy này phải song hành, dùng giá trị ai cũng biết và ai cũng muốn biết để soi rọi những chuyện chưa biết. Tôi muốn cùng những người nổi tiếng soi rọi lại vấn đề tưởng chừng ai cũng biết và cả những vấn đề không mấy ai biết.

Là một nhà thơ, nhưng những bài PV của anh hoàn toàn là công việc báo chí. Vậy tâm hồn thi sĩ có giúp gì cho anh trong việc làm báo và công việc làm báo có tác động gì đến việc làm thơ?

Tôi nghĩ mỗi chúng ta không thể tách rời chính ta được. Với tôi, bất cứ bài báo nào, câu chữ nào cũng có tâm thế nhà thơ, nhưng nhà thơ xử sự theo phương pháp báo chí.

Nhưng làm báo và làm thơ là hai công việc khác nhau. Anh thường cất giấu con người nhà thơ ở đâu trong khi làm báo?

Tôi không hề bị phân thân, khi tôi làm báo trong tôi có tâm thế nhà thơ và khi tôi làm thơ trong đó có phẩm hạnh nhà báo. Nhưng thực sự khi nhà thơ làm báo, mọi chuyện thường được nhìn nhận nhân ái hơn. Gần đây, khi nói chuyện với sinh viên Học viện Báo chí, tôi nói với các em rằng, chúng ta không thể xem nhẹ chức năng báo chí, nhưng trong giai đoạn hiện nay, nhà báo phải là người “vá víu” xã hội.

Lúc này, hơn bao giờ hết, nhà báo rất cần tâm thế nhà thơ để mọi người yêu thương nhau hơn, thông cảm và tha thứ cho nhau. Tôi nghĩ không ít nhà báo hiện nay đang bị chi phối bởi tâm thế phá phách, bóc mẽ, cuồng nộ... Tôi tôn trọng những góc nhìn về nghề như thế, nhưng tôi không làm theo những cách đó, bởi tôi là một nhà thơ.

Cái tên nhà thơ Hồng Thanh Quang thì đã thành một thương hiệu. Anh có nghĩ mình cũng là một nhà báo thành công?

Thực ra tôi là người bất hạnh vì tôi phải trả giá quá lớn với những gì mà người đời tưởng tôi được. Sau lưng tôi không chỉ là sự dằn vặt, đau đớn, suy tư của chính cá nhân mình mà rất nhiều người đã phải chịu thiệt thòi, phải khổ nạn vì tôi để tôi có ngày hôm nay. Tờ báo tôi đang làm sở dĩ được như hôm nay là tôi đã phải đối xử “tệ” với nhiều người, tôi không dám dễ dãi, xuê xoa với những gì mà tôi coi là không đúng với tôn chỉ, mục đích của tờ báo và nghề báo.

Tôi không được quyền dễ dãi, xuê xoa với rất nhiều người tôi yêu quí. Khi có bài tôi thấy không thích hợp với con đường đi của báo, bắt buộc tôi phải từ chối bởi tôi dễ với mọi người thì sẽ mất cái lớn hơn là danh tiếng, uy tín và thương hiệu của tờ báo. Nhiều người cho rằng tôi quá khắt khe với những người thân thuộc và tôi mất tương đối nhiều thân hữu chỉ vì tôi không thể nhắm mắt cho qua những bài báo mà tôi cảm thấy chưa được so với quan niệm báo chí của tôi. Điều đó làm tôi đau đớn, nhưng tôi không có lựa chọn nào khác. Đấy là sự khắc nghiệt của nghề.

Nghe nói nhà thơ Hồng Thanh Quang to xác và lớn tiếng vậy thôi nhưng là người yếu đuối trong tình cảm, hay xúc động và còn hay mủi lòng. Có điều gì đặc biệt từ con người anh?

Ăn to nói lớn thực ra là sự giả trang để che giấu sự mềm yếu dễ bị tổn thương. Nhà thơ là những người có nơron thần kinh nhạy cảm nhất trong cơ thể của một cộng đồng. Có trao bao nhiêu giải thưởng, có tặng bao nhiêu vinh hoa cho nhà thơ thì cũng không bao giờ xứng với sự đau đớn khi họ viết ra những câu thơ mà tất cả mọi người có thể đồng cảm được.

Còn nhà thơ phải đi làm báo là sự khổ hạnh rất lớn, nhưng mình không thể từ chối nghĩa vụ của mình. Đã là nhà thơ nhạy cảm thế mà lại phải tỉnh táo để làm báo thì phải có sự hy sinh, tu dưỡng rất lớn mới thực hiện được nghĩa vụ của mình. Nhưng xã hội cần sự hy sinh của nhà thơ để xã hội trở nên tử tế hơn.

Đọc những bài thơ tình của nhà thơ Hồng Thanh Quang thấy tình yêu nồng nhiệt và dữ dội lắm, quên hết xung quanh, quên hết thời gian. Thế những người đàn bà thế nào thì vào được thơ anh?

Thực ra bây giờ tôi mới hiểu những người đàn bà trong thơ tôi phần lớn bắt nguồn từ những trang sách đã đọc. Mỗi người đàn bà trong đời thực chỉ gợi một điều gì đó từ cuốn sách chứ không cụ thể, bởi thế tôi cứ như kẻ ngu ngơ giữa đời và thường bị thất vọng bởi không có người đàn bà nào giống hệt như hình ảnh mà mình ấp ủ trong lòng. Mỗi người đàn bà chỉ giống một thứ và tôi phải “vá víu” để họ gần điều tôi nghĩ. Nhưng tôi không phải là người tuyệt vọng vì phụ nữ vì nói cho chung, phụ nữ luôn tử tế với tôi hơn là tôi có thể tử tế đối với họ. Và bi kịch là ở chỗ người phụ nữ hy sinh vì tôi nhất lại là người mà tôi có thể làm cho đau đớn nhất.

Không biết có phải vì những điều tưởng tượng trước kia rất rõ, sau này mờ dần đi nên những năm sau này ít thấy những bài thơ hay như những năm trước kia của nhà thơ Hồng Thanh Quang. Có người bảo: ông này mòn rồi.

Bởi trước đó nó đánh thức tâm thức thật của mình, sau này mờ dần. Theo năm tháng, những hình bóng thơ đều nhợt nhạt so với hình bóng đẹp nhất được tạo dựng từ thời trẻ. Thật là ảo tưởng bắt nhà thơ 50 tuổi ca ngợi phụ nữ, tuổi này làm thơ về mẹ mình may ra mới có câu thơ hay. Những bài thơ bây giờ tôi viết ở góc độ khác, nhưng đại đa số tìm đến thơ tôi lại chỉ muốn tìm đến hình tượng của tuổi 20. Tuổi 50 cũng có nhiều điều hấp dẫn chứ, bởi ở đó có sự trải nghiệm, sự đồng cảm, sự tha thứ. Tôi không chấp nhận bảo thơ tôi dở hơn vì không có lý do gì cuộc đời từng trải hơn, tư duy phát triển hơn mà thơ lại không hay bằng trước kia. Tôi nghĩ tôi đang trong một giai đoạn khác, tôi vẫn sống tận tình như thế thì thơ cũng vẫn sẽ có một cái vị gì đó chứ.

Thảo nào có người bảo Hồng Thanh Quang cá tính, kiêu căng, sống bản năng trong tình cảm và ít chịu ai.

Tôi nghĩ tôi là người kiêu hãnh, tôi đi theo con đường của riêng tôi và tin là mình đúng. Tôi trải qua rất nhiều chuyện và được thử thách nhiều, nhưng tôi vẫn yêu thương quí trọng con người. Tôi biết nhiều chuyện khúc mắc của xã hội, nhưng không vì thế mà tôi nhìn nhận mọi chuyện đen tối. Tôi vẫn tin vào cái thiên lương của con người, vẫn biết xót xa và đồng cảm.

Tôi là nhà thơ, bản năng trời sinh ra, tôi có sự kiêu hãnh của tôi. Tôi không chịu hạ giá tôi đâu, nhưng không vì thế mà tôi coi thường người khác. Hồi trẻ, tôi rất cực đoan, nhưng bây giờ biết sống nương nhẹ hơn. Khoảng 10 năm về trước, tôi bảo tôi muốn lên chức để bớt đi những người dốt hơn mà lại ngồi ở trên và điều khiển tôi. Nhưng bây giờ tôi biết rằng, sở dĩ họ ở vị trí cao hơn vì họ có thế mạnh mà tôi không có. Đó là quá trình trưởng thành của nhận thức.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này! Độc giả sẽ tiếp tục chờ đón bài thơ hay về phụ nữ của nhà thơ Hồng Thanh Quang và những bài PV đầy dấu ấn của anh!

Theo Tố Lan (suckhoedoisong.vn)
.
.
.